Vì sao vẫn chưa thể kết nối Thành Nhà Hồ và các khu di tích gần kề?

Huyện Vĩnh Lộc, Thanh Hóa là nơi có đầy đủ di sản văn hóa thế giới, di sản lịch sử cấp quốc gia, di sản cấp tỉnh... nhưng vẫn chưa phát triển du lịch.

Sáng 14/3, tại UBND xã Vĩnh Hùng, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hoá đã diễn ra Hội thảo khoa học: “Di sản thành nhà Hồ và khu di tích phủ Trịnh, nghè Vẹt trong quy hoạch bảo tồn gắn với phát triển di sản huyện Vĩnh Lộc. Kỷ niệm 447 năm ngày mất Minh Khang Thái vương Trịnh Kiểm và Lễ hội Phủ Trịnh năm 2017”.

Ở một huyện diện tích không rộng, dân cư không đông, nhưng Vĩnh Lộc có tới 66 di sản, trong đó 1 di sản văn hóa thế giới, 14 di tích lịch sử cấp quốc gia và 51 di tích cấp tỉnh. Có thể kể đến một số di sản như: Thành Nhà Hồ, Phủ Trịnh, Nghè Vẹt, Đàn Nam Giao, chùa Hoa Long, đền thờ Trần Khát Chân... Đó là tiềm năng lớn để phát triển, khai thác du lịch trên địa bản huyện.



Thành Nhà Hồ.

Hội thảo là dịp để các nhà khoa học, nhà lịch sử, doanh nghiệp cùng nhìn nhận lại những tiềm năng và hạn chế để lý giải cho câu hỏi “vì sao có đầy đủ các di tích được xếp hạng mà chưa thể phát triển?”.

Theo giáo sư tiến sĩ Nguyễn Hữu Tâm, Viện sử học Việt Nam: “Tôi thấy phấn đấu được danh hiệu đã khó nhưng giữ được danh hiệu lại càng khó hơn. Đã năm năm rồi từ ngày Thành Nhà Hồ được công nhận di sản văn hóa thế giới nhưng dường như vẫn chưa khai thác được hết giá trị của nó. Như chúng ta biết, Thanh Hóa có rất nhiều di tích, địa điểm du lịch đẹp, vậy tại sao chúng ta không tận dụng nó, kết hợp các ngành nghề, kết nối các tuyến du lịch, phát triển đa dạng về du lịch...”.

Đã có rất nhiều báo cáo khoa học được gửi tới hội thảo, gồm nhiều báo cáo chuyên sâu của những nhà khoa học, những vấn đề lịch sử được đưa ra để lý giải, những ví dụ điển hình về những gì vẫn còn tồn đọng, sự nỗ lực cố gắng của địa phương...




Đầm Ấu cách thành Nhà Hồ khoảng 25km. Khung cảnh thơ mộng hữu tình và vẫn còn hoang sơ nhưng không nhiều du khách biết tới.

TS Hoàng Minh Tường, Ban Tuyên giáo tỉnh ủy nêu ra những điểm cần phải có để phát triển du lịch Vĩnh Lộc trong báo cáo của mình: “Nếu xứ Thanh được ví như Việt Nam thu nhỏ lưu lại nhiều dấu ấn đậm nét về lịch sử thì Vĩnh Lộc là bản sao đặc sắc ấy. Nếu có di sản văn hóa vật thể mà không có di sản phi vật thể thì vẫn chưa đủ, vì vậy chúng cần có sự gắn kết. Những tín ngưỡng phong tục, các làng cổ là nơi tiềm ẩn phong tục văn hóa sâu sắc và cần phải phát huy những giá trị đó”.

Trước đó, một số nhà khoa học và doanh nghiệp đã có một ngày khảo sát các địa điểm du lịch tại đây. Cách nhìn nhận vấn đề của các nhà doanh nghiệp là những ý kiến xác thực và thực tế. Đây còn là nơi để các doanh nghiệp được đóng góp tiếng nói và suy nghĩ của mình.

Chị Vũ Thị Thanh Hà, giám đốc công ty Esyway travel chia sẻ: “Tại sao tới tận bây giờ các công ty du lịch mới được đưa tới đây? Qua một buổi khảo sát ngày hôm ngày hôm qua tôi thấy Vĩnh Lộc rất có tiềm năng để phát triển. Tuy nhiên, để đưa khách du lịch tới đây thì cần phải thay đổi nhiều thứ. Dù Thành Nhà Hồ là di sản thật nhưng thực sự không có hồn! Cần có thông tin quảng bá, trình chiếu, phòng trưng bày... để giới thiệu danh thắng. Nhưng chúng ta cũng cần nhớ rằng, du lịch cứ phát triển thì thường bị đầu tư quá mức, vì vậy khi kêu gọi các nhà đầu tư cần phải đặc biệt chú ý”.

Có thể nói, hội thảo lần này mở ra nhiều cơ hội cho địa phương huyện Vĩnh Lộc cũng như sự lựa chọn mới cho các doanh nghiệp làm về du lịch, hy vọng sẽ làm “sống dậy” những di sản văn hóa đã trót “ngủ quên” một vài năm qua./.


CTV Thanh Mai

Nguồn: VOV.VN

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/vi-sao-van-chua-the-ket-noi-thanh-nha-ho-va-cac-khu-di-tich-gan-ke-a9261.html