Khi nhiếp ảnh hòa cùng âm nhạc ngũ cung

Tôi có một niềm đam mê đặc biệt là nhiếp ảnh. Và khi cùng các anh em trong CLB nhiếp ảnh Bình Dương thực hiện loạt ảnh về đờn ca tài tử (ĐCTT) địa phương, tôi dường như bị mê hoặc bởi những giá trị nghệ thuật quá tuyệt vời của loại hình âm nhạc truyền thống này.

Với chúng tôi, ĐCTT ở Nam bộ nói chung và ở Bình Dương nói riêng có một sức sống rất mãnh liệt. Nó lan tỏa khắp nơi trong đời sống người dân. Bất cứ ở đâu cũng có thể bắt gặp hình ảnh các tài tử nghiệp dư chơi tài tử một cách ngẫu hứng.


Một trong số những tác phẩm mà tác giả đã thực hiện về đờn ca tài tử

Có dịp theo chân các nghệ nhân, tài tử Bình Dương trình diễn ĐCTT ở các khu du lịch, nhà cổ, đình thần, các khu di tích lịch sử ở các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh, chúng tôi có dịp thưởng thức nhiều hơn những bài bản của ĐCTT. Thông thường, nếu như sau khi chụp được những bức ảnh ưng ý mà người mẫu đã tạo dáng thì chúng tôi sẽ chuyển cảnh khác. Nhưng với ĐCTT, chúng tôi lại có thêm những phút giây lắng đọng lòng mình để nghe tiếng lòng quê hương réo rắc rất tuyệt vời. Thần thái của người ca, cách so dây, nắn phím của người đờn sao mà hay và đẹp quá! Cứ thế mà những tiếng bấm máy hòa theo những âm điệu ngũ cung cho đến hết bài, khiến các anh em trong CLB nhiếp ảnh vô cùng mãn nhãn và hào hứng. Càng thú vị hơn khi giờ đây nhiều hội viên trong CLB nhiếp ảnh đã biết ĐCTT phổ biến nhất có 20 bài bản Tổ, gồm: Sáu Bắc, Ba Nam, Bốn Oán và Bảy Lễ.

Và khi thưởng thức ĐCTT một cách thực thụ trong các chương trình giao lưu, chúng tôi lại càng cháy bỏng nhiều cảm xúc. Cảm xúc tự hào về một loại hình nghệ thuật rất xứng đáng được UNESCO vinh danh là di sản phi vật thể của nhân loại. Có thể nói đây là vốn quý, là “báu vật” của phương Nam! Mức độ phổ biến của ĐCTT ngày nay trong xã hội rất rộng rãi và có lẽ sẽ trường tồn với thời gian.

Trải qua những tháng ngày lao động miệt mài, với niềm đam mê ấy, CLB đã tuyển chọn được gần 200 tác phẩm tham gia Triển lãm ảnh nghệ thuật về ĐCTT Nam bộ tại Festival ĐCTT quốc gia lần II - Bình Dương năm 2017. Hy vọng, với nhiều hoạt động hấp dẫn mang đầy màu sắc văn hóa phương Nam, chúng tôi sẽ tiếp tục thu hoạch được nhiều tác phẩm chất lượng cao để ghi dấu những khoảnh khắc đẹp của một kỳ Festival di sản. Qua đó, góp phần quảng bá văn hóa, hình ảnh con người, vùng đất Bình Dương nói riêng và Nam bộ nói chung.


 Khánh Hưng

Nguồn: Báo Bình Dương

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/khi-nhiep-anh-hoa-cung-am-nhac-ngu-cung-a9747.html