Sức sống một làng nghề

Trải qua hàng chục năm, làng nghề truyền thống đan cần xé ở xã An Ninh Đông, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An vẫn còn sức sống và ngày càng “đứng vững” nhờ đầu ra ổn định. Từ đó, mang lại nguồn thu nhập khá, góp phần cải thiện kinh tế gia đình cho nhiều hộ gắn bó với nghề đến tận hôm nay,...

Sống với nghề truyền thống

Không còn những ngày vất vả chở bằng xe máy sang tận xã Thái Mỹ, huyện Củ Chi, TP.HCM để bán lẻ cho các tiệm tạp hóa, bây giờ, chỉ cần ngồi tại nhà cũng có thương lái đến thu mua cần xé. Thương lái thu mua không chỉ là người địa phương mà còn có các công ty đóng ở huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh. Nhờ vậy, đầu ra sản phẩm của làng nghề truyền thống ổn định, người làm nghề cũng an tâm hơn.




Nghề đan cần xé dù qua nhiều công đoạn nhưng với những người trong làng nghề, việc này trở nên quen thuộc

Đó là thuận lợi của 60 hộ gia đình ở ấp Hòa Hiệp 1 từ khi đan cần xé được công nhận là làng nghề truyền thống. Theo lời chị Nguyễn Thúy Hiếu (42 tuổi) - Tổ trưởng Tổ Đan cần xé số 1, ấp Hòa Hiệp 1, xã An Ninh Đông, cứ cách 20 ngày, công ty lại mang mẫu cần xé đến nhà đặt đan với số lượng hơn 1.000 cái. Từ đó, chị Hiếu chia đều cho 15 thành viên trong tổ cùng đan.

Một chiếc cần xé loại đường kính 42cm khi bán cho thương lái có giá 37.000 đồng, loại đường kính 65cm thì bán giá cao hơn - 62.000 đồng/cái và loại nhỏ có đường kính 30cm được bán với giá 17.000 đồng/cái. Theo chị Thúy Hiếu: “Với giá này, sau khi trừ chi phí, hàng tháng, tôi thu nhập hơn 3 triệu đồng. So với lúc trước, nguồn thu nhập này tăng và ổn định hàng tháng. Số tiền này cũng đủ trang trải cuộc sống gia đình hàng ngày”.

Thu nhập cao hơn chị Hiếu với mức gần 5 triệu đồng/tháng, gia đình chị Nguyễn Thị Tài, ngụ ấp Hòa Hiệp 1 không những “sống khỏe” với nghề đan cần xé truyền thống mà còn nuôi 3 người con ăn học, khôn lớn nên người. Chị Tài kể rằng: “Lúc mới làm nghề cũng phập phồng vì đầu ra khó khăn, chỉ bán cho các tiệm tạp hóa ở địa phương. Còn bây giờ, ngoài nghề đan cần xé, tôi còn thu mua của người dân trong tổ và ký hợp đồng, bán lại cho Công ty Việt Hương ở tỉnh Bình Dương. Cứ 40 ngày, công ty đến tận nhà thu mua với số lượng 1.200 cái. Điều này mang đến sự an tâm cho những người làm nghề đan cần xé”.

Không những đầu ra ổn định, từ khi được công nhận làng nghề, 60 hộ của 4 tổ đan cần xé có thêm thuận lợi khi được hỗ trợ máy móc. Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã An Ninh Đông - Nguyễn Thị Cẩm Tú cho biết: “Làng nghề được Tiến sĩ Phan Hoàng Đồng hỗ trợ 2 máy vót nan để mọi người luân phiên sử dụng. Ngoài ra, hiện tại, vì nghề đan cần xé mang lại thu nhập ổn định nên có hơn 20 hộ đầu tư mua máy vót nan. Nhờ vậy, nghề đan cần xé đỡ vất vả, ít tốn thời gian hơn trước”.

