Đầu nguồn sông Tiền, ngày và đêm
Giữa các khu phố sầm uất là khu chợ trung tâm với cặp nhà lồng mỗi bề 100m, đông đúc khách mua bán từ 3 giờ sáng cho tới 21-22 giờ, đèn điện vẫn sáng choang.
Chợ Tân Châu mùa lũ có đủ chủng loại thủy sản trên sông Mêkông. Hửng sáng, tôi ra bến chờ các ghe cá về, nhưng thấy toàn cá nhỏ, không có những con cá bông lau, cá lăn 5-10kg dài cả sải tay như hồi trước.
Hồi trước, đầu mùa lũ, hàng đám ghe câu đổ xô lên đầu nguồn sông Tiền dùng rổ dày hớt lấy lớp bọt trắng nổi từng dề trên mặt sông. Đó là trứng cá tra mới đẻ từ sông Mêkông trôi xuống. Người ta lấy bọt ấy đem về, dùng trứng gà khuấy nhuyễn, đổ vào bể ươm là lập tức cá tra con li ti đớp mồi.
Cứ vậy mà chúng lớn lên để đưa vào ao nuôi. Bây giờ hỏi, ai cũng kêu trời về nạn đập thủy điện trên đầu nguồn sông này chặn các luồng thủy sản xuống lưu vực sông Tiền, sông Hậu, đến cá linh cũng cạn kiệt dần.
Làng dệt lãnh Mỹ A nổi tiếng khắp Nam bộ.
Sáng sớm và chiều tối, trên công viên cặp bờ kè sông Tiền đông đúc người dân đi hóng mát và tập thể dục với các dụng cụ công cộng đặt sẵn ở đó. Nơi đây vốn xưa nhà mọc san sát trên bờ lấn ra lòng sông. Bên kia đường là làng dệt lãnh Mỹ A nổi tiếng khắp Nam bộ.
Ngày ấy, tôi về khu rạp hát Tân Châu đầy nhà máy dệt. Ngày và đêm, tôi có cảm giác như cơn mưa to đang đổ. Tiếng máy dệt chạy rào rào, rào rào bất tận. Ban ngày, đi đâu cũng thấy từng dãy sào phơi lụa. Cái thứ lụa càng phơi được nắng càng lên nước đen bóng, mướt rượt, chảy khắp ngõ ngách thị trấn này. Các ngả đường rợp bóng cây mặc nưa.
Nhựa trái mặc nưa làm nên màu đen bóng cho thương hiệu lụa - lãnh Mỹ A Tân Châu, một đặc sản mà ở Nam bộ không đâu có được. Thời thịnh hành của lụa - lãnh Mỹ A Tân Châu chiếm lĩnh thị trường không chỉ Đông Nam Á mà còn nhiều nơi trên thế giới.
Tại đám giỗ nhà Tám Đức - em kết nghĩa của tôi ở khu rạp hát Tân Châu. Tôi hỏi nhiều người tại sao lụa - lãnh Mỹ A bây giờ vắng bóng?
Chị Liên thừa kế nhà máy dệt của gia đình, phân bua: “Tại làn sóng vải ngoại nhập ồ ạt, lấn át thị trường nội địa. Lụa - lãnh Mỹ A không còn là thời thượng; giới trẻ quay lưng chạy theo “mốt” này, “mốt” nọ,... Lụa - gấm - lãnh Mỹ A Tân Châu bị ế, phải phá bỏ vườn dâu nuôi tằm lấy tơ; phá bỏ vườn cây mặc nưa lấy trái nhuộm lụa. Rồi xếp xó các bộ khung máy dệt để đi làm nghề khác” - chị Liên nói vậy. Tuy nhiên,...
Lụa - lãnh Mỹ A Tân Châu, hồn ở đâu bây giờ?
Tám Đức lấy xe Honda chở tôi đi Đường tỉnh 952 cặp bờ sông Tiền lên Cửa khẩu quốc tế Vĩnh Xương. Tám nói, cầu Tân An đang làm qua cửa khẩu, từ đó, Honda chạy chừng một tiếng là tới thủ đô Phnom Penh - Vương quốc Campuchia.
Dự kiến cuối năm nay làm xong cầu này để cùng cầu Châu Đốc qua Châu Giang là thông tuyến đường Quốc lộ N1 (không còn gọi Đường tỉnh 952 nữa); coi như cả vùng Đồng bằng sông Cửu Long sẽ thông thương với Campuchia qua ngả này.
“Lúc đó, anh mặc sức về đây du lịch. Hy vọng nghề dệt lụa - lãnh - gấm Mỹ A truyền thống Tân Châu sẽ sống lại được” - Tám Đức nói như mơ.
Tôi bảo, báo chí TP.HCM từng đưa tin: Năm 2014, nhà thiết kế thời trang nổi tiếng Võ Việt Chung đưa lụa - gấm - lãnh Mỹ A Tân Châu vào sản phẩm dự thi ở nước ngoài và chiếm giải cao, được nhiều nước phương Đông lẫn phương Tây đánh giá rất cao. Vậy sản phẩm này có lý do để phục sinhvà phát triển,...
Một góc cơ sở dệt lụa Tám Lăng
Tám Đức dừng xe trước nhà máy dệt Tám Lăng. Nhà máy không đồ sộ lắm, nhưng có nhiều giàn máy dệt cho ra những guồng lụa trắng óng ánh như dòng suối chảy.
Ông chủ hãng dệt Tám Lăng trạc tuổi 60, để mình trần, vui vẻ cho biết: Đây là nghề nhà nòi bốn năm đời của gia đình tui. Cho nên dù ai bỏ, chớ tui không bỏ. Ai chê chớ khách hàng của tui không chê. Khách hàng của tui chủ yếu ở Đức và Pháp, họ ký hợp đồng số lượng lớn, làm không xuể. Ở khu này còn có một số cơ sở dệt khác cũng đang hoạt động. Họ được khách hàng ở Campuchia, Thái Lan, Myanmar,... cung cấp nguyên liệu (tơ lụa trắng), để làm ra lãnh Mỹ A đen bóng.Thứ lụa này, trời nóng mặc vào thấy mát, trời lạnh mặc vào thấy ấm và bền lắm.
Rồi ông chủ nhà máy dệt lãnh Mỹ A, satin Tám Lăng “kêu”: Bây giờ nghề trồng dâu nuôi tằm lấy tơ không còn ở đây nữa. Nhiều lúc, tui phải mua tơ ở Bảo Lộc, mua trái mặc nưa ở Campuchia về làm cho ra sản phẩm truyền thống làng nghề dệt lụa - gấm - lãnh Mỹ A Tân Châu của mình. Tui chắc rằng, sản phẩm này đang và sẽ có đất sống...
Du ký của Quang Hảo