“Làng Việt” - Một địa chỉ văn hóa tín ngưỡng tâm linh

“Làng Việt”- tên gọi quen thuộc của Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam ở Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội. Nơi đây có các khu làng dân tộc phục dựng nguyên bản hình mẫu nhà và làng của 54 dân tộc anh em trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam. Đây cũng là địa chỉ văn hóa tín ngưỡng tâm linh được hội tụ từ các vùng miền đất nước.

Từ trung tâm Hội nghị quốc gia Hà Nội, theo đại lộ Thăng Long đến vùng đất địa linh nhân kiệt Ba Vì - Sơn Tây, điểm cuối cùng đường là Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam. Đây là một trung tâm du lịch văn hóa dân tộc, nơi tổ chức sự kiện văn hóa - di sản.

Đến cổng làng, hướng về phía tay phải, ta gặp ngôi đền thiêng Đồng Bài. Có thể nói đây là đền trình để đi đến xứ sở các ngôi đền thiêng của vùng núi thiêng Ba Vì - Sơn Tây. Đền có kiến trúc cổ kính truyền thống, thờ các vị thần linh có công vùng núi Tản sông Đà, vùng đất hai vua thời cổ sử. Nơi đây là điểm đến cho người hành hương đến vùng đất thiêng, bái vọng tổ tiên nguồn cội, ghi nhớ công đức sơn thần, cầu tài cầu lộc theo đức tin và tâm nguyện truyền thống của người Việt.

Từ tượng Gióng linh thiêng đến tượng rồng linh vật

Trong “Làng Việt” có đặt bức tượng gióng bằng đồng nguyên bản thu nhỏ của tượng phù Đổng Thiên Vương ở đền Sóc Sơn Hà Nội. Du khách có thể ngưỡng vọng đức tín ngưỡng thờ thánh có công dẹp giặc giữ nước từ thời kỳ xa xăm của lịch sử. Người Việt có niềm tin Thánh Gióng là biểu hiện cho sức mạnh lớn nhanh thần diệu, khát vọng thăng hoa, không màng danh vọng, ơn nghĩa với cội nguồn, tiêu diệt xâm lăng tàn bạo đến cùng. Tưởng niệm, bái vọng tượng đồng Thánh Gióng là có ý nghĩa cầu an được thánh ban phước bình an, may mắn trong nền tảng quốc thái dân an của người Việt.




Trên “Làng Việt” có bức tượng gốm phục chế đầu rồng thời Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư về Thăng Long. Đây là linh vật được đặt trong lễ thượng cờ ở Đồng Mô năm 2005, là linh vật mang ý nghĩa tôn vinh anh linh đất Thăng Long ngàn năm văn hiến. Chiêm nghiệm và dâng hương lên tượng đầu rồng linh vật thời Lý là thể hiện lòng thành với tổ tiên nguồn cội thông qua đó cầu mong đất nước thanh bình, nhà nhà thịnh vượng, người người thành đạt. Đây cũng là nét đẹp của du khách đến với địa chỉ tín ngưỡng tâm linh “Làng Việt”.

Từ nhà sàn đến nhà rông dáng rùa thiêng tín ngưỡng Việt

“Làng Việt” là nơi có bộ sưu tập đầy đủ các kiểu dáng nhà sàn trên mọi miền đất nước. Về tín ngưỡng tâm linh phải kể đến dấu ấn về ngôi nhà Mường Tây Bắc và nhà rông Tây Nguyên.

Truyền thuyết các dân tộc kể rằng con rùa đã mách bảo con người cách làm nhà sàn phòng sinh học. Mái sàn khu mu rùa những chân cột hệt chân rùa và cầu thang lên xuống là nơi đầu rùa đuôi rùa.

Rùa là con vật thiêng nằm trong bộ tứ linh long, ly, quy, phượng được đi vào tâm thức tín ngưỡng dân gian. Đến với ngôi nhà sàn là sự khám phá miền đất cổ, kiến trúc cổ và cảm nhận giá trị tín ngưỡng tâm linh truyền thống. Trong nhà Mường bạn có thể dự lễ cầu sức khỏe, một hình thức cầu an cầu tài lộc theo truyền thống của người Mường.

Với nhà rông, nhà dài Tây Nguyên bạn có thể nhập vào lễ tục kết buôn, kết bạn, kết nối cộng đồng. Khi sống trong niềm tin bạn bè anh em, bạn tham gia những sinh hoạt cộng đồng sẽ thấy lòng mình thanh thản sảng khoái, niềm tin vào cuộc sống được nhân lên. Bạn cũng có dịp chắp tay kính cẩn nơi góc linh thiêng của người dân tộc thiểu số trên nhà sàn để trải lòng với những ước mơ khát vọng vào cuộc sống.

Từ tháp chăm đến chùa Khmer linh thiêng phương Nam

“Làng Việt” vừa thu nhỏ vừa trải rộng những tín ngưỡng tâm linh của vùng đất phương nam xa xôi của Tổ quốc. Nếu chưa có dịp vào miền nam bạn có thể tới “Làng Việt” để trải nghiệm, chiêm nghiệm các công trình chùa tháp độc đáo ở đây. Nếu tháp Chăm là thánh địa Hồi Giáo khúc ruột miền Trung thì chùa Khmer hẳn là kỳ quan Phật giáo đất Chín Rồng Nam Bộ.



Chùa Khmer - một trong những địa chỉ du lịch văn hóa tín ngưỡng tâm linh tại “Ngôi nhà chung”. Ảnh: Thanh Hà

Nét kiến trúc rất đặc trưng tiêu biểu kỳ vĩ ấy đã soi bóng cùng với núi Ba Vì trên hồ nước Đồng Mô, tạo dấu ấn một thắng cảnh Hà Nội thời nay. Nhưng cái chính là du khách tới đây được đắm mình trong cảnh quan và nghi lễ tôn giáo độc đáo của hai miền đất phương nam.

Đây là nơi du khách có điều kiện dâng hương cầu nguyện những gì mình thành kính và mong ước đối với tâm linh tín ngưỡng. các vị sư ở đây sẽ chỉ dẫn và đáp ứng cho bạn những nghi thức hành lễ, trọng đạo. Đây chính là mảnh đất đắc địa cho những ai đi du lịch tâm linh tín ngưỡng nơi di sản văn hóa độc đáo.


Ngô Quang Hưng

Nguồn: langvietonline.vn

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/lang-viet-mot-dia-chi-van-hoa-tin-nguong-tam-linh-a9798.html