Nhưng khát vọng và đam mê nghiên cứu khoa học để chế tạo ra những sản phẩm mới hữu ích cho con người trong ông vẫn không nghèo, không giảm. Mới đây, ông “Vua chống cháy ” Nguyễn Văn Thanh lại cho ra đời hàng loạt sáng chế có giá trị, nổi bật trong đó là sơn nước và mực in đa năng.
"Vua chống cháy" Nguyễn Văn Thanh
Kỳ 1: Tạo ra mực in đa năng
Hơn một năm trời nghiên cứu tốn kém trên 200 triệu đồng, ông mày mò tìm ra mực in đa năng có thể in mọi chất liệu mà không nhòe, không gây nghẹt đầu phun. Loại mực này trên thế giới chỉ mới có Hàn Quốc sản xuất được, ông là người thứ hai tìm ra. Nếu đưa vào sản xuất được, sáng chế này sẽ làm lợi rất nhiều.
Hơn 10 năm trước, khi ông tạo ra chất chống cháy, tôi đã có dịp viết bài về ông. Một thời gian không liên lạc, tôi gọi cho ông hỏi thăm ông có có mới không. Ông hồ hởi: “Anh mới có một thứ mới toe, em ghé anh đi, anh em mình nói chuyện”.
Bán xe hơi để nghiên cứu
Đến xưởng làm việc và cũng là chốn ăn ngủ của ông ở huyện Hóc Môn - TP HCM, đã thấy ông đang lọ mọ bên máy in cùng một thanh niên. Ông giới thiệu với tôi đây là anh Lưu Đắc Ngọc Lâm - một người hoạt động về ngành in ấn, rất am tường về ngành in và các loại mực, máy in. “Anh Lâm giúp anh về máy móc và tìm hiểu về mực in chứ anh tay mơ, có biết gì về ngành in đâu. Nhờ anh Lâm cố vấn mà anh nghiên cứu thành công mực in đa năng đấy”, ông cười nói.
Hóa ra cái ông nói với tôi là thứ mực in đa năng này đây. Bỏ những xấp giấy thường, giấy couche, giấy decan vào chiếc máy in phun màu, ông và anh Lâm cho chạy in thử vài mẫu cho tôi xem. Ít phút sau, hình con kỳ nhông nhiều màu sắc đã hiện ra trên các mẫu giấy đó. Ông Thanh và anh Lâm cùng cho biết, mực in đa năng do ông Thanh chế tạo có thể in trên mọi chất liệu, như: giấy thường, giấy decan, thậm chí in trên kiếng, nhôm… Mực in này bám trực tiếp lên chất liệu không cần lớp phủ.
“Điểm đặc biệt khác nữa của loại mực in này là không làm “chết” (tắc, nghẹt) đầu phun của máy in, khi đầu phun để lâu cả tháng, khi sử dụng lại chỉ cần rửa bằng nước rửa là dùng lại được. Trong khi đó mực in của Trung Quốc nếu để lâu ngày mực đọng lại không rửa ra được nên thường làm “chết” đầu phun, không sử dụng lại được. Mà giá trị của đầu phun chiếm khoảng 2/3 giá trị của chiếc máy in nên mua lại rất tốn kém. Độ bám của nó rất cao, không trầy xước khi cào lên mặt in, không bị nhòe, khô nhanh và không bị dính hai mặt giấy in vào nhau. Khi in trên giấy couche không bị nhòe, không thấm qua mặt sau, trong khi mực Trung Quốc bị thấm”, ông Thanh nói.
Hành trình tìm ra mực in đa năng
Vừa cho máy in thử, ông Thanh vừa kể lại cho tôi nghe về hành trình mình nghiên cứu để tạo ra loại mực in đa năng này. Đầu năm 2012, ông Thanh đang nghiên cứu về sơn nước (chuyện này chúng tôi sẽ nói ở bài sau) gần thành công thì phải bỏ dở vì thiếu tiền. Một lần tình cờ gặp anh Lâm, ông Thanh nghe anh Lâm nói về mực in đa năng và gợi ý ông Thanh nghiên cứu về nó. Vốn đam mê nghiên cứu và thích tìm tòi, ông nhận lời. Anh Lâm đưa tới cho ông Thanh một lọ mực in đa năng của hàn Quốc đã gần hết, chỉ còn lại khoảng 20ml ở dưới đáy lọ. Từ mẫu mực in đó, ông mày mò và tìm ra hợp chất của mực in đa năng do Hàn Quốc tạo ra. Đó là bước khởi đầu để ông tìm ra chất liệu để tạo ra mực in đa năng của mình sau này. Tìm ra chất liệu xong, ông bắt đầu thử nghiệm để tạo ra mực in.
