Tám đời chủ tịch xã truyền tay nhau giữ báu vật đào được ở Phật viện Đồng Dương

Người dân đào được pho tượng Bồ tát Tara ở Phật viện Đồng Dương, trước khi bàn giao cho bảo tàng đã đập lấy một phần bức tượng rồi cất giấu và đưa cho chính quyền xã truyền tay cất giữ.

Giằng co giành tượng

Gần 40 năm về trước, người dân thôn Đồng Dương, xã Bình Định Bắc (huyện Thăng Bình, Quảng Nam) đào được pho tượng quý hiếm trong khuôn viên Phật viện Đồng Dương (Phật viện lớn nhất Đông Nam Á hồi thế kỷ thứ 9). Thời gian đã lùi xa nhưng câu chuyện ngày nào “trúng” tượng phật được ông Trà Thanh Tùng, nguyên Bí thư xã Bình Đình Bắc kể lại.



 
Ông Trà Thanh Tùng, nguyên Bí thư xã Bình Định Bắc  

Theo ông Tùng, khoảng tháng 8/1978, cuộc sống còn khó khăn nên một số người dân lên Phật viện Đồng Dương đào lấy gạch về xây dựng nhà cửa. Trong quá trình đào bới đã phát hiện một pho tượng chôn phía dưới chân tháp Sáng - ngọn tháp duy nhất sót lại ở phật viện này.

“Pho tượng cao hơn 1m làm bằng chất liệu đồng được chôn khá sâu. Khi đào lên, quanh tượng cát được phủ một lớp dày, tượng nằm ngay giữa chân móng. Pho tượng được các nhà nghiên cứu đánh giá hình dáng Bồ tát Laksmindra Lokesvara hay còn gọi là Bồ tát Tara”, ông Tùng cho hay.




 Pho tượng Bồ tát Tara đang được bảo quản tại Bảo tàng Chăm Đà Nẵng  

Nét mặt của tượng vừa nghiêm trang, thánh thiện nhưng cũng hoang sơ, trần tục. Gương mặt tượng hai hàng lông mày rậm, cánh mũi to, môi dày. Mái tóc được búi cao hình chóp, phía trên có hình phật A di đà. Tượng đứng thẳng, hai cánh tay để dọc theo thân, hai bàn tay cầm một đóa hóa sen và một quả lựu đưa về phía trước.

“Khi đào lên, thông tin lan truyền nhanh chóng, người dân khắp nơi đổ về xem đông nghịt. Họ cho rằng, tượng được làm hoàn toàn bằng vàng hoặc đồng đen, có giá trị rất lớn. Ở mắt, trán được khảm thêm đá quý. Cùng lúc này, chính quyền địa phương có mặt và báo cáo lên huyện để có hướng giải quyết”, ông Tùng nhớ lại.

Ông Tùng cho biết thêm, thời đó phương tiện đi lại, thông tin liên lạc chậm trễ, để báo cáo đến cấp huyện mất cả ngày. Trong lúc chờ đợi xử lý, người dân nhất quyết đưa đi bán lấy tiền, còn xã chờ cấp trên trả lời. Hai bên giằng co khốc liệt suốt ngày đêm.




 Hai hiện vật hiếm hoi còn sót lại, đến nay các chuyên gia vẫn chưa khẳng định là vật gì vì chính quyền xã không cho tiếp cận  

“Chủ tịch xã ra lệnh khiêng về xã để trông coi nhưng người dân không cho đi, bắt phải để lại. Bà con cho rằng đấy là tài sản quý giá không được ai đụng đến. Cuối cùng thống nhất giữ nguyên hiện trường, chính quyền xã cùng người dân trông coi”, ông Tùng nhớ lại.

Ông Tùng kể tiếp, sau khoảng 2 ngày, Bí thư, Chủ tịch tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng (tỉnh Quảng Nam và TP Đà Nẵng bây giờ) có mặt và ra lệnh đưa lên xe chở về Bảo tàng Chăm Đà Nẵng. Sự quyết liệt của những người đứng đầu tỉnh, cùng nhiều lực lượng hỗ trợ nên người dân mới chấp nhận cho đưa đi.

“Tuy nhiên, sau nhiều ngày chờ cán bộ tỉnh về, người dân đã lén lút đập lấy một búp sen và quả lựu cầm trên tay pho tượng. Hai vật này được người dân cất giấu, vì họ cho rằng đây là vàng. Sau khoảng 1 tuần, khi biết hai vật này làm bằng đồng, giá trị không cao nên người dân trả lại. Phía Bảo tàng Chăm ở Đà Nẵng ở xa đi lại rất khó khăn nên xã tịch thu”, ông Tùng cho hay.




 Hai bàn tay bị người dân đập lấy, chính quyền xã không chịu trả nên còn thiếu  

Điều đáng nói, bức tượng đưa ra Bảo tàng Đà Nẵng trưng bày, nhưng người dân địa phương nghi ngờ chính quyền đã đưa vào TP Hồ Chí Minh bán. Để minh chứng cho sự thật, xã Bình Định Bắc thuê xe chở người dân Đồng Dương ra Đà Nẵng tận mắt chứng kiến. Tại đây, bức tượng trưng bày đúng là được dân tìm thấy ở Phật viện Đồng Dương, trên tay thiếu 2 bộ phận.

