Gameshow “bạo lực”: Tiếng cười... đau lòng

Không chỉ chọc cười thô tục, nhảm nhí, một thực trạng đáng lo hơn nữa ở gameshow truyền hình đó là yếu tố bạo lực ngày càng bị lạm dụng một cách… thái quá để gây cười.



Ảnh minh họa (nguồn internet)

Cả nghệ sĩ, thí sinh đều cạn mảng miếng gây cười đã vô tư dùng “chiêu” bạo lực. Chua chát hơn là sau mỗi một tiếng đấm, tát, tiếng chửi là kèm theo một tràng cười… vô tâm được tạo ra bởi hiệu ứng giả. Từ bao giờ những hành động bạo lực đang bị xã hội lên án lại được nhà sản xuất và nghệ sĩ cổ xúy như vậy? Tiếng cười trở nên méo mó, phản tác dụng, đau lòng người xem.

Vẫn biết là các nghệ sĩ, thí sinh muốn truyền tải một thông điệp nào đó thông qua tiểu phẩm của mình. Nhưng thay vì sự thâm thúy, ý nghĩa sâu xa, nhân văn hơn thì những tình tiết lại bị làm quá đến mức lạm dụng. Xem một tiết mục, khán giả liên tục phải nhăn mặt bởi âm thanh và hành động tát, đánh đấm lẫn nhau…

Cặp đôi Huỳnh Tiến Khoa- Don Nguyễn trong chương trình “Cặp đôi hài hước” dù được Ban giám khảo hết lời khen ngợi về tài diễn xuất nhưng không tránh khỏi lối mòn… hài bạo lực. Suốt chặng thi của mình, qua nhiều tiểu phẩm hài hước như Bóng bói, May mắn lần sau, Bay về đâu người ơi; Anh không say… hai diễn viên này liên tục “hạ cẳng tay” với nhau nào là tát, túm tóc, đá… để chọc cười khán giả. Cùng với hành động chân tay là những cụm từ “chợ búa” tao tang vô mặt mày, mày chết với tao…

Xem tiểu phẩm “Anh không say” nói về nạn rượu chè, bạo lực gia đình. Thay vì dùng sự “ước lệ” thì hai nhân vật này liên tục dùng tay để thể hiện. Cùng với hành động người chồng (Tiến Khoa) tát vợ (Don Nguyễn) đến… vẹo cổ là âm thanh minh họa mà chương trình cài vào. Không chỉ một lần mà hành động diễn ra liên tục. Và những tràng cười vô tâm mà nhà sản xuất dàn dựng, cắt ghép. Người xem có cảm giác đang chứng kiến một cảnh bạo lực gia đình thật ở ngoài đời. Mà giám khảo và khán giả đang là đám đông… vô cảm.

Một nghệ sĩ chia sẻ: “Sân khấu là ước lệ, không phải mang hết những gì ngoài đời lên đã là hay. Mà đôi khi có tác dụng ngược. Bởi chương trình chiếu trên truyền hình cả nước. Đối tượng khán giả cả người lớn và trẻ em. Dù ít dù nhiều thì những hành động bạo lực, chửi tục… cũng gây ảnh hưởng xấu. Người nghệ sĩ biết tiết chế mình khi nào cần đến mảng miếng, chiêu trò. Chứ không phải chọc cười hời hợt khán giả bằng những hành động bạo lực mà hậu quả nó là lâu dài”.

Trên các diễn đàn mạng, dư luận cũng nhiều lần phản ứng về thực trạng này. Khán giả Long Nguyễn bình luận: “Nói thật, nhiều lúc ngồi xem gameshow tôi ức chế lắm. Các nghệ sĩ, thí sinh không õng ẹo giả gái thì lại như côn đồ. Một tiết mục có quá nhiều cảnh đánh, đấm nhau mà đôi khi không cần thiết. Thêm thành phần giám khảo ngồi chấm cứ mỗi cảnh đánh đấm lại ngồi cười ha hả. Trong khi xã hội lên án thói bạo lực thì các nghệ sĩ, thí sinh lại đang quá lạm dụng. Buồn hơn khi nạn bạo lực… lại là phương tiện để gây cười như vậy”.

Trong một lần ngồi xem vở “Đời bỗng dưng vui” của sân khấu kịch Idecaf. Bên cạnh những tình huống hài hước, vui tươi, không ít lần khán giả phải chau mày vì ngôn ngữ quá… rùng rợn. Nghệ sĩ không ngại buông ra những lời “máu lạnh” như băm vằm, xé xác… và nhiều từ ngữ mà không thể viết ra hết. Nhiều khán giả ngồi xem cứ nhăn mặt, nhắm mắt… để không phải nghe những điều đáng sợ như thế.

Rõ ràng, không phải cái gì cũng đem ra để cười được. Nhất là những yếu tố nhạy cảm như bạo lực. Đòi hỏi người nghệ sĩ phải có tâm và có tầm. Biết như thế nào là đủ để mang lại tiếng cười giải trí, nhẹ nhàng mà có ý nghĩa, thông điệp. Sự “vô tư” của một bộ phận nghệ sĩ trẻ trong việc sử dụng chiêu trò, ngôn ngữ gây cười lại có tác dụng ngược.

Đổ lỗi cho thị hiếu khán giả thấp có lẽ chưa công bằng. Bởi nếu như nhà sản xuất, nghệ sĩ và nhà đài… những người tạo ra sản phẩm giải trí có tâm hơn. Họ hoàn toàn có thể tiết chế những điều phản cảm kể trên. Nhưng trong cuộc chạy đua gameshow này, cả nhà sản xuất, nhà đài và nghệ sĩ nào muốn chậm lại để mang đến những giá trị giải trí ý nghĩa hơn? Thay vì câu khách “rẻ mạt” bằng bạo lực, thô tục… trên truyền hình?


Mai Linh

Nguồn: Báo Văn Hóa

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/gameshow-bao-luc-tieng-cuoi-dau-long-a9288.html