13/03/2017 15:37
13/03/2017 15:37
Tản mạn về cây di sản xứ Thanh
Thanh Hóa hiện có 43 cây di sản. Cây di sản là những cây có tuổi đời hàng trăm năm tuổi, có giá trị về cảnh quan, văn hóa và lịch sử. Cây di sản thực sự là một phần máu thịt, là hồn cốt, là niềm tự hào của mỗi người dân địa phương.
Cây đa thị tại Khu Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Lam Kinh (Thọ Xuân).
Từ TP Thanh Hóa dọc theo Quốc lộ 45 hơn 40 cây số, chúng tôi đã đến với huyện Thọ Xuân - mảnh đất hai vua, “tài hoa tinh kết ngọc long lanh”. Sau đó, từ dốc Dược, thị trấn Thọ Xuân chạy về phía cầu Hạnh Phúc gần 2 km và men theo dòng sông Chu hiền hòa, êm ả khoảng gần 1 km, chúng tôi đã đến với cây gạo vừa được vinh danh là cây di sản tại thôn 8, xã Phú Yên. Từ ven bờ sông Chu nhìn lên, cây gạo to lớn, tán lá xòe rộng đẹp tựa một bức tranh. Trải qua gần 500 năm nay, cây gắn bó với người dân nơi đây, cây như có tiếng nói riêng thì thầm và cảm nhận được lòng người để chia ngọt sẻ bùi với cộng đồng làng xã. Theo nhịp của thời gian, cây đứng cạnh bờ sông Chu với bao biến cố lở bồi, cắm rễ sâu vào lòng đất để cành lá mãi tươi xanh. Mùa xuân, cả tán gạo bừng lên sắc đỏ. Mùa hè cành lá tươi xanh. Mùa thu lá cây trút đầy gốc, từ các cành cây, quả gạo đã già tách vỏ, sơ gạo trắng muốt theo gió bay khắp bốn phương. Mùa đông đến, cây khẳng khiu trơ cành, dành nhựa sống chờ xuân về để bừng lên lộc biếc. Cây gạo là nơi gặp gỡ, hẹn hò của biết bao đôi trai gái, là nơi bà con ngả nón nghỉ ngơi mỗi khi đi làm đồng về. Cây gạo là tài sản vô giá mà ông cha từ đời này qua đời khác đã có công chăm sóc, bảo vệ để lại cho muôn đời sau. Có lẽ vì thế, dù đi bốn phương trời, lúc trở về quê hương, người Phú Yên bao giờ cũng tới thăm cây gạo, dừng chân bên cây gạo để trầm mặc, suy tư, để nhớ về tuổi ấu thơ đầy ắp những kỷ niệm. Cụ Đỗ Đình Phong, 87 tuổi - người viết thư pháp ở phường Ba Đình - TP Thanh Hóa (quê ở xã Phú Yên), cho biết: Mỗi lần có dịp về thăm quê, tôi đều dành thời gian để thăm cây gạo. Khi đứng trước cây gạo, tôi có nhiều xúc cảm lắm. Cây gạo hàng trăm năm tuổi soi mình xuống dòng sông Chu thật nên thơ, trữ tình. Ở bên cây gạo, tôi lại nhớ tới tuổi ấu thơ đầy kỷ niệm và trầm ngâm về thế thái nhân tình”.
Tạm biệt đất Phú Yên, chúng tôi về thăm Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Lam Kinh - Khu sơn lăng - nơi an nghỉ của các vị vua và hoàng hậu triều Hậu Lê. Theo ông Trịnh Đình Dương, Trưởng Ban Quản lý Di tích lịch sử Lam Kinh, hiện tại, ban đang quản lý 18 cây di sản, trong đó có 13 cây tại Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Lam Kinh và 5 cây tại Đền thờ Trung túc vương Lê Lai. Trong đó, cây để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng người dân và khách thập phương là cây đa thị. Xưa kia, chỗ cây đa đang áng ngữ là một cây thị, chim chóc thường kéo tới đậu trên cành thị mang theo quả đa về ăn nên hạt rơi xuống đất mọc thành cây. Sau này, cây đa mọc lên xanh tốt, bộ rễ phụ của cây đa thị rất đặc biệt, không vươn ra xa như các cây đa nhiều “gốc” khác mà ôm trọn gốc thị rồi hóa thành chung một gốc. Từ gốc đến ngọn đa cao chừng 20m. Trong lòng gốc đa gần chục người ôm không xuể ấy, cây thị vẫn xanh cành tốt lá, mỗi năm đều đơm hoa, kết quả. Quả thị tuy nhỏ, có vị chát nhưng thơm lừng một góc trời. Vào năm 2007, cây thị già rồi chết khô, nhưng đến nay vẫn còn một cành khô chĩa ra bên ngoài gốc đa.
Năm 2013, cây đa thị được Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam công nhận là cây di sản bởi tầm vóc, sự độc đáo và giá trị lịch sử của nó.
Ngoài cây đa thị trong danh sách 13 cây di sản, Khu Di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh còn có cây sui ở gần mộ vua Lê Thái tổ, cây dổi hay còn gọi là cây dổi bia bảo lạc ở phía Đông Bắc lăng bia vua Lê Hiến tông. Cây có tuổi đời gần 600 năm với chiều cao khoảng 40 m, đường kính thân cây 1,23 m.
