Độc đáo mô hình Cố đô Huế giữa Sài Gòn

Trong khuôn viên rộng 1.000m2, công trình quần thể di tích cố đô Huế được anh Nguyễn Thanh Tùng, một thạc sĩ về lĩnh vực Bưu chính viễn thông, tái hiện lại tạo nên một Ngự Lãm Viên giữa lòng Sài Gòn.



Bên dòng sông Hương thơ mộng, kinh thành Huế được anh Tùng tái hiện theo một trục Bắc – Nam, hai bên có tả Thanh Long (cồn Hến) và hữu Bạch Hổ (cồn Dã Viên).

Công phu

Trong khuôn viên của Ngự Lãm Viên (đường Hoàng Hữu Nam, phường Long Bình, quận 9, TP.HCM), anh Nguyễn Thanh Tùng, chủ nhân của mô hình quần thể di tích cố đô Huế, chia sẻ: “Tôi xây dựng mô hình này chỉ dành cho gia đình và muốn làm cầu nối cho những người con xa quê gốc Huế và những người yêu cố đô Huế, không có ý định bán vé kinh doanh”.

Sau một thời gian dài bỏ công nghiên cứu, tìm tòi sách vở nói về văn hóa, lịch sử Huế; gặp gỡ các nhà nghiên cứu Huế, các chuyên gia về kiến trúc cố đô, các nghệ nhân xưa của Huế… và thậm chí, anh “ăn dầm nằm dề” trong Đại Nội Huế để nghiên cứu, tái hiện lại kiến trúc cả quần thể cung điện, lăng tẩm của kinh thành Huế – di sản văn hóa thế giới.

Những đường nét chạm trổ tinh tế, những đường cong uốn lượn nhẹ nhàng thanh thoát của Hoàng thành Huế: điệnThái Hòa, Ngọ Môn, cung Trường Sanh; Lăng Tự Đức, Minh Mạng... trong Ngự Lãm Viên khiến nhiều khách tham quan bất ngờ thú vị vì có cảm giác kinh thành Huế cổ kính đang hiện ra trước mắt. Công trình quần thể di tích cố đô Huế thu nhỏ đã được anh tái hiện tại TP.HCM với tỷ lệ 1/700 từ sự am hiểu ấy...

Bên dòng sông Hương thơ mộng uốn quanh, kinh thành Huế được anh Tùng tái hiện theo một trục Bắc – Nam, hai bên có tả Thanh Long (cồn Hến) và hữu Bạch Hổ (cồn Dã Viên). Phía trước là núi Ngự Bình án ngữ che chắn cho kinh thành Huế, tạo nên thế Long chầu – Hổ phục, kỳ công đến kinh ngạc.

Ngự Lãm Viên liên lạc ra bên ngoài qua 8 cửa: Đông, Tây, Nam, Bắc, Tây Bắc, Tây Nam, Đông Bắc và Đông Nam. Tất cả được xây dựng theo lối kiến trúc phòng thủ và tấn công – Đông Tây hội ngộ. Trên mặt thành có các khẩu súng thần công oai vệ, chung quanh là hệ thống hào, thành bao bọc rất vững chắc. Xa xa là mô hình tái tạo chùa Thiên Mụ, điện Hòn Chén (nơi thờ đức Thánh Mẫu), lăng tẩm của 4 vị vua mà anh Tùng kính nể: Vua Gia Long, Minh Mạng, Tự Đức và Khải Định.




Mô hình lăng Vua Gia Long trong khuôn viên Ngự Lãm Viên

Mang đậm nét văn hóa

Anh Tùng cho biết thêm: “Ban đầu anh thử nghiệm làm mô hình bằng gỗ trét xi măng bên ngoài. Tuy nhiên khi đưa vào sử dụng thử nghiệm, do thời tiết nên mô hình không đạt yêu cầu. May mắn là anh gặp được một nghệ nhân giúp chế tạo khuôn silicon để làm công trình kiến trúc bằng bột đá Bửu Long, có thể chống chịu thời tiết khắc nghiệt”.

Cũng theo anh Tùng, khi chế tác cửa vào Ngọ Môn, anh làm 5 cửa, 9 mái (tượng trưng cho sự trường cửu – PV) và 100 cái cột (bách cột), trên cửa cũng có lầu chuông và lầu trống, tiếp đến là điện Thái Hòa. Trong “kinh thành Huế” ở Ngự Lãm Viên có điện Cần Chánh – nơi vua làm việc hàng ngày, có cả điện Càn Thành, Thái Bình Ngự Lãm Thư Lâu, rồi có cả Duyệt Thị Đường – (nhà hát cung đình Huế).




Ngự Lãm Viên khi đã lên đèn

Ấn tượng lớn nhất của Ngự Lãm Viên là tái hiện chân thực, tỉ mỉ, tinh tế các công trình trọng yếu của cố đô Huế, nhất là Hoàng thành và Tử cấm thành.

Ngự Lãm Viên giúp nhiều người chưa trực tiếp đến Huế sẽ có cơ hội được chiêm ngưỡng các công trình kiến trúc và vẻ đẹp của cố đô. Với những ai đến Huế rồi thì qua Ngự Lãm Viên là nơi có thể hình dung di sản thế giới này một cách bao quát hơn. Ngoài những người con xa Huế, khách quốc tế, khách tham quan Ngự Lãm Viên đa phần học sinh, sinh viên đến đây với mục đích tìm hiểu lịch sử văn hóa Huế nói riêng và Việt Nam nói chung.


Nghinh Phong

Nguồn: baodulich.net.vn

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/doc-dao-mo-hinh-co-do-hue-giua-sai-gon-a9457.html