27/03/2017 17:47
27/03/2017 17:47
Đạo diễn - NSƯT Trần Mỹ Hà: Đem nghề làm nước mắm lên phim
Đạo diễn Trần Mỹ Hà sinh năm 1956, quê gốc Bình Thuận, nhưng cả tuổi thơ lại gắn bó với xứ thông reo Đà Lạt. Xuất phát khởi đầu từ một nhà quay phim, sau ông chuyển sang làm đạo diễn. Đúng như các đồng nghiệp trong nghề đánh giá là người trầm lặng, ít nói hay làm, những tác phẩm của Trần Mỹ Hà đã thu hút nhiều sự chú ý của công chúng, đạt được nhiều giải thưởng cao quý.
Có thể kể đến như “Hoài bão người nuôi rắn” (Giải Đặc biệt LHPVN 1983), “Giữa dòng” (Bông sen Vàng LHPVN 1996), “Chuyện ngã bảy” (Huy chương Vàng LHP truyền hình toàn quốc 1998), “Blouse trắng” (Cánh diều Bạc Hội Điện ảnh VN 2002),… Trần Mỹ Hà cũng chính là đạo diễn phim “Bình Thuận - Hội tụ xanh” do Sở VH - TT - DL tỉnh đặt hàng sản xuất nhân dịp kỷ niệm 10 năm Du lịch Bình Thuận (1995 - 2005).
Trong số các tác phẩm đặc sắc của đạo diễn Trần Mỹ Hà, không thể không nhắc đến bộ phim truyện nhựa đầu tay của ông - “Hải Nguyệt”. Phim do Hãng phim Giải phóng sản xuất, dựa trên kịch bản của Minh Ngọc, Ngụy Ngữ biên tập, Phạm Hoàng Nam quay phim. “Hải Nguyệt” đã được trao Giải A Hội Điện ảnh VN năm 1998. Đây là một trong những phim của nhà nước gây tiếng vang lớn vào thời điểm đó và có doanh thu cao trên toàn quốc.
Chuyện phim kể về Hải Nguyệt - một cô gái sinh ra từ gia đình có ba đời làm nước mắm. Bắt đầu từ bà cố nội với hai bàn tay trắng, đến đời cha cô là ông Hải Hương đã có một cơ ngơi bề thế. Sau ngày đất nước giải phóng, trước những biến động thời cuộc, ông Hải Hương đưa cả gia đình “vượt biên” ra nước ngoài. Trong giây phút căng thẳng nhất, Hải Nguyệt đã quyết định ở lại quê nhà. Với bản lĩnh, lòng kiên trì, nghị lực phi thường, Hải Nguyệt đã vượt qua nhiều khó khăn nghịch cảnh, quyết tâm vươn lên gìn giữ nghề làm nước mắm truyền thống của gia đình, của quê hương.
Cuối năm 1995, ngay trong thời gian tham gia đóng phim “Mùa hoa cúc quỳ”, nhà biên kịch Nguyễn Thị Minh Ngọc đã cho ra đời kịch bản bộ phim “Hải Nguyệt”. Nguyễn Thị Minh Ngọc cho biết khi đặt tên “Hải Nguyệt” cho nhân vật chính trong phim, chị đã liên tưởng phần nào đến “Chơi giữa mùa trăng” của Hàn Mặc Tử - một nhà thơ tài hoa nhưng bạc mệnh từng có thời gian lưu dấu tại Phan Thiết. Đảm nhận vai Hải Nguyệt là nữ diễn viên Hồng Ánh, khi ấy còn rất trẻ, mới chập chững bước vào nghề. Để có những trải nghiệm thực tế nhất, Hồng Ánh đã thử sức hết mình, cùng sống và sinh hoạt với những người dân chài một thời gian dài. Dưới cái nắng gió của vùng biển mặn, làn da cô sạm đi trông như một cô gái làng chài thực thụ. Hải Nguyệt là một trong những vai diễn để đời, đưa tên tuổi Hồng Ánh tiến xa hơn trong sự nghiệp điện ảnh.
Đạo diễn Trần Mỹ Hà trên trường quay.
Trên phông nền một làng chài ở vùng biển Mũi Né với những đồi cát trắng tinh chạy dài, nghề làm nước mắm truyền thống độc đáo, mang đậm tính lịch sử - văn hóa biển của vùng đất Phan Thiết - Bình Thuận đã được đạo diễn Trần Mỹ Hà khắc họa một cách chân thực, rõ nét trong từng thước phim. Từ những đại cảnh đoàn thuyền đánh cá trên biển, những lều mắm, những thùng gỗ đựng mắm, những đôi quang gánh đầy ắp cá tươi, đến cả những chi tiết nhỏ nhặt nhất như động tác rải muối ướp cá, động tác thử mắm,… đều được thể hiện sinh động, ấn tượng. Không nhiều bộ phim nói về nghề làm nước mắm tại Phan Thiết - nơi có thương hiệu nước mắm nổi tiếng cả nước, và lại càng hiếm những bộ phim hay, nhưng “Hải Nguyệt” của đạo diễn Trần Mỹ Hà đã làm được điều đó.
Bìa đĩa phim “Hải Nguyệt” (Phương Nam Phim phát hành).
Năm 1997, đạo diễn Trần Mỹ Hà đã được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú vì những đóng góp của mình đối với ngành điện ảnh - truyền hình nước nhà.
Phúc Thịnh
Nguồn: Báo Bình Thuận
Link nội dung:
https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/dao-dien-nsut-tran-my-ha-dem-nghe-lam-nuoc-mam-len-phim-a9576.html