Khánh thành khu căn cứ Tỉnh ủy Bạc Liêu

Khu căn cứ Tỉnh ủy Bạc Liêu trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược là căn cứ địa vững chắc của cách mạng.

Chào mừng kỷ niệm 85 năm ngày thành lập Đảng cộng sản Việt Nam, ngày 3/2, tỉnh Bạc Liêu đã tổ chức khánh thành khu căn cứ Tỉnh ủy Bạc Liêu (còn gọi là khu căn cứ Cái Chanh) thuộc ấp Cây Cui, xã Ninh Thạnh Lợi, huyện Hồng Dân, đồng thời công bố Quyết định của Bộ Văn hóa- thể thao và Du lịch xếp hạng là di tích lịch sử Quốc gia.

Khu căn cứ Tỉnh ủy Bạc Liêu trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược là căn cứ địa vững chắc của cách mạng.

Từ tháng 10/1949 đến năm 1954 là nơi đóng căn cứ của một số cơ quan Nam bộ; là địa bàn hoạt động của các đồng chí là lãnh đạo phong trào cách mạng miền Nam như: Lê Duẩn, Lê Đức Thọ, Phạm Hùng, Ung Văn Khiêm, Nguyễn Thượng Vũ, Nguyễn Văn Nguyễn, Võ Văn Kiệt…




Cắt băng khánh thành Di tích lịch sử Quốc gia Khu căn cứ Tỉnh ủy Bạc Liêu 

Bước sang giai đoạn kháng chiến chống Mĩ cứu nước, khu vực Cái Chanh vẫn là vùng giải phóng rộng lớn, là địa bàn tới lui hoạt động của các đồng chí lãnh đạo Khu ủy khu Tây Nam bộ, Tỉnh ủy Bạc Liêu và sau nữa là Tỉnh ủy Sóc Trăng; nơi đặt căn cứ của một số cơ quan, ban ngành tỉnh và là nơi đóng quân của các đơn vị bộ đội chủ lực của ta.

Đến tháng 11/1973, khi tỉnh Bạc Liêu được tái lập, Tỉnh ủy tiếp tục chọn Cái Chanh làm nơi đặt căn cứ.

Nơi đây không chỉ là địa bàn hoạt động mà còn làm nơi tổ chức học tập, quán triệt, cụ thể hóa các Nghị quyết, Chỉ thị của Bộ Chính trị, Trung ương Cục miền Nam, khu ủy Tây Nam bộ để đề ra các Nghị quyết, Chỉ thị của Tỉnh ủy nhằm lãnh đạo phong trào cách mạng của tỉnh nhà.

Từ khu căn cứ này, Tỉnh ủy Bạc Liêu tập trung lãnh đạo đánh bại kế hoạch bình định, càn quét lấn chiếm và cướp rút lui của địch, huy động tổng lực để giải phóng tỉnh nhà.

Khu căn cứ Tỉnh ủy Bạc Liêu được phục hồi, tôn tạo trên diện tích mặt bằng là 37.000 m2, với tổng mức đầu tư gần 30 tỷ đồng, bao gồm nhiều hạng mục như: Cổng hàng rào, sân khánh tiết, bến thuyền, bãi đậu xe, nhà trưng bày hình ảnh hiện vật, sân khấu ngoài trời, nhà bia kỷ niệm, nhà ở và làm việc của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, nhà làm việc của Văn phòng Tỉnh ủy, nhà bếp, kho lúa, hội trường, một số hầm bí mật, hầm tránh pháo…/.

Theo Tấn Phong/VOV-ĐBSCL

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/khanh-thanh-khu-can-cu-tinh-uy-bac-lieu-a938.html