“Hồi đó tỉnh hứa sẽ đầu tư về cho xã, đổi lại xã trả lại hai vật này nhưng cuối cùng không thực hiện nên xã không bàn giao. Khi thu về không ai dám giữ, bởi đây là tài sản lớn, nhiều người còn truyền tai nhau, đây là vật linh thiêng, nếu giữ sẽ không tốt cho bản thân. Do đó buộc lãnh đạo phải giữ, cứ hết đời chủ tịch này đến đời khác trông coi”, ông Tùng tâm sự. 

8 đời lãnh đạo xã giữ báu vật

Ông Trương Văn Việt, Bí thư xã Bình Định Bắc cho biết, từ lâu chính quyền xã bảo quản và xem búp sen và quả lựu như báu vật của xã. Việc cất giữ do Ban Thường vụ Đảng ủy xã chỉ đạo. Sau đó giao cho một người cầm chìa khóa và tuyệt đối bí mật.




 Phật viện Đồng Dương còn sót lại tháp Sáng được chống đỡ bằng hàng chục trụ sắt, cỏ cây mọc um tùm  

“Đây là vật vô giá nếu biết nơi cất giấu kẻ gian đột nhập lấy thì ai chịu trách nhiệm? Do vậy tung tích nơi để chỉ trong nội bộ biết, không thể tiết lộ ra ngoài”, ông Việt khẳng định.

Theo ông Việt, từ ngày trông coi đến nay có  8 đời Chủ tịch, 8 Bí thư xã cất giữ chúng. “Chắc chắn hai báu vật đang còn được lưu giữ ở xã nhưng nằm ở đâu, ai cầm chìa khóa thì không nói được”, ông Việt cho hay.

Tôi ngỏ ý muốn xin được chụp tấm hình, ông Việt từ chối: “Trước đây có một lần mở ra và chụp được một tấm ảnh nhưng nay không còn lưu giữ, hình ảnh đó còn ở trên mạng. Còn muốn chụp ảnh, phải họp Ban Thường vụ, sau đó lấy biểu quyết nếu được sự thống nhất thì mới cho”, ông Việt quả quyết.

Ông Việt nói thêm, nhiều lần bảo tàng đề nghị xã trao trả hai vật này nhưng chính quyền xã cương quyết từ chối. Nếu xã trả lại cho bảo tàng sẽ gặp khó trong việc thống nhất ý kiến. Bởi trả những vật này, phải được sự đồng ý của nhiều người.

Trước việc chính quyền xã nhất quyết không cho ai xem nên có nhiều nhận định khác nhau về hai hiện vật. Nhiều chuyên gia cho hay, hai vật trên hai tay pho tượng đồng là 2 quả lựu. Cũng có tài liệu nghiên cứu lại cho rằng tay trái pho tượng cầm một con ốc, tay còn lại cầm một đóa hoa 5 cánh. Trong hồ sơ đề nghị xã Bình Định Bắc trao trả hai hiện vật năm 1978, Ty Văn hóa, Thông tin Quảng Nam - Đà Nẵng ghi hai hiện vật này là quả đào và búp sen.

Theo nhiều tài liệu về lịch sử Vương quốc Chămpa, năm 875, vua Indravarman II cho xây dựng một tu viện phật giáo và đền thờ vị Bồ Tát bảo hộ cho vương triều có tên Tara, một biến thân của Quan thế âm Bồ Tát. Tương truyền trong phật giáo, nữ thánh Tara có tấm lòng cứu độ đại từ bi đầy quyền lực. Xúc động trước nỗi khổ cực của trần thế, có một lần Quan thế âm Bồ Tát nhỏ những giọt lệ và hòa quyện thành một biến thân mới có tên là Tara.

Tên của kinh đô mới là Indrapura, hay còn gọi là kinh thành sấm sét được xây dựng trên mảnh đất của làng Đồng Dương ngày nay. Đây cũng là giai đoạn duy nhất trong lịch sử Chămpa, phật giáo hưng thịnh và được coi trọng hơn những tôn giáo khác. Phật viện nằm kế tiếp nhau chạy dài suốt 1.330m theo hướng từ Tây sang Đông. Trong đó, khu đền thờ chính nằm trong vành đai hình chữ nhật dài khoảng 300m, rộng 240m.

Theo công bố năm 1901 của nhà khảo cổ L.Finot (người Pháp) đã phát hiện 229 hiện vật, đặc biệt có pho tượng phật bằng đồng cao hơn 1m, mang phong cách tượng phật Amaravati của Ấn Độ, được đánh giá vào loại đẹp nhất ở Đông Nam Á. Năm 1902, kiến trúc sư kiêm nhà khảo cổ người Pháp H. Parmentier đã khai quật di tích Đồng Dương, ông tìm thấy khu kiến trúc chính của khu đền thờ cùng nhiều tác phẩm điêu khắc quý giá.

Năm 2000 Phật viện Đồng Dương được công nhận là Di tích lịch sử cấp Quốc gia, tháng 12/2016 được công nhận là Di tích Quốc gia đặc biệt. Hiện nay còn sót lại một tháp Sáng được chống đỡ hàng chục trụ sắt, bốn bề bao bọc bởi cỏ dại, hoang vu không có người trông nom.


Đắc Thành

Nguồn: Nongnghiep.vn

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/tam-doi-chu-tich-xa-truyen-tay-nhau-giu-bau-vat-dao-duoc-o-phat-vien-dong-duong-a9556.html