Mất 6 - 7 tháng trời với hàng trăm thí nghiệm và đổ không biết bao nhiêu nguyên liệu là mực, làm hư bao nhiêu máy in, tốn kém rất nhiều tiền nhưng vẫn chưa thành công. Mực in ra trên giấy thường thì đẹp, nhưng in trên giấy decan bị nhòe nét và bị dính. Tiền hết, ông đành phải ngừng lại không nghiên cứu nữa.
Sau đó, giữa năm 2013 có ít tiền, ông lại lao vào nghiên cứu tiếp. Đến tháng 10 năm đó, mực in của ông chế tạo khi in trên giấy decan vẫn bị nhòe màu, nét không gọn. Được ít lâu, tiền hết, trong nhà chỉ còn 300 ngàn bạc, ông bí bách vô cùng. Đêm ngày 16/11, buồn bã vì chuyện mưu sinh, không ngủ được, ông dậy mày mò tìm cách nghiên cứu về mực in. Lúc đó nguyên liệu chỉ còn lại khoảng 200ml. Không đủ để làm nhiều màu, ông làm một màu duy nhất là màu vàng và cho in lên giấy decan. Ông hồi hộp chờ bản in thử xem kết quả nghiên cứu của mình ra sao. May mắn sao, mực in ra không bị nhòe, nét và khô nhanh, không bị dính vào nhau.
“Cái khó nhất của loại mực này là làm sao để chúng “ăn” (bám chặt) trên mọi chất liệu. Tôi may mắn là đã từng nghiên cứu về sơn nên tôi áp dụng công thức lưu hóa sơn qua mực in nên thành công. Thêm một lý do khác nữa là bởi tôi là dân tay ngang, không phải dân nghiên cứu chuyên nghiệp nên tôi không bị rơi vào lối mòn khi đi theo những công thức hóa học trong mực in như những nhà nghiên cứu khác vì thế mà tôi tìm ra công thức cho mực in đa năng. Thomas Edison nói: “Thành công của một thiên tài 99% là do lao động, 1% còn lại là do may mắn và thiên tài”. Tôi nghĩ câu đó rất đúng”, ông Thanh tâm sự.
Những giá trị không thể tính bằng tiền
Để chế tạo mực in đa năng đạt chất liệu cao phải có máy lọc ly tâm để lọc nguyên liệu thì mực mới không có cặn. Thế nhưng hiện nay điều kiện kinh tế của ông chưa cho phép. Một người bạn của ông ở Hà Nội là PGS TS Phạm Gia Điền hứa sẽ cho ông mượn máy ly tâm để lọc. Ông chuẩn bị ra Bắc để mang máy vào để tiến hành sản xuất.
Ngành in là một trong những ngành khổng lồ của nền kinh tế thế giới. Để in đa năng phải qua một hệ thống chuyên dụng rất tốn kém, phải mất vài tỉ đồng trở lên mới có được hệ thống đó. Hiện nay, ở Việt Nam 90% mực in là nhập từ nước ngoài. Theo những chuyên gia về ngành in, hiện nay trên thế giới chỉ có Hàn Quốc sản xuất được loại mực in đa năng in trên mọi chất liệu này. Nhưng giá thành rất cao và Việt Nam phải nhập về nên sẽ tạo ra chi phí cao khi sản xuất, ít có lời và ảnh hưởng dây chuyền tới thị trường. Việc tạo ra mực in của ông Thanh nếu được ứng dụng, sản xuất ra hàng loạt để bán trong nước và xuất khẩu sẽ có lợi lớn.
Và không chỉ thế, việc ông tạo ra mực in đa năng có công năng như mực Hàn Quốc còn tạo ra niềm tự hào cho dân tộc và những giá trị khác mà không thể tính bằng tiền.
Còn tiếp...
Đức Khôi