10/04/2017 08:52
10/04/2017 08:52
Giá trị di tích đền A Sào
Ðền A Sào (xã An Thái, huyện Quỳnh Phụ , Tỉnh Thái Bình) được coi là di tích có giá trị văn hóa và lịch sử gắn liền với vương triều Trần và chiến tích lừng lẫy ba lần đại phá quân Nguyên - Mông vào các năm 1258, 1285 và 1288.
Chuyện kể rằng khi Hưng Đạo Đại vương đưa quân từ A Cảo vượt sông Hóa vào Lục Đầu Giang tiến sang sông Bạch Đằng đánh quân Nguyên do Ô Mã Nhi chỉ huy, ngài đã cưỡi voi. Dưới sông thì quân dân đã dùng bè mảng kết thành cầu phao, nhưng muốn đến được cầu phao phải qua một bãi lầy lớn ven sông (thuộc địa phận giữa làng Lễ Văn và làng A Sào ngày nay). Kỵ binh, rồi bộ binh lần lượt vượt qua bãi lầy qua sông, nhưng đến khi con voi của Hưng Đạo Đại vương đi qua một phần bãi thì bị sa lấy, càng dẫy dụa cùng lún sâu, quân lính và dân làng tìm mọi cách kéo con voi lên nhưng không được.
Việc quân cấp bách, Hưng Đạo Đại vương đành bỏ voi lên ngựa, lệnh cho tiếp tục hành quân. Loài vật có linh tính. Biết mình sẽ chết, con voi chiến ứa nước mắt nhìn theo chủ soái, rống lên những tiếng nghẹn ngào rồi từ từ chìm sâu vào đất... Trước tình nghĩa của quân dân và của con vật có nghĩa, Hưng Đạo Đại vương tuốt kiếm chỉ xuống dòng sông Hóa, thề rằng :
”Nếu trận này không thắng giặc Thát ta thề không trở lại bến sông này nữa!”
Con voi chết được dân làng A Sào đắp cho một cái mộ lớn. Sau chiến thắng Bạch Đằng, Hưng Đạo Đại vương đã trở về chốn cũ, mang Ô Mã Nhi cùng bọn tù binh về phủ Long Hưng làm lễ dâng tù. Qua mộ con voi chết, ngài ra lệnh cho dân làng đắp một con voi đất trên đó... Hiện nay, mộ voi được xác định là nằm cạnh đê sông Hóa, cách đền A Sào chừng 500 mét và cách sông Hóa khoảng 300 mét đường chim bay, nơi có mộ voi được dân gọi là Bến Tượng, dù đó không phải là bến đò chở khách qua sông.
Cổng đền A Sào.
Trước đây, do nhiều lần nước sông dâng lên, voi đất bị lở mất, dân làng đắp một con voi bằng gạch thay vào. Đến đầu thế kỷ 20, dân làng A Sào cử người ra tận Quảng Ninh thuê thợ tạc một con voi đá thay cho voi gạch. Năm 1951, giặc Pháp đóng đồn ở đền A Sào , chúng đã kéo con voi đá đó về đồn làm ụ súng. Giặc tan, nhưng đến nay voi đá vẫn còn.
Trong khuôn viên của đền còn có hồ Tắm Tượng (hồ để voi tắm), có gò Ðống Yên (nơi để yên ngựa của lính), Trại binh (nơi ở của lính) và nhiều linh khí khác...
Sau này, bến sông nơi voi trận sa lầy được gọi là Bến Tượng, trên có miếu thờ tượng voi. Dân làng còn lập sinh từ thờ Trần Hưng Ðạo, sinh từ thờ Ngài ở Kiếp Bạc (Hải Dương) là Ðệ Nhất Sinh từ, còn tại A Sào là Ðệ Nhị Sinh từ, dân gian vẫn quen gọi là A Sào Linh Miếu.
Trong khuôn viên của Ðệ Nhị Sinh từ có hồ Tắm Tượng, có sinh bia và nhiều linh khí, gần đó có gò Ðống Yên... Cũng từ đó, các địa danh ở vùng quê này gắn liền với chiến tích diệt giặc Thát và trường tồn với thời gian như địa danh: Mễ Thương (kho gạo), Am Qua (kho gươm), Ðại Nẫm (kho thóc lớn), A Mễ (nơi để gạo của nhà Trần) và đặc biệt là tên gọi A Sào mang ý nghĩa là cái ổ, cái tổ của nhà Trần.
Lễ hội đền A Sào.
