Nữ ca sĩ một thời được nhiều văn nhân ngưỡng mộ

Không thuộc tốp nhan sắc trong “Tứ đại mỹ nhân” của Sài Gòn xưa, nhưng bà là một trong 10 ca sĩ ảnh hưởng lớn trong nền tân nhạc Việt Nam trước năm 1975 và được mệnh danh là “Nữ hoàng” trong thể điệu Bolero và Rumba- Bolero. Bà cũng là người sở hữu nhiều biệt danh như: “Tiếng hát khói sương”, “Tiếng hát Liêu trai”, “Tiếng hát lúc 0 giờ”, “Tiếng sầu ru khuya”...

 

Bà là ca sĩ Thanh Thúy, với họ tên là Nguyễn Thị Thanh Thúy, sinh ngày 2/12/1943 tại Huế, trong một gia đình có 5 chị em.

Ca sĩ Thanh Thúy nổi tiếng với những bản nhạc tiền chiến bất hủ như: “Giọt mưa thu”, “Con thuyền không bến” của nhạc sĩ Đặng Thế Phong, đến “Đêm đông” của Nguyễn Văn Thương, “Tan tác” của Tu Mi...rồi “Tiếng còi trong sương đêm” của Lê Trực, “Thuyền viễn xứ” của Phạm Duy. Bà cũng là người đầu tiên hát ca khúc “Ướt mi” một sáng tác đầu tay của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.

Thanh Thúy bắt đầu đi hát từ năm 15 tuổi (1958). Năm 1962 ca sĩ Thanh Thúy đã được bầu chọn danh hiệu “Hoa hậu Nghệ sĩ”, năm 1964 với nhạc phẩm “Chuyến tàu hoàng hôn” đã khắc sâu tên tuổi và tài nghệ của Thanh Thúy trong lòng độc giả mộ điệu ở miền Nam. Năm 1970, Thanh Thúy đoạt giải Kim Khánh của nhật báo Trắng Đen dành cho nữ ca sĩ ăn khách nhất với bản nhạc “Tình đời” (Duyên kiếp cầm ca) do hai nhạc sĩ Minh Kỳ và Vũ Chương sáng tác.

Năm 1972, Thanh Thúy đoạt hai giải Kim Khánh dành cho nữ ca sĩ được ái mộ nhất trong năm và show truyền hình được yêu thích nhất của năm 1972 do bà làm trưởng ban.

Rất nhiều nhạc sĩ yêu mến tiếng hát và cả nhân cách của bà đã sáng tác những ca khúc dành riêng cho tiếng hát của bà như Trịnh Công Sơn với ca khúc “Ướt mi” và “Thương một người”. Châu Kỳ với “Được tin em lấy chồng”, Hoàng Thi Thơ với “ Lời hát tạ ơn”, “ Tôi yêu Thúy”, Y Vân với “Thúy đã đi rồi”, thơ Nguyễn Long, Nhật Ngân với “Lời tự tình”, Anh Bằng & Lê Dinh với các nhạc phẩm: “Phận tơ tằm, Tiếng ca u hoài, Chuyện buồn của Thúy”. Tôn Thất Lập với “Tiếng hát về khuya”.

Đặc biệt nhạc sĩ Trúc Phương với mối tình đơn phương, dành hết tâm huyết và tâm sự trong những nhạc phẩm riêng cho ca sĩ Thanh Thúy hát như: “Hình bóng cũ”, “Lời ca ca nữ”, “Mắt em buồn”, “Tình yêu trong mắt một người”, “Mắt chân dung để lại...” ghi dấu ấn tên tuổi một thời cho danh ca Thanh Thúy.

Rất nhiều thi sĩ và cả những văn nhân đã dành cho ca sĩ Thanh Thúy những tình cảm chân thành. Nguyên Sa đã làm tặng Thanh Thúy những câu thơ đầy tâm trạng: “Từ em tiếng hát lên trời/ Tay xao dòng tóc, tay mời âm thanh/ Sợi buồn chẻ xuống lòng anh/ Lắng nghe da thịt tan tành hư vô”. Nhà Thơ Vũ Hối thì tặng bà 4 câu thơ: “Liêu trai tiếng hát khói sương/ Nghẹn ngào nhung nhớ dòng Hương quê mình/ Nghiên sầu từng nét lung linh/ Giọng vàng xứ Huế ấm tình lung linh.

Nhận xét về Thanh Thúy, nhà văn Hồ Trường An viết: “Thanh Thúy là một nghệ sĩ có tư cách, có phẩm hạnh. Cô không gây ngộ nhận nào cho nhóm ký giả ưa săn tin giật gân... Trong hàng ngũ các nữ ca sĩ nổi tiếng xa xưa thì Thanh Thúy, Lệ Thanh và Hoàng Oanh là nhu mì, khiêm tốn, ngoan hiền. Ở chót vót đỉnh danh vọng mà Thanh Thúy không hề nói một lời kiêu căng hay một lời làm thương tổn tha nhân, không hề bôi bẩn kẻ vắng mặt, không khoe khoang thành tích của mình khi tiếp xúc với báo chí...”.

Nhiều thập niên đã trôi qua, nhiều thế hệ nghệ sĩ tên tuổi trong lĩnh vực nghệ thuật âm nhạc đã xuất hiện, song có lẽ chưa có ai được giới văn nhân, thi sĩ, nhà báo nhắc đến với sự trân trọng về tài năng lẫn nhân cách như ca sĩ Thanh Thúy, “Tiếng hát liêu trai” của Sài Gòn một thuở...


Trần Hoàng Vy

Nguồn: Bình Thuận Online

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/nu-ca-si-mot-thoi-duoc-nhieu-van-nhan-nguong-mo-a9516.html