Ông Mùa Nhìa Vừ - Chủ tịch UBND xã
Trong năm 2014 sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp đạt kết quả tốt. Cơ cấu kinh tế nông nghiệp chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng rau quả, cây công nghiệp, chăn nuôi, thủy sản; giảm tỷ trọng cây lương thực.
Từ những chủ trương, định hướng phù hợp trong chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp của xã, ở nhiều bản đã bước đầu hình thành vùng chuyên canh cho hiệu quả cao, cung cấp sản lượng nông nghiệp dồi dào cho thị trường tiêu dùng và chế biến.
Với các biện pháp chỉ đạo chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng hàng hóa, chú trọng đến giá trị và thị trường nên ngành trồng trọt tiếp tục có chuyển biến tích cực, sản lượng lương thực toàn xã duy trì ổn định đã góp phần đảm bảo được cuộc sống của người dân, các loại cây trồng như ngô lai, gừng, dưa chuột, khoai sọ… tăng cả về diện tích và năng suất mang lại thu nhập khá cho nhân dân.
Đặc biệt do có sự chỉ đạo tổ chức sản xuất từ đầu vụ nên diện tích và sản lượng dưa chuột tăng cao so với năm 2013, thu nhập từ bán dưa chuột khoảng 500 triệu đồng toàn xã.
Người dân đã có ý thức trong việc làm chuồng trại, trồng cỏ, dự trữ thức ăn, chăm sóc, bảo vệ và phòng chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm. Vì vậy ngành chăn nuôi tiếp tục được duy trì phát triển bền vững về số lượng và giá trị kinh tế, cơ cấu ngành được cải thiện phù hợp với lợi thế của từng bản, từng hộ gia đình, đặc biệt là phát triển nhanh ngành chăn nuôi trâu, bò hàng hóa với sự kết hợp hai hình thức nuôi là hình thức nuôi sinh sản và hình thức nuôi vỗ béo mang lại thu nhập cao cho nhân dân... Ngoài các vật nuôi chủ lực là trâu, bò, lợn đen, UBND xã đã chỉ đạo nhân dân chăn nuôi đa dạng các loại vật nuôi để góp phần cải thiện bữa ăn, tăng thêm thu nhập như gà đen, vịt, ngan, dê…
Phát huy tiềm năng về đất đai nên ngoài diện tích rừng tự nhiên, rừng phòng hộ và rừng trồng hiện có được nhân dân chăm sóc bảo vệ tốt. Đặc biệt với sự chỉ đạo quyết liệt của UBND xã với các biện pháp tuyên truyền, động viên, đôn đốc và tổ chức thực hiện việc trồng và chăm sóc cây Bobo nên năm 2014 tiếp tục mang lại hiệu quả, đạt giá trị gần 1,3 tỷ đồng toàn xã. Ngoài ra các loại cây ăn quả như đào úc, mận, hồng phát triển tốt và góp phần mang lại thu nhập cho nhân dân.
Để nâng cao hiệu quả, mở rộng diện tích một số cây trồng thế mạnh như gừng, khoai sọ, bí, dưa chuột tiến tới xây dựng mô hình thâm canh cây dưa chuột Mông, và cây khoai sọ. Đặc biệt, phát triển sản xuất phải gắn liền với việc tiêu thụ nông sản. Hiện nay, hạ tầng giao thông còn nhiều khó khăn, đặc biệt là đường giao thông tới các khu sản xuất và một số tuyến từ bản ra trung tâm vì thế gây khó khăn trong khâu vận chuyển sản phẩm nông sản ra tiêu thụ. Điện lưới chưa có nên các loại hình dịch vụ phục vụ sản xuất nông nghiệp như máy xay, máy xát, máy nghiền thức ăn gia súc… chưa phát triển ảnh hưởng tới sự phát triển nông nghiệp.
Vì vậy thời gian tới Tây Sơn rất cần được cấp trên quan tâm đầu tư để cùng chính quyền và nhân dân từng bước hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật như giao thông, thuỷ lợi, điện lưới để tạo điều kiện cho địa phương có khả năng áp dụng rộng rãi tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất hàng hoá, mở rộng thâm canh tăng vụ nhằm phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng bền vững.
Mùa Nhìa Vừ - Chủ tịch UBND xã