Nét văn hóa cao quý trong những ngôi chùa cổ

Trong các loại hình di tích đang được bảo tồn, quản lý và phát huy giá trị ở nước ta thì những ngôi chùa cổ có chỗ đứng, vị trí quan trọng, khẳng định bản sắc văn hóa đa dạng, phong phú giàu sự sáng tạo của dân tộc.

Có thể khẳng định rằng, Phật giáo ở Việt Nam luôn gắn liền với lịch sử mấy ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc. Thời quốc gia Đại Việt tồn tại gần 4 thế kỷ với 2 triều đại Lý - Trần đã phát triển rực rỡ về nhiều mặt, vua tôi và toàn dân đã tiến hành các cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm với những chiến công vang dội. Phật giáo thời kỳ ấy đã góp phần quan trọng trong hệ tư tưởng của triều đình và toàn dân để tạo nên khối đoàn kết vững chắc rộng lớn.



 Chùa Dâu - Một trong những ngôi chùa cổ nhất Việt Nam

Ngày nay, dù trong đời sống xã hội nước ta đã có nhiều loại hình tôn giáo được du nhập và phát triển nhưng đạo Phật vẫn là tôn giáo có chỗ đứng quan trọng, thu hút sự tham gia của đông đảo Nhân dân. Từ Bắc chí Nam hay ở hải đảo xa xôi, dù phân bố không đồng đều nhưng ở nơi nào có đông dân cư sinh sống thì đều có những ngôi chùa cổ tồn tại tùy theo niên đại. Ở vùng đồng bằng và xung quanh kinh thành xưa hay gần các con sông lớn thường có nhiều chùa hơn những vùng trung du, rừng núi. Ở một số quốc gia trên thế giới nơi hôi tụ đông đảo bà con Việt kiều sinh sống cũng mọc lên những ngôi chùa tầm cỡ không nhỏ như ở Mỹ, Pháp, CH Séc, Ukraina, Ba Lan, Canada, Lào… Ở đó không chỉ là ngôi nhà thiêng liêng của mỗi người Việt xa xứ mà còn là điểm giao lưu, tuyên truyền những nét văn hóa quý báu của dân tộc ta tới bạn bè quốc tế.

Ba miền của đất nước đều được biết đến với những ngôi chùa cổ kính, ngoài điểm chung giống nhau thì mỗi chùa lại ẩn chứa trong mình những giá trị riêng về kiến trúc, niên đại, mỹ thuật, không gian cảnh quan như chùa Dơi, chùa Sét ở Sóc Trăng; chùa Vĩnh Nghiêm ở TP Hồ Chí Minh; chùa Một Cột, Trấn Quốc, Quán Sứ, chùa Hương, Trăm Gian, chùa Thầy, Tây Phương, Bối Khê, chùa Mía ở Hà Nội; Chùa Dâu, Bút Tháp, Phật Tích ở Bắc Ninh; Chùa Keo ở Tháí Bình; chùa Yên Tử ở Quảng Ninh… Kèm theo đó là những lễ hội đặc sắc, độc đáo.

Chùa cổ người Việt ngày nay ngoài vai trò là nơi đón nhận nhu cầu tín ngưỡng, tâm linh của đông đảo Nhân dân mà còn đóng một số chức năng vai trò rất quan trọng khác như là điểm đến giúp cho ngành du lịch phát triển, tạo ra việc làm, thu nhập của bộ phận Nhân dân sống quanh khu di tích. Bên cạnh đó mỗi ngôi chùa cổ là một bảo tàng thu nhỏ để gìn giữ các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể quý, một không gian hội tụ bảo tồn những loại cây, hoa quý với môi trường trong lành, tĩnh mịch, không ồn ào.