Hàng năm, dân làng A Sào mở hội tế lễ Ðức Thánh Trần tại Ðệ Nhị Sinh từ và trở thành lễ hội lớn trong vùng. Theo lệ xưa, mọi nghi thức tế lễ trong ngày hội đều theo nghi thức quốc lễ, triều đình cử các quan về hành tế và thường có bánh giày cúng tế. Trải qua hơn 700 năm lịch sử, quần thể di tích A Sào - Bến Tượng - Mễ Thương đã bị hư hỏng nhiều, thậm chí bị bom đạn của giặc Pháp làm cho hoang tàn. Thế nhưng chừng đó thời gian khói hương vẫn không bao giờ phai nhạt và linh khí của Ðức Thánh Trần nơi đất thiêng vẫn trường tồn cùng năm tháng. Thời kỳ đổi mới, cụm di tích A Sào được nhân dân chăm lo giữ gìn, tôn tạo, ngôi đền mới đã được phục dựng bằng nguồn lực cộng đồng là nơi đón khách thập phương về chiêm bái và hành lễ.
Với những giá trị lịch sử - văn hóa có một không hai đó, ngày 14/4/2011, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã cấp bằng Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia cho Khu di tích Đình, Đền, Bến tượng A Sào.
Ngày 7/10/2011, UBND tỉnh Thái Bình ban hành Quyết định số 1991 phê duyệt tổng thể quy hoạch Khu di tích, với tổng diện tích 31,7 ha. Trong đó, di tích Đền A Sào 0,67 ha; di tích Bến Tượng 1,65 ha; sân lễ hội 1,56 ha; di tích Gò đóng yên 0,11 ha; bãi đỗ xe 2,28 ha; khu vực cây xanh, công viên 10,56 ha; xây dựng công trình dịch vụ 0,6 ha; hệ thống giao thông đường trục chính, đất ruộng, mặt nước, đất tái định cư, vỉa hè, đường bộ... 14,21 ha.
Ngày 27/4/2012, UBND tỉnh Thái Bình đã quyết định xây dựng khu Đền, gồm nhà Tiền tế, 2 nhà Giải Vũ, toà Đại Bái và Hậu Cung chồng diêm 2 mái, Lầu chiêng, Lầu trống, hồ phong thủy, Nghi Môn và các công trình phụ trợ, với tổng vốn đầu tư 41 tỷ đồng. Công ty cổ phần Nhân Bình là đơn vị vinh dự được xây dựng công trình lịch sử này.
Toàn cảnh đền A Sào.
Công trình được khởi công ngày 13/8/2012 và hoàn thành ngày 28/12/2013. Công trình được sự quan tâm đầu tư của Nhà nước, cùng với sự thành tâm công đức của các tập thể, cá nhân, doanh nghiệp gần xa. Như tòa Đại Bái, Hậu Cung, trang trí nội thất và nhiều đồ thờ cúng cùng lư hương, cây đèn, đỉnh đồng ở sân Đại Bái, chiêng trống, bàn thờ, cây xanh, cây cảnh... là của các nhà hảo tâm công đức.
Cùng với Đền A Sào, các tuyến đường giao thông về A Sào đã được đầu tư xây dựng, như tuyến ĐH76 nối dài từ xã Quỳnh Minh về A Sào; ĐH72 với mặt đường rộng 8 m từ xã An Khê, An Đồng về A Sào rồi đi An Cầu, An Ninh, An Bài ra Quốc lộ 10; đường ra Bến Tượng, đường điện cao áp, vỉa hè, cây xanh, bãi đỗ xe.... Tất cả đã cơ bản hoàn thành để phục vụ lễ hội.
Ông Phạm Tiến Thao, Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Phụ cho biết, Dự án Di tích Bến Tượng đã được phê duyệt, với tổng nguồn vốn dự kiến 82 tỷ đồng, gồm tượng đồng Trần Hưng Đạo cao 9,7 m, đặt trên bệ cao 7 m mô phỏng tư thế đứng chỉ tay xuống sông cùng lời thề bất hủ khi chia tay Voi chiến; nhà trưng bày hiện vật; khu dịch vụ; sân quảng trường; hệ thống cây xanh, cây cảnh...
Ông Thao cũng cho biết, họ Trần tại TP.HCM đang kêu gọi các nhà hảo tâm và bà con công đức xây dựng di tích Bến Tượng, mà trước hết là đúc pho tượng đồng Hưng Đạo Đại Vương.
Phương Nguyễn
Nguồn: langvietonline.vn
Link nội dung:
https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/gia-tri-di-tich-den-a-sao-a9764.html