Di sản văn hóa vùng Đất Tổ:Trường tồn với thời gian

Phú Thọ là vùng đất cổ, cái nôi của nền văn hoá Lạc Việt, kinh đô đầu tiên của Việt Nam. Trong không gian văn hóa này còn tồn tại và lưu giữ rất nhiều di sản văn hoá, bao gồm di sản văn hóa phi vật thể (DSVHPVT) và di sản văn hóa vật thể (DSVHVT) gắn với thời đại Hùng Vương dựng nước.

Đến với Phú Thọ, du khách có thể hòa mình vào không khí lễ hội, cùng lắng nghe thanh âm rộn ràng, trong trẻo từ những nhạc cụ truyền thống và thưởng thức hương vị đậm đà của ẩm thực, để tất cả lắng đọng, tạo nên sắc màu văn hóa đặc trưng của vùng Đất Tổ.
 



Trình diễn tứ dân chi nghiệp trong Lễ hội Trò Trám - xã Tứ Xã, huyện Lâm Thao - Ảnh: Khánh Nguyên

Vừa qua, 3 di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu là Lễ hội Trò Trám, xã Tứ Xã, huyện Lâm Thao; Lễ hội đình Đào Xá, xã Đào Xá, huyện Thanh Thủy và "Tín ngưỡng thờ Mẫu Âu Cơ" được vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Đưa tổng số di tích được xếp hạng ở Phú Thọ lên 307 di tích, trong đó có 1 di tích Quốc gia đặc biệt, 74 di tích Quốc gia và 233 di tích cấp tỉnh với nhiều lễ hội đậm bản sắc văn hóa vùng Đất Tổ.

Phú Thọ là tỉnh có mật độ các di tích khảo cổ thời tiền sử và sơ sử trải rộng trên địa bàn, trong đó có các di tích khảo cổ lớn Sơn Vi, Phùng Nguyên, Gò Mun, Làng Cả chứa đựng nhiều dấu ấn, văn minh Việt cổ tích hợp tầng sâu của văn hóa Việt Nam mang đậm bản sắc dân tộc. DSVHPVT của cộng đồng các dân tộc trên trên địa bàn tỉnh Phú Thọ phong phú, đặc sắc, bao gồm nhiều loại hình, như: Ngữ văn dân gian, nghệ thuật trình diễn dân gian, tập quán xã hội, lễ hội truyền thống, nghề thủ công truyền thống, tri thức dân gian mang đậm sắc thái cội nguồn, thực sự có ý nghĩa quan trọng trong chiến lược phát triển của tỉnh, của đất nước. Nhiều lễ hội truyền thống đã trở thành biểu tượng văn hoá tâm linh, độc đáo có một không hai của dân tộc Việt như: Lễ hội Đền Hùng, lễ hội đền Mẫu Âu Cơ, hội Trò Trám Tứ Xã… Đặc biệt, Phú Thọ vinh dự có ba di sản được UNESCO công nhận là DSVHPVT của nhân loại là: “Hát Xoan Phú Thọ”, “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ”, “Ca Trù của người Việt” (Phú Thọ nằm trong 17 tỉnh, thành vùng lan tỏa của Ca Trù). Giỗ Tổ Hùng Vương - Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ - Đền Hùng cùng với Hát Xoan và các DSVHPVT khác đã, đang trở thành niềm tin, điểm đến hấp dẫn, thu hút du khách trong nước và quốc tế.

