16/03/2017 08:11
16/03/2017 08:11
Làn gió mới đờn ca ở Ninh Thuận
Tuy là một tỉnh duyên hải nằm ở cực Nam Trung bộ, nhưng với niềm đam mê và quyết tâm phát huy những giá trị tuyệt vời của bộ môn nghệ thuật di sản, Ninh Thuận đã góp thêm cho đờn ca tài tử (ĐCTT) những làn gió mới rất thú vị.
Làn gió đờn ca ngọt ngào
Tiếp chúng tôi trong những ngày đầu xuân nắng đẹp, ông Đinh Xuân Hương, Giám đốc Trung tâm Văn hóa tỉnh Ninh Thuận đã kể cho chúng tôi nghe về những “làn gió” mát lành, dịu nhẹ mà phong trào ĐCTT đã thổi đến nơi đây. Ông Đinh Xuân Hương nói, ở Ninh Thuận, phong trào ĐCTT đã có từ rất sớm, phát triển mạnh ở TP.Phan Rang - Tháp Chàm, huyện Ninh Hải và Ninh Phước vào những năm đầu giữa thế kỷ XX. Từ những tín hiệu nhen nhúm ban đầu của hơn nửa thế kỷ trước, vào đầu những năm 90, đã hình thành nên đội ngũ những tài tử đờn, tài tử ca mà sự đóng góp của họ được ghi nhận đến hôm nay.
Đoàn nghệ nhân Ninh Thuận tham gia Festival Đờn ca tài tử Quốc gia lần thứ I - Bạc Liêu 2014
Lật những trang ảnh ghi lại những khoảnh khắc của các cuộc hội ngộ ĐCTT giữa Ninh Thuận với các tỉnh, thành phố bạn, ông Đinh Xuân Hương nói tiếp: Về tài tử đờn có thể kể đến các nghệ nhân: Bảy Thân, Thiện Đức, Hoàng Đỗ, Quang Hiệp, Thanh Danh, Thanh Phận… là những tài tử đờn có ngón đàn không thua kém những tài tử đàn anh ở “Đất tổ phương Nam”. Có dịp tận mắt nhìn các tài tử đờn tung hứng, biểu diễn trên cây kìm, cây cò hay cây guitar phím lõm… mới thấy sự dày công rèn luyện, dạy dỗ của các thầy đờn, các bậc tiền bối đã truyền nghề cho những tài tử hôm nay. Tài tử ca, có thể kể đến: Ngọc Thạnh, Ngọc Hưởng, Kim Phượng, Trang Đài, Từ Vĩnh, Bích Lam… Các anh, chị là những người lao động bình thường, đang bươn chải giữa chợ đời để kiếm sống, nhưng trong lòng có một niềm đam mê những câu hát với ngâm, ngân, luyến, hò… đầy quyến rũ, mê hoặc. Nghệ thuật ĐCTT đã đến và ngự trị trong lòng công chúng đam mê nghệ thuật dân tộc ở Ninh Thuận.
Kể về những bước phát triển khá tốt của ĐCTT Ninh Thuận đang ngày càng đáp ứng nhu cầu thưởng thức của nhân dân lao động, ông Đinh Xuân Hương cho biết, ngoài Câu lạc bộ (CLB) ĐCTT Trung tâm Văn hóa tỉnh, còn có các nhóm, CLB khác đang sinh hoạt tại gia đình, khu phố như: CLB ĐCTT phường Đạo Long (TP.Phan Rang - Tháp Chàm), nhóm ĐCTT của gia đình ông Sáu Ngà tại thị trấn Phước Dân (huyện Ninh Phước) và nhiều nhóm hoạt động riêng lẻ tại huyện Ninh Hải… Trong các buổi sinh hoạt định kỳ của các nhóm, CLB luôn có sự tham gia đông đảo những người yêu thích bộ môn nghệ thuật này. Với họ, đến tham dự với ước mong, trước là được nghe những tiếng đờn, tiếng ca của những người đi trước mà mình từng hâm mộ, sau nữa là xin được thọ giáo các thầy những câu ca, tiếng đờn ngọt ngào mà mình hằng đam mê, mong đợi.
Quyết tâm giữ nhịp song loan trên đất Tháp
Tuy là những “làn gió” mát lành, nhẹ dịu nhưng ĐCTT đã để lại trong lòng người dân đất Tháp nhiều cảm xúc tự hào về những giá trị độc đáo của bộ môn nghệ thuật truyền thống được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Vì vậy, hòa cùng tinh thần của 20 tỉnh, thành phố bạn, Ninh Thuận quyết tâm giữ gìn và phát huy những giá trị độc đáo này. Theo đó, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch đang xây dựng Đề án “Bảo tồn và phát triển nghệ thuật ĐCTT trên địa bàn tỉnh. Ông Đinh Xuân Hương cho biết thêm, hiện toàn tỉnh có khoảng 20 CLB, nhóm ĐCTT. Phần lớn tập trung ở TP.Phan Rang - Tháp Chàm, số còn lại thì ở các huyện ven biển. Năm 2015, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã tổ chức Liên hoan ĐCTT và cải lương lần thứ I với gần 80 tài tử đờn, ca của 8 CLB, nhóm ĐCTT - cải lương trong tỉnh tham gia. Qua liên hoan, các nghệ nhân, tài tử đã có dịp giao lưu hòa ca, hòa đờn, qua đó nâng cao những ngón đờn, giọng ca, bổ sung vào đội nghệ nhân nòng cốt của tỉnh tham gia các liên hoan, hội thi trong khu vực và toàn quốc. Ngoài việc tổ chức liên hoan 2 năm/lần, Ninh Thuận còn tổ chức nhiều chương trình giao lưu ĐCTT tại Trung tâm Văn hóa tỉnh, hay tại các CLB trong TP.Phan Rang - Tháp Chàm.
Chuẩn bị tham gia Hội thi Nghệ thuật ĐCTT Nam bộ trong Festival ĐCTT Quốc gia lần 2 - Bình Dương 2017, ông Đinh Xuân Hương cho biết, chương trình lần này có tên là “Ngọt ngào tiếng đờn - câu ca quê hương Ninh Thuận”. Chương trình gồm 2 tiết mục hòa tấu và 4 tiết mục tài tử ca ngợi tình yêu quê hương đất nước, biển đảo, lứa đôi trong sáng… Các nghệ nhân tham gia festival lần này sẽ bao gồm những thành viên nòng cốt của CLB ĐCTT Trung tâm Văn hóa tỉnh. Ngoài ra, Ninh Thuận còn đang thiết kế trang trí cho Không gian ĐCTT Nam bộ với chủ đề “Nhịp song loan trên đất Tháp”. Dưới mô hình trái măng cụt khổng lồ sẽ là những hình ảnh về phong trào ĐCTT Ninh Thuận, những giàn nho lủng lẳng, bụi xương rồng, cây tre xanh… cùng những hình ảnh nhà lá, tháp Chăm. Với sự hăng hái tập luyện của các nghệ nhân và sự say mê chuẩn bị tham gia tất cả các hoạt động trong festival ĐCTT Quốc gia lần 2 - Bình Dương 2017, Ninh Thuận hứa hẹn sẽ mang đến festival những “làn gió” đờn ca với những màu sắc dân tộc mới lạ, hấp dẫn.
Minh Hiếu - Sơn Ngọc
Nguồn: Báo Bình Dương
Link nội dung:
https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/lan-gio-moi-don-ca-o-ninh-thuan-a9302.html