Cửa ải Hoành Sơn Quan
Dấu tích lịch sử
Di tích Hoành Sơn Quan vốn là một cái cổng bằng gạch đá được xây dựng dưới thời vua Minh Mạng vào năm 1833 để kiểm soát những chuyến qua đèo. Với người dân hai tỉnh này thì quen gọi đây là Cổng trời, có nghĩa là điểm cao nhất.
Trước ngày có con đường Bắc – Nam nối liền, người dân nơi đây đã dùng đá núi để làm nên con đường bằng đá kỳ vĩ. Con đường nối từ chân núi bên tỉnh Hà Tĩnh chạy qua Hoành Sơn Quan rồi xuống chân Đèo Ngang ở Quảng Bình.
Để đặt chân lên được Hoành Sơn Quan, du khách phải vượt qua hàng nghìn bậc đá uốn theo sườn núi đầy thử thách. Nhưng khi đặt chân lên Cổng trời mới nhận thấy quãng đường đó thật quý giá. Trước mắt là núi non trùng trùng điệp điệp kéo dài tận chân trời, phía xa là những đồng bằng ruộng lúa, những làng mạc yên bình, và dưới chân là những con đường uốn lượn theo dãy Hoành Sơn. Một bức tranh mênh mông đất trời làm thỏa chí tang bồng của bao lữ khách.
Trở về lịch sử, 450 năm trước, câu nói đầy ẩn dụ của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491 - 1585) nói với chúa Nguyễn Hoàng (1542 - 1613) sau khi người anh ruột của ông là Nguyễn Uông đã bị anh rể Trịnh Kiểm giết chết: “Hoành Sơn nhất đái, vạn đại dung thân”.
Câu nói như là một dẫn dắt, liên quan đến cả vận mệnh dân tộc. Sự tranh giành quyền lực của họ Trịnh đã tạo nên một biến động lớn để đưa Nguyễn Hoàng vào đất Thuận Hóa (1558), đến nơi “ô châu ác địa”, Đoan Quốc Công Nguyễn Hoàng đã thực sự tự nguyện đi đày. “Ở nơi ấy, Nguyễn Hoàng không thể tranh chấp quyền hành với mình”, nghĩ như thế nên Trịnh Kiểm đã đồng ý để vua Lê cử ông đi ngay. Và cũng nhờ thế, từ thời điểm đó, lịch sử Việt Nam đã mở ra một trang sử mới cho sự phát triển Tổ quốc: đất nước đã được mở rộng vầ tận phương Nam.
Trong nền văn học Việt Nam, có rất nhiều bài thơ viết về Hoành Sơn Quan, nhưng tiêu biểu nhất vẫn là bài thơ bằng chữ Hán của Cao Bá Quát:
Địa biểu lập sàn nhan,
Liêu phong đáo hải gian.
Bách niên khan cổ luỹ,
Thiên lý nhập trùng quan.
Túc điểu sơ đầu thụ,
Quy vân bán ủng san.
Trì trì Tô quý tử,
Cửu tệ vị tri hoàn
Tạm dịch:
Núi cao thế đất uy nghiêm
Trùng trùng điệp nối liền biển khơi
Thành xưa trăm tuổi dựng xây
Đường xa ngàn dặm đi vào ải quan
Chim chiều tìm tổ về rừng
Mây bay nửa cánh ôm vòng sườn non
Chàng Tô còn mãi bôn chôn
Áo cừu đã rách về không hẹn ngày
Qua bài thơ đó ta có thể cảm nhận được vẻ đẹp, nét uy nghiêm của Hoành Sơn Quan mỗi lần du khách đặt chân viếng cảnh.
Phong cảnh tuyệt đẹp nhìn từ đỉnh Hoành Sơn
Những năm kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ. Hoành Sơn Quan là điểm chịu nhiều bom đạn của quân địch, chúng ra sức đánh phá ngày đêm nhằm phá con đường độc đạo xuyên suốt hai miền Nam – Bắc này. Nơi đây đã ghi dấu không biết bao chiến công hiển hách, Hoành Sơn Quan trở thành biểu tượng cho tình thần bất khuất, quật cường để giữ vững huyết mạch giao thông.
Với những công lao đó, Hoành Sơn Quan được công nhận là di tích lịch sử – văn hóa cấp tỉnh từ năm 2005.
Di tích đang… “cầu cứu”
Hoành Sơn Quan đẹp, uy nghiêm là vậy. Nhưng hiện nay đang ngày càng xuống cấp trầm trọng, vắng bóng du khách tới tham quan. Việc đào bới di tích, lập am miếu tự do trên đỉnh Hoành Sơn là do thiếu sự thống nhất về ranh giới địa lý của hai tỉnh Quảng Bình và Hà Tĩnh là nguyên nhân chính dẫn tới việc di tích lịch sử ngày càng bị quên lãng, trở thành tình trạng “Cha chung không ai khóc”.
Trước kia, ranh giới Hải Vân Quan nằm trên Đèo Hải Vân, thuộc 2 tỉnh Thừa Thiên Huế và Đà Nẵng, cũng vì ranh giới địa lý mà bỏ mặc cho thiên nhiên. Nhưng hiện nay đã có sự thống nhất đồng bộ về di tích, 2 tỉnh cùng nhau làm tốt công tác bảo tồn và trùng tu di tích. Tại sao 2 tỉnh Quảng Bình và Hà Tĩnh không làm được như vậy?. Các cơ quan ban nghành hai tỉnh cần có biện pháp thống nhất về di tích, để xếp hạng, phục dựng và bảo tồn di tích ngày càng tốt hơn, Hoành Sơn Quan trở thành địa điểm lý tưởng cho du khách mỗi lần tới tham quan Đèo Ngang.
Ngô Sinh