05/02/2015 08:04
05/02/2015 08:04
Kon Tum: Người Rơ Măm giữ gìn bản sắc văn hoá
Dù cuộc sống còn nhiều khó khăn nhưng người Rơ Măm làng Le (xã Mô Rai, huyện Sa Thầy, Kon Tum) vẫn nỗ lực phát triển kinh tế và luôn cố gắng bảo tồn và phát huy những giá trị văn hoá tốt đẹp của dân tộc mình.
Là địa bàn cư trú của 120 hộ dân với khoảng 460 nhân khẩu người Rơ Măm (1 trong 2 dân tộc ít người nhất của tỉnh Kon Tum), nhưng bà con làng Le (xã Mô Rai, huyện Sa Thầy) vẫn lưu giữ, bảo tồn được số lượng cồng chiêng lớn. Cùng với đó là không gian văn hóa cồng chiêng cũng được dân trong làng giữ gìn và phát triển.
Đối với người Rơ Măm, Cồng chiêng là linh hồn của các lễ hội, gắn liền với đời sống văn hóa, tâm linh của dân tộc, nên các gia đình trong làng đều một lòng gìn giữ; đồng thời tiếp tục duy trì những lễ hội, phong tục, tập quán tốt đẹp.
Người Rơ Măm tổ chức lễ hội ăn mừng lúa mới. Ảnh: Internet
Theo thống kê của Phòng Văn hoá - Thể thao huyện Sa Thầy, xã Mô Rai là địa phương có số lượng cồng chiêng nhiều nhất trong huyện với 189 bộ chiêng, riêng làng Le đã có gần 100 bộ, trong đó có 80 bộ chiêng Hoăn và 20 bộ chiêng Lào. Có nhà còn giữ được tới 2- 3 bộ chiêng.
Cùng với việc gìn giữ cồng chiêng, người dân làng Le còn biết bảo ban nhau học tập, truyền dạy lại cho lớp trẻ cách đánh cồng chiêng, nhất là những bài chiêng dùng trong các lễ hội của dân tộc Rơ Măm. Nếu có dịp đến làng Le vào những ngày cuối tuần hay kỳ nghỉ hè, mọi người sẽ dễ dàng thấy cảnh lũ trẻ say sưa học đánh cồng chiêng; người già thì nhiệt tình truyền dạy. Lớp trước dạy lớp sau, cứ thế, bao đời nay, người dân làng Le đã giữ gìn khá tốt văn hóa cồng chiêng.
Người Rơ Măm làng Le trước đây vốn có rất nhiều tục lệ; nhưng ngày nay, đời sống văn hóa ngày càng phát triển, bà con cũng đã từng bước từ bỏ những hủ tục và chỉ lưu giữ những tục lệ, nét văn hóa đẹp, độc đáo của dân tộc. Trong đó phải kể đến những lễ hội văn hóa đặc sắc.
Cùng với lễ hội, tục lệ ma chay cũng được người Rơ Măm lưu giữ cho đến ngày nay. Khi trong nhà có người chết, các gia đình sẽ đánh chiêng để thông báo với dân làng đến chia buồn, giúp đỡ. Nghĩa địa của người Rơ Măm luôn nằm về phía tây của làng, bởi theo quan niệm nếu đặt về phía Đông thì khi mặt trời mọc và đi qua làng, linh hồn người chết cũng sẽ đi theo vào làng, như vậy sẽ không mang điều tốt đến cho làng. Các ngôi mộ của người Rơ Măm cũng được sắp xếp có trật tự khi chôn, tránh để người dưới mộ "nhìn" về phía làng. Tuy nhiên, tục lệ ma chay ngày nay của người Rơ Măm cũng đã có những thay đổi tích cực, đó là các gia đình không còn chôn chung người chết như trước…
Có thể thấy, dù cuộc sống còn nhiều khó khăn nhưng hàng ngày, hàng giờ người Rơ Măm làng Le vẫn nỗ lực phát triển kinh tế và luôn cố gắng bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc mình trước những tác động của cơn lốc văn hóa hiện đại đang tràn về.
TH
Theo Dân Tộc Việt
Link nội dung:
https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/kon-tum-nguoi-ro-mam-giu-gin-ban-sac-van-hoa-a947.html