Khu di tích Tràng Kênh - Điểm sáng hội tụ nhiều tinh hoa dân tộc

Khu di tích Tràng Kênh, Bạch Đằng, Thủy Nguyên (Hải Phòng) có dòng sông Bạch Đằng lịch sử ghi dấu 3 trận thắng oanh liệt, vang dội, hiển hách; nơi thờ ba vị anh hùng: Ngô Vương Quyền, Đức vua Lê Đại Hành và Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn.



Ba vị tiên liệt Tổ Trung ương của nước ta Ngô Vương Quyền, Đức vua Lê Đại Hành và Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn

Theo di chỉ Tràng Kênh năm 938, Ngô Quyền đã đại thắng quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng lần thứ nhất, sau đó kéo quân trở về lập lên triều Ngô, kết thúc trên 1.000 năm thống trị tàn ác của phong kiến phương Bắc.

Lần đầu tiên và từ đây, thể thống quốc gia, sợi dây quốc thống sau hơn 1.000 năm bị đứt mất vào thời An Dương Vương năm 179 trước công nguyên, sự lên ngôi ở Cổ Loa mùa xuân năm 939 của Đức Vương Ngô Quyền đã nối lại, đó là sự kiến có một không hai trong lịch sử nhân loại.




Trận địa cọc trên sông Bạch Đằng

Năm 981, Lê Đại Hành Hoàng Đế đã tái tạo trận Bạch Đằng lần thứ hai, chống quân Tống xâm lược bình Chiêm, xây dựng nước Đại Cổ Việt đứng bên đại Hán.

Đến năm 1288, Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn, với tài thao lược, chí dũng song toàn luôn đặt lợi ích dân tộc lên trên. Ba lần kháng chiến chống quân Nguyên Mông, ngài đều được các vua Trần giao quyền Quốc Công Tiết Chế - Tổng chỉ huy các lực lượng vũ trang quân dân Đại Việt, cản phá quân thù hung bạo mà vó ngựa đã dày xéo khắp Á, Âu. Cả 3 lần đều chiến thắng, quân Nguyên Mông bị thất bại kinh hồn lạc phách, đặc biệt trận trên sông Bạch Đằng ngày 9/4/1288, chỉ trong một ngày đã chôn gọn 6 vạn quân giặc, 600 chiếc thuyền do Ô Mã Nhi cầm đầu, kết thúc cuộc chiến tranh xâm lược lần thứ 3 của đế chế Nguyên Mông giữ vững độc lập, tự chủ và mở ra nền văn hóa Đông Á rực rỡ.

Để ghi nhớ công lao to lớn các trận đánh trên sông Bạch Đằng của các bậc tiên liệt vì non sông, đất nước, phát huy truyền thống uống nước nhớ nguồn, Công ty Xi măng Hải Phòng và Công ty Đức Khánh cùng các nhà hảo tâm công đức xây dựng thành cụm văn hóa truyền thống linh thiêng gồm đền thờ vị tổ Trung ương của nước ta Đức vua Ngô Quyền; Linh từ Tràng Kênh Vọng Đế thờ Đức Hoàng đế Lê Đại Hành; Linh từ Tràng Kênh thờ Đức Thánh Trần Hưng Đạo; trên núi Phượng Hoàng xây Trúc Lâm tự Tràng Kênh thờ Đức Phật tổ Như Lai, Đại Ma, Bồ Tát, Phật Hoàng Trần Nhân Tông, người lãnh đạo cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông lần thứ hai và thứ ba cùng các môn đệ sáng lập phái Thiền Tông Trúc Lâm Yên Tử của Phật giáo Việt Nam.

Quần thể di tích Tràng Kênh nằm trên vùng đất Việt cổ thuộc di chỉ Tràng Kênh bên dòng sông Bạch Đằng lịch sử. Khu di tích này nằm trong khu di tích lịch sử và danh thắng Yên Tử - Tràng Kênh - Bạch Đằng đã được xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt để khách thập phương về đây tụ hội, hấp thụ hồn thiêng dân tộc.

