Kho cổ vật dưới đáy sông Lục Nam

Hơn 16 năm qua, ông Lưu Văn Kiên, 50 tuổi, quê ở thôn Bòng, xã Phượng Sơn, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang đã miệt mài sưu tầm và lưu giữ hàng nghìn cổ vật vớt được từ dòng sông Lục Nam.

Với ông, những cổ vật không chỉ là dấu tích lịch sử mà còn là “linh hồn” của dòng sông đã gắn bó với cuộc đời ông và người dân trong vùng.



Ông Kiên với những hiện vật tìm được.

Dòng sông Lục Nam bắt nguồn từ huyện Đình Lập (tỉnh Lạng Sơn) chảy qua các huyện Sơn Động, Lục Ngạn, Lục Nam của tỉnh Bắc Giang. Sinh ra và lớn lên tại mảnh đất Lục Nam, ông Lưu Văn Kiên gắn bó với con sông này đã hơn 20 năm nay bằng nghề sửa chữa tàu thuyền.

Hàng ngày, những con tàu, thuyền của thương lái hoặc khai thác khoáng sản xuôi ngược từ Lạng Sơn qua đến Lục Nam đều có lần ghé đến tiệm sửa chữa của ông Kiên.

Ông Kiên kể lại: “Qua những câu chuyện phiếm của người lái tàu thuyền, lúc đầu tôi chỉ nghe rồi góp miệng cho vui nhưng dần dần tôi nhận ra dưới lòng sông có rất nhiều cổ vật quý giá, có giá trị lên đến hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu đồng.

Tôi cũng như các chủ tàu thuyền khác, chỉ mong muốn sở hữu vài món đồ cổ để ngắm, bày tủ kính trang trí. Thế nhưng, từ sự tò mò, hiếu kỳ, không biết tự bao giờ, tôi thấy say mê, thích thú, muốn sưu tầm thật nhiều đồ mà dân thuyền chài ghé qua nhà bán”.

Trong nhà ông Kiên, từ xó tủ, góc nhà, gầm cầu thang, đâu đâu cũng thấy rất nhiều món đồ quý, từ khẩu súng cũ, chiếc bình gốm, chiếc bát vỡ, vật dụng đánh lửa, cối giã trầu, lưỡi rìu đá, bình vôi, chén, súng hỏa mai, thanh gươm đã rỉ… đủ hình dáng, màu sắc và chất liệu.




Những hiện vật tìm được của ông Kiên.

Chiếc tủ gỗ nhà ông trang trọng bày những vật ông quý như con dao đá, hòn đánh lửa, con nghê đá, con chó đá… “Nhiều người đến hỏi mua đồ, ban đầu tôi cũng có bán cho họ, nhưng về sau tôi không muốn bán nữa. Nhiều đồ vật tôi mua lại hoặc vớt được không hề biết giá trị của nó cho đến khi có người về trả giá. Tôi muốn giữ lại những gì thuộc về đáy lòng sông Lục Nam, như lưu giữ ‘linh hồn’ của dòng sông”, ông Kiên tâm sự.

Bà Tạ Thị Hồng, vợ ông Kiên cho biết, lúc đầu thấy chồng mua những đồ vật “lạ” về, bà Hồng rất bực vì gia đình hoàn cảnh khó khăn nhưng có bao nhiêu tiền, chồng bà lại dồn hết vào mua những thứ không có giá trị, “không ăn cũng không dùng được”.

Thậm chí, nhà hết tiền, ông Kiên còn đi vay bạn bè, người thân để mua đồ. Sau đó, thấy được đam mê của chồng, dần dà bà Hồng cũng không phản đối nữa mà âm thầm giúp chồng lau dọn, sắp xếp đồ đạc, ủng hộ công việc sưu tầm đồ vật cổ dưới lòng sông Lục Nam.

Nhiều người sưu tầm đồ cổ bởi nét đẹp tinh tế, hoa văn thẩm mỹ trên từng món đồ, có người yêu thích những giá trị lịch sử, nhưng với ông Kiên, lý do của ông rất giản dị và chân thành. “Từ bé, tôi lớn lên, cuộc sống xoay quanh dòng sông Lục Nam. Chính dòng sông cũng đã nuôi sống không biết bao nhiêu thế hệ người dân hai bên ven sông. Cho nên, những gì thuộc về dòng sông này tôi cố mua bằng hết, giữ lại làm kỷ vật. Những đồ vật này với người qua đường là vô tri vô giác nhưng với tôi, tôi muốn lưu lại để con cháu đời sau biết đến, để dòng sông sống mãi”, ông Kiên nói.

Thời gian tới, ông Kiên dự định sẽ để dành tiền để xây một ngôi nhà mới, trong đó sẽ dành riêng một phòng để trưng bày những cổ vật sưu tầm được trong suốt 16 năm qua với mong muốn những người đến thăm quan sẽ biết được một phần lịch sử của dòng sông, của quê hương qua những món đồ được vớt lên từ đáy sông Lục Nam.




Những hiện vật tìm được của ông Kiên.

Theo ông Lê Ánh Dương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang, kho cổ vật tại gia đình ông Kiên có giá trị, từ đồ đá cũ, đồ đá sớm, đồ đồng… tụ hội văn hóa Đông Sơn, thời Hán Đường, thời Bắc thuộc đến thời Lý, Trần, Lê, Nguyễn… Thậm chí, đến nay, có nhiều cổ vật trong nhà ông Kiên, các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu văn hóa cũng chưa định danh được.

“Trước mắt, tỉnh Bắc Giang đã giao Bảo tàng tỉnh Bắc Giang có kế hoạch để hỗ trợ ông Kiên trong việc bảo tồn các cổ vật này. Đồng thời, nghiên cứu một số phương án giúp ông Kiên sớm hình thành bảo tàng tư nhân, trưng bày những đồ vật ông Kiên sưu tầm được trong suốt 16 năm qua.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng khuyến khích ông Kiên đưa một số cổ vật có giá trị tiêu biểu về Bảo tàng tỉnh Bắc Giang trưng bày để nhân dân, khách du lịch được đến chiêm ngưỡng, tìm hiểu về giá trị văn hóa, giá trị lịch sử của những cổ vật đó”, ông Lê Ánh Dương cho biết thêm.


Tùng Lâm

Nguồn: TTXVN

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/kho-co-vat-duoi-day-song-luc-nam-a9669.html