Ông Nông Quốc Thành - Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa, Bộ VHTTDL trao bằng công nhận Di sản văn hóa phi vật thể đền Chín Gian cho đại diện chính quyền huyện Quế Phong. Ảnh: Hữu Vi.
Trước đó, tại Quyết định số 2067 QĐ-BVHTTDL ngày 13/06/2016, Lễ hội Đền Chín Gian huyện Quế Phong Nghệ An đã được đưa vào danh mục "Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia”. Quyết định cũng công bố Lễ hội Đền Cờn (TX Hoàng Mai) cũng thuộc danh mục này.
Nghi thức tắm trâu tại bến Tạ Tạo dưới chân núi Phú Chò Nhàng. Ảnh: Hồ Phương
Lễ hội đền Chín Gian là sinh hoạt văn hóa truyền thống của cộng đồng người Thái ở phủ Quỳ Châu trước đây. Không gian của lễ hội là ngôi đền có 9 gian được cho là xây dựng từ thế kỷ thứ 14.
Mỗi gian là không gian thờ cúng của 9 mường người Thái thuộc các huyện Quế Phong, Quỳ Châu, Quỳ Hợp ngày nay.
Đền Chín Gian là nơi thờ Phạ (trời) và những người có công khai lập và gìn giữ bản mường, mảnh đất nổi danh với truyền thống chống ngoại xâm của nghĩa quân Lam Sơn thế kỷ 15 và phong trào Cần Vương với tên tuổi của vị Đốc tướng Lang Văn Thiết vào thế kỷ 19.
Năm 1927, đền được phục dựng và được chính quyền địa phương tôn tạo lại vào năm 2004.
Nghi lễ chém trâu tượng trưng tại lễ hội hội đền Chín Gian năm 2017. Ảnh: Hồ Phương.
Lễ hội Đền Chín Gian trước đây diễn ra 3 năm một lần vào tháng 8 âm lịch, với các nghi lễ cúng đền, đáng chú ý là lễ hiến tế trâu… Trước đây, mỗi mường phải hiến tế một con trâu trong dịp lễ hội. Các trò chơi dân gian truyền thống như kéo co, khắc luống, múa sạp, đá gà… là hoạt động không thể thiếu trong phần hội.
Năm nay, Ban tổ chức Lễ hội đền Chín Gian không tiến hành lễ chém trâu hiến tế như những năm trước. Qua đó cho thấy Lễ hội đền Chín Gian đã nói không với những nghi lễ phản cảm.
Tiết mục văn nghệ tại lễ hội đền Chín Gian năm 2017. Ảnh: Hồ Phương.
Năm 2006, lễ hội được tổ chức trở lại với quy mô lớn hơn. Từ đó, lễ hội được diễn ra thường xuyên vào các ngày từ 14 - 16 tháng 2 âm lịch. Lễ hội diễn ra tại ngôi đền Chín Gian trên ngọn núi Phú Chò Nhàng thuộc xã Châu Kim, huyện Quế Phong (Nghệ An). Đây không chỉ là sinh hoạt văn hóa tinh thần của vùng 9 mường mà còn thu hút đông đảo khách thập phương đến trẩy hội.
Mặc dù không tổ chức phần hội nhưng vẫn thu hút được đông đảo người dân quan vùng đến theo dõi lễ tế trâu năm nay. Ảnh: Hữu Vi.
Trong lễ công bố diễn ra ngày 12/3/2017, chính quyền huyện Quế Phong cũng triển khai chương trình hành động với phương châm “để người dân thấy được mình là người bảo vệ, vừa là người được hưởng lợi” từ di sản văn hóa”. Ngoài ra việc phục dựng các nghi lễ truyền thống, các trò chơi dân gian cũng được đưa vào mục tiêu của chương trình hành động này./.
Hồ Phương - Hữu Vi