Núi sông Tràng Kênh - Bạch Đằng hùng vĩ, điệp trùng có nhiều hang động đá vôi trông như một Hạ Long trên cạn, các dòng sông quanh co, uốn khúc lượn sát chân núi rồi chảy về sông Bạch Đằng, cửa Nam Triệu, biển Đông vùng Đông Bắc Tổ quốc; là nơi án ngữ con đường xâm lăng xuống phía Nam của các thế lực phương Bắc. Thủy triều lên xuống có Ghềnh Cốc nước chảy xiết, có chỗ lòng sông mênh mông, hai bên bờ núi non hiểm trở, những bãi sú vẹt rậm rạp, um tùm.

Tràng Kênh, Bạch Đằng có nhiều di tích lịch sử như đền thờ Trần Quốc Bảo và các đền thờ tướng lĩnh: Phạm Hữu Điều, Vũ Nạp nằm giữa đồi, có nhiều cảnh đẹp, thiên nhiên kỳ thú như: Núi con Hươu, núi Phượng Hoàng, núi Rùa, núi Mỏ vịt, núi Áng Vàng, núi Một, núi Quả Thị, núi Quả Chuông, núi Lò Rượu xung quanh là nhiều địa danh nổi tiếng như: Lưu Kiếm, Lưu Kỳ, hang Lương, hang Vua đều được lịch sử ghi nhận.

Di chỉ Tràng Kênh lưu giữ nhiều công cụ của người Việt cổ, nơi giao thoa văn hóa của người miền núi, ở cách cung Đông Triều với người miền biển của văn hóa Hạ Long của các bộ tộc Âu Việt và Lạc Việt, những cư dân đầu tiên của văn minh Văn Lang và Âu Lạc với nền văn hóa Hạ Long – Đông Sơn.

Nơi đây, Bạch Đằng - Tràng Kênh từ thế kỷ thứ 10 đến thế kỷ thứ 13 đã diễn ra 3 trận quyết chiến của dân tộc ta, cả ba lần đều dùng trận địa cọc, cả ba lần đểu chỉ xảy ra trong một ngày, một con nước sáng lên, chiều xuống tiêu diệt gọn quân thù, bắt sống, chém chủ tướng giặc, làm quân thù dù Hán, Tống, Nguyên đều bạt vía kinh hồn.

Bạch Đằng - Tràng Kênh thật là một địa danh hào hùng, oanh liệt trong lịch sử trường tồn của dân tộc “Vạn cổ Bạch Đằng lưu chính khí”, luôn lưu giữ hồn thiêng dân tộc “Giang san vượng khí Bạch Đằng thâu”. Đây là niềm tự hào độc đáo của nhân dân TP Hải Phòng mà không phải nơi nào cũng có, tính đề cao truyền thống yêu nước, tự tôn dân tộc, quyết tâm bảo vệ chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc.




Bia di tích lịch sử

Anh Nguyễn Văn Nghì là du khách đến từ TP Hồ Chí Minh cho biết: Khi đến Di tích Tràng Kênh tôi thấy địa lý chiến lược đặc biệt, nơi đây nhiều nhân sỹ, nhà lãnh đạo đất nước đã về hội tụ để hấp thụ hồn thiêng sông núi, vạch ra những quyết sách anh minh. Mỗi đền thờ đều được quy hoạch có khuôn viên rộng rãi, sạch sẽ, thoáng mát thanh tịnh và linh thiêng.

"Tôi đi du lịch cũng nhiều nơi nhưng chưa có nơi nào có phong cách phục vụ lịch sự, tốt như ở nơi đây: Khi khách đến khu di tích có nhà khách nghỉ ngơi, uống nước trà, ăn bánh, kẹo, ngắm tranh và không có bất kỳ một phí dịch vụ nào, đúng nghĩa khu di tích lịch sử văn hóa truyền thống", anh Nghì chia sẻ.    


Kim Thành

Nguồn: thanhtra.com.vn

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/khu-di-tich-trang-kenh-diem-sang-hoi-tu-nhieu-tinh-hoa-dan-toc-a9416.html