20/03/2017 10:51
20/03/2017 10:51
Đền Thượng Đẳng Thần tại làng "nói khoác"
Đến với xã Văn Lương (huyện Tam Nông), địa danh nổi tiếng với tục “nói khoác” từ xưa, mọi người đều trầm trồ trước quần thể đền cổ và cây đa cổ thụ đồ sộ nơi đây. Đền thờ có tên Thượng Đẳng Thần, thờ ba vị tướng tài đã có công giúp vua Hùng thứ 18 (Hùng Duệ Vương) bảo vệ đất nước trong cuộc nội chiến Hùng – Thục là : Đệ nhất Tản Viên Sơn đại vương, đệ nhị Cao Sơn đại vương, Trung Sơn đại vương đệ tam.
Đền Thượng Đẳng Thần tại xã Văn Lương, huyện Tam Nông.
Theo truyền thuyết và ngọc phả ghi chép tại đền thì vào thời Hùng Duệ Hương có Tản Viên Sơn Thánh là con rể của vua, tài đức vẹn toàn đã giúp cho đất nước thái bình thịnh trị, nhân dân ấm no. Thời đó, Tản Viên Sơn Thánh trong những chuyến ngao du vi hành khắp đất nước đã thu nạp được ba người tướng tài, sức vóc hơn người, dũng mãnh, trung thành là hai anh em Cao Sơn – Qúy Minh và chàng trai tên Sơn. Ba vị tướng tài kể trên đã giúp sức cho Tản Viên Sơn Thánh bảo vệ bờ cõi đất nước trước những cuộc xâm lăng của nước Thục. Để ghi nhớ công lao của Tản Viên Sơn Thánh cùng với ba vị tướng tài, vua Hùng đã ban sắc ban cấp cho trang Thanh Uyên, Văn Lang ( nay là xã Văn Lương ) được muôn đời thờ phụng và trùng tu miếu thờ Tam Vị Thượng Đẳng Thần.
Đền Thượng Đẳng Thần tại xã Văn Lương nằm ở vị trí sườn của đồi Tròn, xung quanh là đầm nước với tên gọi xưa là Bạch Thủy Liên Trì. Đền được xây dựng theo hướng Nam trên diện tích 780m2, với kiến trúc chữ Nhất. Trước đền là đường làng chạy quanh theo sườn đồi, phía dưới là những ô ruộng, những quả đồi xanh thẫm. Hai bên trái phải là những cây cổ thụ tán vươn cao, cành lá tỏa rộng khắp sân đình và đường làng tạo nên vẻ uy nghi cổ kính cho nơi đây.
Không biết bao nhiêu thế hệ người dân làng Văn Lang đã lớn lên và vui đùa dưới tán cây cổ thụ của đền Thượng Đẳng Thần. Ông Hán Xuân Hạnh – Đội trưởng đội văn nghệ còn kể lại với chúng tôi về những ngày tập hát phục vụ hội làng, biểu diễn trò vui “nói khoác” truyền thống tại đây. Ông cho biết, quần thể đền và cây cổ thụ Đền Thượng Đẳng Thần đã gắn bó chặt chẽ với đời sống văn hóa tâm linh, sinh hoạt của người dân nơi đây. Người đi xa quê về tới làng, nhìn thấy bóng cây cổ thụ cạnh mái đền là đã thấy thân thương, bồi hồi xúc động.
Không chỉ vậy, mỗi năm vào dịp xuân thu kỉ niệm ngày sinh của Đức Thánh Tản Viên (15/1 âm lịch) và kỉ niệm ngày đoàn quân thắng trận trở về (10/9 âm lịch), người dân tại đây còn tổ chức tế lễ long trọng, dùng xôi, rượu mộng, hát xướng một đêm, trong những ngày tiệc có rước kiệu và nhiều trò chơi dân gian khác.
Đền Thượng Đẳng Thần đã trở thành một nét văn hóa riêng biệt, ghi dấu ấn sâu đậm trong cuộc đời bình dị của mỗi người dân thôn quê tại xã Văn Lương. Đảng ủy, chính quyền và nhân dân Văn Lương trong những năm qua đã có nhiều hoạt động thiết thực để bảo tồn vẹn nguyên kiến trúc của đền, thể hiện sự gắn bó tri ân, đạo lý “uống nước nhớ nguồn” với các vị tiền nhân đã có công dựng xây và bảo vệ đất nước.
Trà My
Nguồn: Báo Phú Thọ
Link nội dung:
https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/den-thuong-dang-than-tai-lang-noi-khoac-a9398.html