25/03/2017 14:50
25/03/2017 14:50
Gameshow Việt “cạn kiệt” ý tưởng
Thống kê sơ bộ, chỉ mới đầu năm 2017 đã có gần 50 gameshow lớn nhỏ mở ra trên sóng truyền hình cả nước, đủ thấy sự bùng phát của loại hình giải trí này trầm trọng đến mức nào. Nhưng, ông bà ta đã có câu “Bạo phát bạo tàn” - thứ gì phát triển nhanh mà thiếu căn cơ thì cũng sẽ lụi tàn nhanh...
Gameshow “Đường đến danh ca vọng cổ”.
Gameshow “Giải mã cơ thể”.
“Cơn bão gameshow” hình thành theo ý đồ kinh doanh của các nhà sản xuất khi lợi nhuận “dễ ăn” hiển hiện ngay trước mắt. Không phải ngẫu nhiên mà các nhà đài liên tục ký kết với các công ty truyền thông phát hành gameshow đều đặn mỗi tuần. Họ sợ bị các chương trình khác “chiếm sóng” nên buộc phải sản xuất gameshow liên tục để “xí chỗ”. Và hơn hết là tận dụng hình thức kinh doanh này để ăn tiền quảng cáo.
Nếu giai đoạn 2015-2016, gameshow chỉ gói gọn trong các chương trình thi thố ca hát, biểu diễn hài kịch, thì 2017 đã được “nâng cấp” hơn khi bổ sung những chương trình thực tế đa dạng chưa từng xuất hiện trước đó như: Căn hộ trong mơ (HTV), Biệt đội phong cách (VTV6), Hoán đổi (VTV6)…
Bên cạnh sự mới lạ thì hầu hết các gameshow hiện nay đều khá nhàm chán và “na ná” nhau. Điều đó dễ nhận thấy khi xem Đài truyền hình Vĩnh Long, các gameshow gần như giống hệt nhau đến khó phân biệt. Có lẽ vì thế mà người hâm mộ vẫn thường nhầm lẫn chương trình “Cười xuyên Việt” với “Tiếu lâm tứ trụ”, “Tuyệt đỉnh song ca” với “Giọng hát Việt”.
Có lẽ nhận ra sự bão hòa của các gameshow hiện tại nên các nhà đài lẫn đơn vị sản xuất bắt đầu “nặn óc” suy nghĩ ra những format mới nhằm thu hút sự chú ý của người xem. Đó chính là lý do vì sao, một chương trình mới toanh và duy nhất hiện nay là “Đường đến danh ca vọng cổ” bất ngờ gây được tiếng vang sau những tập phát sóng đầu tiên.
Chỉ khi nhìn thấy bảng rating (đo tỷ lệ người xem) cao ngất ngưởng, người ta mới thấy được sự “ghê gớm” của các nhà sản xuất. Họ rất tài tình và khéo léo khi phát hiện ra một nhu cầu mới mà người xem rất quan tâm nhưng chưa được khai thác là vọng cổ. Điều đó đã từng xảy ra với dòng nhạc bolero mà hiện nay, các chương trình về dòng nhạc này đang dày đặc.
Gameshow “Người kế tiếp”.
Phải chăng gameshow đang thoái trào?
Đánh đúng thị hiếu, hướng đi mới lạ và quan trọng hơn cả là tạo cơ hội cho người chơi nên “Đường đến danh ca vọng cổ” nhanh chóng thu hút người xem. Đặc biệt, nhà sản xuất vô cùng tinh vi khi mời nữ nghệ sĩ Ngọc Huyền làm giám khảo như tạo một cú “hích” không thể nào cưỡng lại đối với người xem. Và đúng như ý đồ của họ, chiến dịch ấy đã thành công như mong đợi.
Nhưng điều đó vẫn không thể cứu vãn được thực trạng gameshow đang dần “chết yểu” hiện nay. Ngoài “Đường đến danh ca vọng cổ”, hàng loạt các chương trình mới được tung ra nhưng không “sống thọ”, đơn cử là những chương trình: “Hoán đổi cặp đôi”, “Biệt đội tài năng”, “Hoán đổi”… đó là chưa kể những chương trình khác được phát sóng rời rạc trên các kênh địa phương.
Thậm chí, có những gameshow từng nổi đình nổi đám cũng dần có biểu hiện của sự “xuống cấp” khi lượng người xem ngày một ít, không “ma” nào mua khung giờ quảng cáo. Một số game có dấu hiệu đóng cửa sau một mùa tổ chức duy nhất như “Thiên đường ẩm thực”, “Vua đầu bếp”, “Thử tài siêu nhí”…
Một thực trạng đáng e ngại là gameshow hiện nay đang dần cạn kiệt ý tưởng lẫn chiêu trò. Các nhà sản xuất vận động không ngừng nhằm tìm ra hướng đi mới nhất để sống sót qua thời điểm này. Tuy nhiên với ý tưởng được lặp đi lặp lại thì khán giả cảm thấy nhàm chán với các gameshow hiện nay. Biết Trấn Thành, Việt Hương, Hoài Linh sẽ nhàm chán nên các nhà sản xuất dần thay thế những danh hài mới để tạo điểm nhấn như Trường Giang (Thách thức danh hài mùa 3), Tấn Beo (Người nghệ sĩ đa tài)...
