“Tình sử” Cao Văn Lầu

Năm 2009, tỉnh Bạc Liêu kết hợp cùng tỉnh Long An, Hội Nghệ sĩ sân khấu, Hội Văn học nghệ thuật các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) tổ chức trọng thể kỷ niệm 70 năm ra đời bài “Dạ cổ hoài lang” (ca vọng cổ) tuyệt tác của sân khấu cải lương Nam bộ với chương trình mít-tinh, hội thảo và biểu diễn nghệ thuật tầm vóc quốc gia… Bài “Dạ cổ hoài lang” cũng chính là “Tình sử” Cao Văn Lầu, câu chuyện tình làm nên bài ca bất hủ.

Tuy là Truyện ký, song hoàn toàn không mang yếu tố sáng tác hư cấu mà c hất liệu làm nên tác phẩm hoàn toàn có thật, được tổng hợp từ các cứ liệu khoa học của cá c báo cáo tham luận của hội thảo… Nhân dịp Festival Đờn ca tài tử toàn quốc lần thứ 2 - Bìn h Dương 2017 xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc truyện ký này.

Đêm tháng hai sao trời vằng vặc. Trăng rằm càng về khuya càng sáng. Căn nhà lá xiêu vẹo của ông bà Chín Giỏi chìm ngập ánh trăng cùng cả xóm chợ Bạc Liêu ngập chìm trong trăng sáng. Tiếng trống cầm canh từ phía chùa Vĩnh Phước vẫn đổ liên hồi, dội lên giữa đêm thanh mung lung hòa đồng cùng ánh trăng như thách đố suy tư sâu thẩm, đưa Sáu Lầu chìm vào ký ức của cõi lòng.




Nhiều du khách rất thích thú và chăm chú lắng nghe nhân viên Khu lưu niệm ĐCTT Nam bộ và Cao Văn Lầu thuyết minh về cuộc đời và sự nghiệp của ông Cao Văn Lầu. Ảnh: L.VĨNH

Đêm nay thật lạ lùng, sao nó dài, bơ vơ và trống trải nhất trên đời, cái ngực như ai chồng lên một quả núi, làm cho hơi thở nặng nhọc, nước mắt thì ráo hoảnh, muốn khóc mà khóc không được. Tất cả đều ứ lại trong người. Ý nghĩ thì cứ tự do sao chép, bôi xóa, phát lại những âm thanh, vui buồn trong đời, nhất là tiếng nói ấm êm hiền lành pha chút đau buồn của vợ mình trong những ngày chung sống. Và những giọt nước mắt trong suốt của nàng long lanh, lăn chầm chậm trên má mỗi lần bị mẹ rầy la trách mắng! Mẹ mình cũng không phải không thương nàng dâu, chỉ sợ gia đình tuyệt tự nên bà cố làm tình, làm tội cốt để nàng không ở được mà thôi mình, chớ lòng bà cũng bứt rứt khổ tâm lắm lắm, có sung sướng gì đâu?

Nhớ một buổi chiều hè oi bức, Sáu Lầu đi mò cua về vừa bước chân vào nhà đã thấy ông bà Giỏi ngồi chờ trên bộ ván. Bà Giỏi đon đả: “Thằng Lầu đã về đó hở con?”. Rồi ông Giỏi tiếp: “Sao bây giờ mới về? Vô nhà cơm nước, tắm rửa gì đi, tao với mẹ mày có chuyện vui nè!”. Nghe nói có chuyện vui, Sáu Lầu nôn nóng muốn nghe nên tắm rửa qua loa rồi ngồi trên bộ vạt chờ nghe ba mẹ phán bảo. Giọng ông Giỏi tha thiết: “Tao với má mày mới đi coi mắt con nhỏ trên Điền Tư Ô, con nhỏ cũng đẹp người, đẹp nết. Gia đình cũng “môn đăng hộ đối” nghèo như nhà mình. Nó đang ở đợ cho Tư Ô. Mối lái xong rồi, ngày mai đi bỏ hàng rào thưa.

- Tiền đâu mà làm đám hở tía?

- Má mày đi hỏi bạc của bà hương sư Chơn. Bà cho vay 80 đồng, mỗi đồng lời hai xu một ngày.

Thấy con chưa hết băn khoăn, ông Giỏi an ủi: “Nợ lần lần mình tính. Tao với má mày đã nghĩ kỹ rồi, đừng có cãi”. Nói xong, ông đứng dậy đi ra ngoài và quay lại dặn: “Cho bạn bè con hay đi, tao vô xóm mượn khay trầu rượu để ngày mai đi sớm!” .

Sáu Lầu bật cười một mình! Vợ mình là ai? Mặt mũi ra sao? Tính nết thế nào? Ba, má đã định rồi sao dám cãi… Rồi đám cưới cũng đươc tiến hành suôn sẻ, cũng vui. Vợ chồng ăn ở cũng thuận hòa. Vợ mình cũng đẹp người, đẹp nết và làm ăn giỏi giang. Có lẽ ông trời xui khiến hay có duyên, có nợ số kiếp cho nên hai đàng gặp nhau, vậy mà tâm đầu ý hợp mới lạ. Càng lạ thay cô gái Tư Ô được lòng cha mẹ hiếm có. Ông bà Giỏi cưng con dâu như cưng trứng mỏng. Xóm ấp ai cũng trầm trồ khen ngợi: “Vợ chồng ông Giỏi thật có phước nên cưới được con dâu giỏi giang, hiền lành, kính trên, nhường dưới. Con của ai mà khéo dạy” .

Nhưng rồi nỗi buồn dẫn đến tan đàn xẻ nghé manh nha. Hơn ba năm vợ chồng sinh sống thuận hòa, nàng dâu làm lụng giỏi giang, thức khuya dậy sớm mà chẳng có dấu hiệu chửa đẻ gì. Trước bà Giỏi cưng con dâu bao nhiêu thì nay bà chán ghét bấy nhiêu. Nó là mối hao tuyệt tự của gia đình này. Ban đầu bà còn “mắng chó chửi mèo”, nói xa, nói gần… Riết rồi bà kêu tên tộc con dâu chửi thẳng vào mặt, đánh đập và đuổi đi, bắt nàng dâu phải ly dị với con mình. Năm tuổi Sáu Lầu đã sống nhờ cửa phật, đã là chú tiểu chùa Vĩnh Phước, nên mặc dù rất yêu thương vợ, nhưng Sáu Lầu cũng không dám cãi lệnh của mẹ, chỉ còn cách hẹn lần, hẹn lựa để kéo dài thời gian cho một cuộc xẻ nghé chia đàn…


Trọng Đạt

Nguồn: Báo Bình Dương

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/tinh-su-cao-van-lau-a9456.html