Nhiều năm qua, Phú Thọ đã có những chủ trương, chính sách, biện pháp tích cực để bảo tồn và phát huy giá trị DSVH bền vững với một vị thế mới, một tầm nhìn chiến lược trong thời kỳ hội nhập và phát triển của đất nước. Nhiều lễ hội trong tỉnh đã được tổ chức hàng năm, quy tụ những sinh hoạt văn hóa dân gian đặc sắc, tiêu biểu của Phú Thọ. Nhiều chương trình, dự án, đề tài khoa học về DSVH phi vật thể được triển khai thực hiện, nhờ đó nhiều tư liệu quý về một số loại hình DSVH có nguy cơ mai một đã được kịp thời sưu tầm, lưu giữ, phục hồi như Dự án “Điều tra, khôi phục sưu tầm và bảo tồn múa Chuông, múa Rùa và một số diễn xướng dân gian liên quan đến lễ hội người Dao Phú Thọ”; “Điều tra, sưu tầm, khôi phục và bảo tồn các diễn xướng dân gian người Mường ở Phú Thọ”… Kết quả nghiên cứu các dự án cùng những nỗ lực bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa đã tạo sức sống mãnh liệt cho các lễ hội truyền thống của đồng bào dân tộc Mường, Dao, Cao Lan như: Tết nhảy của dân tộc Dao quần chẹt (xã Nga Hoàng, huyện Yên Lập), lễ hội múa Mỡi dân tộc Mường (xã Tân Lập, huyện Thanh Sơn), lễ hội của dân tộc Cao Lan (xã Ngọc Quan, huyện Đoan Hùng)… Đến với những lễ hội này, đồng bào và du khách được sống trong những thanh âm núi rừng, đó là những nhạc cụ truyền thống và cách diễn xướng của các dân tộc trên địa bàn tỉnh. Phần lớn là các nhạc cụ thuộc bộ gõ như chàm đuống, cồng chiêng, múa chuông, chạm ống. Văn hóa nhạc cụ được lưu giữ và truyền qua nhiều thế hệ. Ví như tiếng cồng chiêng mở đầu mùa tra hạt, mừng ngày lễ hội và rộn ràng trong các nghi lễ truyền thống; tiếng chuông trong trẻo vang lên trong những ngày lễ trọng như Tết nhảy, lập tĩnh, cầu bình an năm mới hoặc việc hỷ trong gia đình…

Cùng với ngân sách Nhà nước, Phú Thọ tích cực thực hiện xã hội hóa trong hoạt động bảo vệ DSVH nhằm khơi dậy những tiềm năng, thu hút sự tham gia đóng góp của các tổ chức, cá nhân ở trong và ngoài nước. Nhiều di tích tiêu biểu - không gian văn hóa để bảo tồn, phát huy giá trị DSVHPVT được đầu tư quy hoạch, tu bổ, tôn tạo đã và đang trở thành những sản phẩm du lịch - văn hóa hoàn chỉnh có tính đặc thù, tạo ra những điểm, tuyến du lịch hấp dẫn thu hút khách du lịch trong và ngoài nước, đóng góp vào phát triển du lịch và kinh tế - xã hội ở địa phương, tạo được việc làm cho cộng đồng, nâng cao đời sống của nhân dân địa phương nơi có di tích và lễ hội, như: Khu Di tích lịch sử Đền Hùng, đền Mẫu Âu Cơ, đền Lăng Sương, đền Du Yến… Nhiều hoạt động sinh hoạt văn hóa truyền thống được phục hồi và tổ chức tại di tích, góp phần làm phong phú đời sống tinh thần của xã hội. Sau khi “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ” được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, Phú Thọ tiếp tục nghiên cứu, kiểm kê khoa học các di tích thờ cúng Hùng Vương trên địa bàn Phú Thọ và cả nước; nâng cao ý thức, trách nhiệm cộng đồng trong bảo tồn Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ gắn với di sản VHPVT Hát Xoan Phú Thọ. Các di tích liên quan Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương được đầu tư bảo quản, tu bổ, phục hồi bằng nguồn ngân sách Nhà nước và nguồn vốn xã hội hóa nhằm bảo tồn không gian văn hóa thực hành tín ngưỡng. Giai đoạn 2011 - 2015, hơn 50 di tích lịch sử - văn hóa - không gian văn hóa bảo tồn và thực hành di sản VHPVT “Hát Xoan Phú Thọ”, “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ” được đầu tư tu bổ, phục hồi như: Đền Mẫu Âu Cơ, đình Lâu Thượng, đình Bảo Đà, đình Hữu Bổ Thượng, đền Lăng Sương...

Văn hóa vùng đất cội nguồn chiếm vị trí quan trọng trong kho tàng DSVH Việt Nam, góp phần quan trọng trong giáo dục tình yêu quê hương, đất nước, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc và nâng cao đời sống của nhân dân. Vì thế, việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa là một việc làm hết sức cần thiết, để mỗi người dân Phú Thọ tự hào về nền văn hóa mà ông cha để lại, đồng thời có trách nhiệm gìn giữ những tài sản vô giá đó, để sắc màu văn hoá vùng Đất Tổ mãi trường tồn cùng đất nước.


Việt Hà

Nguồn: Báo Phú Thọ

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/di-san-van-hoa-vung-dat-totruong-ton-voi-thoi-gian-a9718.html