Đi chợ tình nghe hát Soọng cô

Với người Sán Dìu ở xã Đạo Trù, huyện Tam Đảo (Vĩnh Phúc), làn điệu hát Soọng cô đã hòa quyện vào từng nếp sống sinh hoạt cộng đồng. Mùa xuân đến cũng là lúc các phiên chợ lại vang lên tiếng hát Soọng cô để giao duyên.

Chợ phiên cầu nối duyên tình

Những ngày cuối năm, phiên chợ xã Đạo Trù đông đúc hơn bình thường. Những lời ca, tiếng hát đến từ nghệ nhân vọng ra từ những câu lạc bộ (CLB) Hát Soọng cô đã làm cho không khí chợ thêm phần tấp nập. Bởi hát Soọng cô là một trong những nét sinh hoạt văn hoá độc đáo của người Sán Dìu từ xa xưa, đến nay vẫn được người dân nơi đây giữ gìn.




Các nghệ nhân hát đối đáp trong phiên chợ xã Đạo Trù.   (Ảnh: Lê San)

Là người rất tâm huyết với những làn điệu hát Soọng cô và những lời hát giao duyên, ông Lê Đại Năm - Chủ nhiệm CLB Hát Soọng cô xã Đạo Trù chia sẻ: “Hát Soọng cô chủ yếu là phần đối đáp giao duyên, bao gồm những câu hát nói về thiên nhiên, tình yêu lứa đôi, ca ngợi tình nghĩa thuỷ chung vợ chồng, ca ngợi công lao ông bà, cha mẹ, răn dạy con người sống có đức, có nhân, có hiếu. Hát Soọng cô có khi diễn ra trong một cuộc đối đáp giữa một tốp nam và một tốp nữ; họ hát làm quen, hát chào hỏi, hát mời nhau uống nước, ăn trầu, hát tâm tình đôi bên nam nữ, hát sang canh gà gáy, hát chia tay”.

Tuy nhiên, do thời gian, trải qua chiến tranh và cuộc sống khó khăn nên những hoạt động này cũng mai một theo năm tháng. Để bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc cuối năm 2014, UBND và các CLB hát Soọng cô xã Đạo Trù đã tổ chức tái hiện lại phiên chợ tình của đồng bào Sán Dìu. Phiên chợ tình đã thu hút hàng trăm nghệ nhân dân tộc Sán Dìu đến từ các câu lạc bộ hát Soọng cô. Những câu hát đối đáp ngọt ngào vang vọng khắp cả khu chợ. “Chợ phiên cầu nối duyên tình/Vực Chuông nỗi nhớ mối tình không quên”, hay “Chợ tình em dọn hôm qua/Cổng chợ em mở ôm hoa đón chàng”…

Giữ gìn bản sắc văn hoá

Theo ông Lâm Xuân Tiến - Phó Chủ tịch UBND xã Đạo Trù, khi hát, đồng bào sử dụng ngôn ngữ địa phương và trang phục truyền thống, không chỉ tạo được nét văn hóa đặc trưng mà còn góp phần truyền bá ngôn ngữ, khuyến khích mọi người tìm hiểu cái hay, cái đẹp trong đời sống văn hóa tinh thần của dân tộc mình và học tập, làm theo.

Trong những năm gần đây, xã đã có nhiều cách làm thiết thực như: Khuyến khích bà con người Sán Dìu vận động các gia đình dạy cho con em học tiếng dân tộc mình, thành lập CLB hát Soọng cô. Hàng tuần, cứ vào thứ bảy, chủ nhật hoặc các ngày lễ, tết, các cụ già và nhiều bạn trẻ người Sán Dìu lại đến tập trung ở nhà văn hoá thôn để học và tập luyện các làn điệu Soọng cô. Người già truyền cho người trẻ, người biết nhiều truyền cho người biết ít.

Bà Lý Thị Năm – Chủ nhiệm CLB Hát Soọng cô, thôn Vĩnh Ninh chia sẻ: Từ ngày CLB ra đời, thôn xóm rộn ràng, náo nức hẳn lên. Các buổi sinh hoạt cộng đồng ở nhà văn hóa thôn, bà con đến rất đông, ai cũng mong chờ các tiết mục của CLB. “Chúng tôi tự vận động nhau đóng góp tiền để đi sinh hoạt và giao lưu với các CLB ở trong, ngoài tỉnh. Chúng tôi cũng mong Nhà nước có sự đầu tư thêm để bản sắc dân tộc Sán Dìu được truyền lại cho thế hệ mai sau”- bà Năm bày tỏ.

Xã Đạo Trù hiện có 14 CLB Soọng cô, riêng thôn Vĩnh Ninh đang có 35 hội viên tham gia sinh hoạt; người cao nhất 65 tuổi, trẻ nhất 35 tuổi. CLB sinh hoạt định kỳ vào ngày 15 hàng tháng, cùng nhau hát các làn điệu truyền thống. 

Theo Dân Việt

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/di-cho-tinh-nghe-hat-soong-co-a959.html