Nhiều tư liệu quý về văn học dân gian tỉnh Hậu Giang

Hoàn thành sau 6 năm thực hiện, đề tài nghiên cứu khoa học “Văn học dân gian Hậu Giang”, do thạc sĩ Hà Hồng Vân, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cộng đồng Hậu Giang, làm chủ nhiệm, đã thu được những kết quả khả quan.



 Quang cảnh buổi nghiệm thu công trình nghiên cứu khoa học.

 
Hơn 20 năm trước đã có công trình nghiên cứu văn học dân gian ĐBSCL của tập thể giảng viên bộ môn ngữ văn, Trường Đại học Cần Thơ. Nhiều thế hệ sinh viên đã cùng góp công vào công trình nghiên cứu khá đồ sộ này, khi đã đi sưu tầm trong nhân dân những câu ca dao, dân ca, hò, vè… Rồi đến những công trình về ca dao, dân ca, lý của nhạc sĩ Lư Nhất Vũ và nhà thơ Lê Giang. Tất cả đã phần nào khái quát được diện mạo của văn học dân gian cả nước nói chung, ĐBSCL nói riêng. Tuy nhiên, những người nặng lòng với văn học dân gian ở Hậu Giang vẫn mong muốn có một công trình nghiên cứu riêng, để có thể dùng những tư liệu có được phục vụ công tác nghiên cứu, đề xuất hướng phổ biến những giá trị văn hóa mang đậm bản sắc dân tộc và đặc trưng riêng của từng vùng, miền. Từ đó, góp phần gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của tỉnh Hậu Giang. Nhóm nghiên cứu, là những giảng viên Trường Cao đẳng Cộng đồng Hậu Giang, đã tiến hành xây dựng đề tài nghiên cứu khoa học “Văn học dân gian tỉnh Hậu Giang”, với cách sưu tầm các sáng tác văn học dân gian tại 7 huyện, thị, thành trong tỉnh, từ trước năm 1945, từ 1945-1975 và từ 1975 đến nay. Với sự hỗ trợ tích cực từ đội ngũ sinh viên của trường, đề tài đã dần hoàn thành trong niềm vui của những người thực hiện.
 
Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cộng đồng Hậu Giang Hà Hồng Vân chia sẻ, lúc bắt tay vào thực hiện, ai cũng hăm hở nghĩ sản phẩm thu được sẽ rất nhiều. Mong muốn lớn nhất của những người làm nghiên cứu như chúng tôi còn là tìm kiếm, phân loại các tác phẩm, để từ đó làm sáng tỏ đặc trưng của vùng đất Hậu Giang với điều kiện tự nhiên, xã hội, tính cách, tư duy, ngôn ngữ sử dụng mà người dân nơi đây thể hiện trong sáng tác truyền miệng. Tuy nhiên, khi bắt tay vào thực hiện, đã vướng phải việc tìm ra những câu đã từng xuất hiện trong các công trình nghiên cứu trước đây. Mà đã nghiên cứu thì phải tìm những câu hoàn toàn mới, chưa từng xuất hiện trong các tài liệu nghiên cứu. Vì thế, không chỉ thời gian kéo dài, với hơn 1.400 tác phẩm thu được, sau khi chắt lọc, chỉ còn 391 tác phẩm cô đọng nhất. Những tác phẩm này được nhóm nghiên cứu sưu tầm bằng nhiều hình thức: nghe kể chép lại, thu âm, ghi hình, phát phiếu điều tra, phỏng vấn trực tiếp… Sau đó, dùng nhiều phương pháp chuyên ngành phân tích, tổng hợp để nhận xét, đánh giá và phân loại theo các thể: văn xuôi (truyện cười, truyện ngụ ngôn, cổ tích, địa danh, danh nhân), văn vần (ca dao, dân ca, tục ngữ, hò, vè, câu đối, câu đố). Từ đó, nhóm nghiên cứu đưa ra kết luận: văn học dân gian Hậu Giang có những giá trị riêng, như dòng chủ lưu trong trẻo và sâu lắng, mang đậm chất vùng, miền, góp phần tạo nên nét đẹp văn hóa riêng cho đất và người nơi đây, cùng góp phần vào dòng chảy văn học dân gian của ĐBSCL và cả nước. Hậu Giang là vùng đất còn chứa đựng biết bao điều kỳ diệu ở con người: sức sống, tình yêu, sự uyên bác, tế nhị, khiêm nhường… Người Hậu Giang hiền lành, chất phác, chịu thương, chịu khó, kiên cường. Văn học dân gian tỉnh Hậu Giang đa dạng, phong phú và hấp dẫn…
 
Đề tài nghiên cứu đã xong và được nghiệm thu. Niềm vui của những người nghiên cứu, những người yêu thích dòng văn học dân gian Hậu Giang là đã tìm ra được những tác phẩm hay. Nhóm nghiên cứu chia sẻ, văn học dân gian là thể loại truyền miệng, nên có nhiều dị bản. Khi tìm được những câu, như: “Cần chi cá lóc, cá trê/ Thịt chuột, thịt rắn nhậu mê hơn nhiều” hay “Công danh chi nữa mà chờ/ Về kinh Long Phụng đặt lờ nuôi em”; hoặc những truyện dân gian về địa danh: Xẻo Môn, Sậy Niếu, Kinh Mười Thước, Tầm Vu… là rất mừng vì biết ngay ở Hậu Giang… Từ đây, đề tài cũng có “sức nặng” hơn. Tuy nhiên, trong khuôn khổ một công trình nghiên cứu, tác phẩm thu được vẫn còn ít và chắc rằng chưa thể sưu tầm hết. Từ đó, công trình này vẫn cần có sự chung tay của các cơ quan, đơn vị có liên quan để tiếp tục sưu tầm, bằng việc tổ chức cuộc thi sưu tầm tác phẩm dân gian rộng rãi ở các địa phương trong tỉnh, để bổ sung, làm cho tác phẩm đa dạng, phong phú và diện mạo về nền văn học dân gian toàn diện hơn. Bên cạnh đó, phổ biến những tác phẩm văn học dân gian này trong hệ thống nhà trường, để góp phần nâng cao kiến thức, nuôi dưỡng tâm hồn của thế hệ học sinh cũng là điều cần thiết trong thời gian tới.
 
Theo VĨNH TRÀ/Tin Tức Miền Tây

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/nhieu-tu-lieu-quy-ve-van-hoc-dan-gian-tinh-hau-giang-a941.html