Ngoài các vị tượng Phật được bài trí, tôn thờ trang nghiêm, cùng với các hiện vật khác như bia đá, nhang án, bệ thờ, lư hương, chân đèn, chuông, khánh, hoành phi, câu đối hay các bức trạm trổ, điêu khắc... thể hiện sự sáng tạo và bàn tay khéo léo của các nghệ nhân đương thời. Chùa cũng là nơi bảo tồn sinh sống của các loài cây, hoa quý tạo ra môi trường trong lành, thoáng mát. Mái ngói rêu phong trầm mặc của chùa thường được phủ kín màu xanh của các loại cây ăn quả như mít, xoài, nhãn, vải, khế, bưởi, chuối, đa, đề; các loài hoa tỏa hương khoe sắc như hoa đại, hoa sen, mộc, tường vi, hoa đào hay vững chãi, khỏe khoắn như vạn tuế, tùng, bách, trúc, mai… Mỗi thứ cây, loài hoa còn ẩn chứa những ý nghĩa cao cả của giáo lý nhà Phật.

Chùa ở miền Nam thường thiết kế dựng cao, sơn màu sáng, sử dụng nhiều đèn điện chiếu rọi, cửa ra vào rộng, cao. Còn chùa ở miền Bắc thường sử dụng ít ánh sáng đèn, không gian hơi tối, cửa thấp và nội thất phối cảnh tối màu, các ban, bệ thờ cũng vậy. Ở vùng Xứ Đoài người ta vẫn sử dụng gạch đá ong để xây tường và công trình phụ cận.

Đi lễ chùa vào dịp mùa Xuân, lễ hội hay ngày Rằm, mồng Một Âm lịch là dịp thích hợp nhất theo quan niệm của người Việt. Ngày nay, ngoài là nơi bài trí thờ các vị Phật, chùa cũng dành nhiều vị trí trang trọng để thờ các vị anh hùng danh nhân hay các nhân vật truyền thuyết khác như: Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, Nguyên phi Ỷ Lan, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Mẫu Liễu Hạnh… Giáo hội Phật giáo cũng tham gia nhiều hoạt động mang ý nghĩa lớn do các cấp, các ngành tổ chức như Lễ cầu siêu cho các nạn nhân mất vì tai nạn giao thông, bệnh hiểm nghèo, tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ, đồng bào đã hy sinh trong các cuộc kháng chiến cứu nước tại chính địa điểm hay chiến trường năm xưa như ở Thành cổ Quảng Trị, Điện Biên Phủ, ngã ba Đồng Lộc...

Thời kỳ đất nước hội nhập và phát triển, cùng với nhiều di tích, danh thắng khác thì những ngôi chùa cổ đang là điểm đến thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước đến tham quan, tìm hiểu. Điều đó đang là động lực quan trọng giúp cho ngành du lịch nước nhà phát triển và cũng tạo điều kiện cho Nhân dân sống quanh khu vực của di tích mở mang và bày bán, kinh doanh các loại hình dịch vụ góp phần đáng kể nâng cao thu nhập. Vị trí của nhiều chùa cổ nằm trong quần thể với các di tích, danh thắng hay làng nghề quý sẽ càng tạo thêm sức hút cho du khách như Yên Tử (Quảng Ninh), chùa Hương (Hà Nội), Tây Thiên (Vĩnh Phúc), chùa Mía trong Làng cổ ở Đường Lâm… Một số chùa đã được Nhà nước công nhận là di tích quốc gia đặc biệt, hay có các di vật cũng được công nhận là bảo vật quốc gia, như tư liệu mộc bản triều Nguyễn ở chùa Vĩnh Nghiêm được tổ chức UNESCO công nhận là di sản tư liệu ký ức thế giới vào năm 2012.

Những năm gần đây, các ngôi chùa cổ luôn nhận được sự quan tâm lớn của Nhà nước và Nhân dân trong công tác tu bổ, quản lý và phát huy các giá trị của di tích. Công tác bảo tồn và phát huy hiệu quả các ngôi chùa Việt cổ chắc chắn sẽ góp phần to lớn vào việc giữ gìn, xây dựng và phát triển nền văn hóa Viêt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc nói chung cũng như góp phần xây dựng, củng cố khối đoàn kết toàn dân.


CTV Nguyễn Trọng An

Nguồn: kinhtedothi.vn

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/net-van-hoa-cao-quy-trong-nhung-ngoi-chua-co-a9619.html