Cũng trong năm 2016, khán giả Việt chứng kiến sự đổ bộ chưa từng có của hàng loạt các nghệ sĩ hài hải ngoại về nước “kiếm sống”. Lần lượt những cái tên nổi đình nổi đám ở trời Tây như Quang Minh, Hồng Đào, Chí Tài, Vân Sơn và mới đây là Ngọc Huyền, Thanh Tuyền… Nhìn vào thực trạng ấy nhiều khán giả cho rằng có lẽ thị trường giải trí tại Việt Nam dễ sống hơn ở Mỹ nên các ngôi sao hải ngoại mới về làm ăn. Bên cạnh đó, nhà sản xuất cũng muốn đưa các ngôi sao hải ngoại này về để làm mới lại các gameshow vốn đã quá nhàm chán và tẻ nhạt.
Mặc dù có rất nhiều nỗ lực nhưng có vẻ những nhà sản xuất của Việt Nam đang dần bị “đuối” trong cuộc đua gameshow này. Từ hài kịch đến âm nhạc, họ không còn một mảnh đất nào để khai thác ngoài cầm cự trên những cái đã có sẵn. Bên cạnh đó, các công ty truyền thông nhỏ lẻ thành lập ngày càng nhiều càng khiến tình hình thêm bế tắc. Vì thấy miếng mồi ngon mang tên gameshow nên người người, nhà nhà đổ xô đi làm dẫn đến thị trường bị dư thừa trầm trọng.
Theo chia sẻ từ một quản lý của Công ty Đông Tây, đối tác chính chuyên sản xuất các gameshow cho HTV: “Chưa một thời điểm nào mà tình hình kinh doanh gameshow khốc liệt và kinh khủng như hiện nay. Mỗi ngày chúng tôi phải đau đầu để tìm ra hướng đi cho công ty. Tình hình kinh tế khó khăn, cơn bão gameshow thì gia tăng không ngừng khiến các đối tác quảng cáo cũng bắt đầu e dè khi chọn lựa gói. Có những gameshow chúng tôi không mời được quảng cáo nhưng vẫn phải cố cho lên sóng theo đúng tiến độ vì đã ký kết với nhà đài. Nếu không ghi hình thì buộc phải đền hợp đồng vì để trắng sóng”.
Có thể thấy, thay vì mang tính giải trí thuần túy các gameshow hiện nay lại trở thành canh bạc mạo hiểm của những nhà sản xuất. Từ nguyên tắc lợi nhuận trong kinh doanh, các đơn vị này đã vô tình biến sự giải trí trong gameshow thành những chiêu trò rẻ tiền đến nhức nhối trong cộng đồng và xã hội, tạo sự bát nháo trong dư luận. Mới đây nhất không thể không nói đến kết quả chung cuộc của show “Thách thức danh hài” khi mà Trấn Thành cười vô tội vạ trước sự bất bình của dư luận. Gameshow Việt không chỉ coi nhẹ nội dung mà còn tạo cơ hội cho một số văn nghệ sĩ cười cợt khán giả, xem thường yếu tố nghệ thuật thuần túy.
Chưa dừng lại ở đó, một trong những gameshow đình đám hiện nay là “The face - gương mặt thương hiệu - mùa hai” đã quay lại với nhiều tranh cãi. Dàn thí sinh dự tuyển quy tụ những người tai tiếng mà trước đó cư dân mạng đã từng “ném đá” như “Bà tưng”, Thúy Vi… điều này khiến dư luận vô cùng chú ý và nảy sinh nhiều tranh cãi. Những đối tượng này từng bị chê trách về lối sống, lệch lạc về hành vi… song vẫn được ghi danh thi đấu để “tìm ra gương mặt đại diện cho Việt Nam”. Tuy các đối tượng này không được trúng tuyển nhưng khán giả vẫn thừa biết đó là một trong những chiêu thức câu khách của ban tổ chức. Chỉ cần quy tụ được dàn thí sinh tai tiếng thì bỗng chốc, tên tuổi và độ phủ của các gameshow như thế sẽ được công chúng biết đến và thu hút họ theo dõi ngay từ những bước đầu.
Càng ngày, sự “loạn lạc” trong gameshow càng gia tăng, nhất là trong thời điểm một mảnh đất hẹp mà có quá nhiều thợ săn như hiện nay. Chắc chắn trong thời gian sắp tới, cơn bão gameshow sẽ tiếp tục hoành hành và đương nhiên, khán giả là những người cảm thấy phiền toái nhất bởi câu nói quen thuộc: “Bây giờ bật ti vi không có gì để coi nữa”.
Vương Huy Khôi
Nguồn: Người Tiêu Dùng
Link nội dung:
https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/gameshow-viet-can-kiet-y-tuong-a9546.html