Cần có vùng quy hoạch nguyên liệu

Một chiếc cần xé hoàn chỉnh làm hài lòng thương lái và khách hàng phải trải qua 10 công đoạn: Gầy mê, lên mê, đan, đánh nan tư, léo, đóng quai, luồn, vấn, nẹp hông,... Trong đó, khâu khó nhất là gầy mê và lên mê vì ảnh hưởng đến sự định hình cần xé. Người chưa biết nghề nghe qua tưởng chừng rất khó nhưng với những hộ trong làng nghề thì các công đoạn này đơn giản, dễ thực hiện nên mỗi ngày, mỗi người có thể đan hoàn chỉnh vài chục cái cần xé.




Nghề đan cần xé mang lại thu nhập cho nhiều hộ gia đình.

Rành nghề nhưng những hộ đan cần xé chưa bao giờ “dễ dãi”! Họ vẫn tỉ mỉ, khéo léo trong từng công đoạn để làm nên những chiếc cần xé đẹp, chắc. Cần xé An Ninh Đông vì thế luôn được khách hàng ưa chuộng. “Ngoài đẹp, chữ tín trong làm ăn rất quan trọng. Vì vậy, khi công ty đến đặt hàng, tôi và các thành viên trong tổ đều thực hiện đúng thời gian hợp đồng và bảo đảm chất lượng. Lúc thu mua cần xé, công ty kiểm hàng nhưng hầu như không có chiếc nào bị trả lại. Hơn nữa, người đan sáng tạo, khi công ty đưa bất kỳ mẫu nào cũng đáp ứng được nên được tin tưởng, hợp đồng lâu dài” - chị Thúy Hiếu cho biết thêm.

Mặc dù có tiếng vang, tạo được chỗ đứng vững chắc nhưng làng nghề truyền thống đan cần xé còn tồn tại một số khó khăn. Mấy năm trước, vùng Đức Hòa rất nhiều trúc nên việc mua nguyên liệu dễ dàng. Còn bây giờ, nguyên liệu ngày càng ít. Người làm nghề đan cần xé phải lặn lội, tìm mua trúc ở những địa phương khác nên nhiều người lo sợ, một ngày nào đó, nghề truyền thống thì còn mà nguyên liệu thì hụt.

Chị Tài bộc bạch: “Vừa rồi, có công ty du lịch ngoài Phú Quốc gọi điện thoại đặt hàng cần xé nhưng tôi không dám nhận vì nguyên liệu đan cần xé đang gặp khó, số lượng làm ra chỉ đủ cung cấp cho Công ty Việt Hương. Theo tôi, muốn giữ nghề truyền thống, nên quy hoạch vùng trồng trúc để cung cấp nguyên liệu cho làng nghề”.

Ngoài nguyên liệu, muốn giữ nghề truyền thống, cần có đội ngũ kế thừa. Bởi, những người còn gắn bó với nghề đan cần xé “cha truyền con nối” hiện nay chủ yếu là phụ nữ nông nhàn, quá tuổi lao động hoặc những cụ ông, cụ bà từng lớn lên với nghề truyền thống nên quyết tâm bám trụ. Còn người trẻ bây giờ, dù biết làm nghề nhưng đa số chọn con đường khác - học tập kiếm việc làm ổn định hoặc làm công nhân nên liệu rằng, mai này, khi những người giữ nghề hôm nay ngày càng lớn tuổi, đội ngũ kế thừa này có tiếp tục chăng?

Cũng theo chị Thúy Hiếu: “Các con bây giờ chọn làm công nhân vì thu nhập cao hơn nên chỉ cần chúng biết nghề thì vợ chồng tôi vui rồi! Mai này, có thể vào những ngày nghỉ cuối tuần, các con làm thêm việc đan cần xé vừa kiếm thêm thu nhập ngoài tiền lương công nhân, vừa tiếp nối mẹ cha gìn giữ nghề truyền thống của gia đình”.

Nếu có những người yêu nghề và có sự hỗ trợ vốn cũng như nguồn nguyên liệu cho người làm nghề, nghề truyền thống đan cần xé ở xã An Ninh Đông sẽ sống mãi với thời gian. Từ đó, đời sống người dân ở một làng nghề truyền thống không những được cải thiện, nâng cao mà nét riêng của An Ninh Đông cũng được giữ gìn, phát huy theo năm tháng./.


Thùy Hương

Nguồn: baolongan.vn

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/suc-song-mot-lang-nghe-a9703.html