Tại khu vực đền thờ Trung Túc vương Lê Lai, làng Tép, xã Kiên Thọ, huyện Ngọc Lặc, cũng có 5 cây di sản, trong đó có hai cây đại hay còn gọi là cây Pa Rạng ở bên tả và hữu cổng tam quan, tuổi đời gần 600 năm, chiều cao mỗi cây khoảng 14m, đường kính thân cây 0,9 m, cây mọc nghiêng nghiêng, rêu mốc cổ kính. Hai cây đại nằm hai bên cổng tam quan như hai cận thần đứng bảo vệ cho ngôi đền và cổng tam quan, điểm xuyết cho cảnh quan ngôi đền thêm uy nghiêm, cổ kính.
Những cây di sản ở Khu Di tích lịch sử Lam Kinh mang vẻ đẹp trầm mặc, cổ kính, thâm nghiêm. Trải qua vật đổi sao dời, những “cụ cây” hàng trăm năm tuổi vẫn tươi cành xanh lá như những trung thần đứng canh gác giấc ngủ ngàn thu cho các vị vua và hoàng hậu triều Hậu Lê. Dường như cây cũng có linh hồn, cây là đề tài hấp dẫn để các hướng dẫn viên giới thiệu tới du khách thập phương mỗi lần đến với đất Lam Kinh.
Rời vùng đất “hai vua”, chúng tôi tiếp tục đến với Khu Bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên – nằm ở vùng thượng nguồn sông Chu thuộc huyện Thường Xuân. Với diện tích trên 25 ngàn ha, Khu Bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên có hàng vạn cây có tuổi thọ là hàng trăm, thậm chí hàng ngàn năm tuổi. Trong đó, có hơn 1.000 cây được cập nhật quản lý trên hệ thống hồ sơ điện tử gắn liền với trách nhiệm của từng kiểm lâm viên trong từng khu. Vào ngày 17-5-2013, cây samu dầu và cây pơ mu được công nhận là cây di sản. Được biết, cây pơ mu và cây samu dầu đều có tuổi thọ hơn 1.000 năm tuổi. Cây pơmu có đường kính 2,5m, chiều cao 35 m. Cây samu dầu có đường kính 3,5m, chiều cao 45 m. 2 cây pơ mu và sa mu dầu tán không rộng lắm nhưng thân to, phải hàng chục người ôm. Ông Nguyễn Đình Hải, Giám đốc Khu Bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên, cho biết: “Với việc hai cây pơ mu và sa mu dầu được công nhận là cây di sản Việt Nam sẽ góp phần nâng cao hơn nữa ý thức bảo tồn và gìn giữ loài cây quý này cũng như bảo tồn sự đa dạng sinh học trong quần thể của Khu Bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên. Qua đây sẽ góp phần vào việc phát triển du lịch sinh thái không những ở Khu Bảo tồn thiên nhiên mà còn gắn với du lịch sinh thái hồ Cửa Đạt”.
Theo Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam, Thanh Hóa hiện có 43 cây được công nhận là cây di sản, tập trung chủ yếu ở các huyện: Thọ Xuân, Vĩnh Lộc, Quảng Xương, Thường Xuân, Hà Trung, Yên Định, Thiệu Hóa và Nông Cống. Trong đó, 3 cây di sản ở Thiệu Hóa, Nông Cống và Vĩnh Lộc đã bị chết. Dù là cây đa, cây muỗm, cây trôi, cây sộp hay cây vải thiều, cây trâm vối... đều có tuổi thọ là hàng trăm năm, thậm chí hơn ngàn năm tuổi. Cây di sản hay còn gọi là “cụ cây” có giá trị to lớn về lịch sử, văn hóa và cảnh quan. Ở những khu bảo tồn thiên nhiên cây là minh chứng cho sự trường tồn theo năm tháng thời gian. Ở những khu di tích và đền thờ cây gắn liền với lịch sử, văn hóa của dân tộc. Ở làng xã, cây là “mảnh hồn làng”, là một phần máu thịt của mỗi người dân địa phương, cây là nơi trai gái hẹn hò, trao lời ước hẹn, là nơi con trẻ vui chơi trong những ngày hè, là nơi người dân bản địa nghỉ chân sau những giờ làm đồng vất vả. Theo năm tháng của thời gian, cây di sản tô điểm cho bức tranh làng, cho khu bảo tồn thiên nhiên, các khu di tích lịch sử thêm phần tươi mới. Việc bảo vệ, phát huy giá trị của cây di sản là trách nhiệm của mỗi người dân địa phương. Du xuân, vãn cảnh, chúng ta hãy tới thăm những cây di sản để cảm nhận vẻ đẹp của cây, để lòng mình được thư thái, được nghe tiếng gọi của thời gian, để thả lòng mình theo dòng xúc cảm.
Tường Vân
Nguồn: Thanh Hóa Online
Link nội dung:
https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/tan-man-ve-cay-di-san-xu-thanh-a9233.html