11/03/2017 10:02
11/03/2017 10:02
Trà Vinh - Vang mãi lời ca, tiếng đờn
Nhắc đến đờn ca tài tử (ĐCTT) người ta nghĩ ngay đến xứ miệt vườn, đến vùng đất phương Nam. Đây là thể loại “thính phòng” đặc thù của miền Nam, cũng như Ca trù của miền Bắc và Ca Huế của miền Trung. Với người dân Nam bộ, ĐCTT đã trở thành nét sinh hoạt văn hóa truyền thống lâu đời. Riêng Trà Vinh, để loại hình nghệ thuật này “sống” mãi, địa phương liên tục tổ chức liên hoan, gắn phục vụ ĐCTT tại các điểm du lịch và đa dạng các hoạt động bảo tồn, phát triển.
Liên hoan - sân chơi cho những người mộ điệu
Đến hẹn lại lên, vào tháng 8 hàng năm, những người yêu ĐCTT lại chờ đợi để được “trình làng” những điểm mới, nét mới trong cách hát, biểu diễn của mỗi nghệ sĩ, ca sĩ đến từ các câu lạc bộ (CLB) ĐCTT xã, huyện trong tỉnh. Qua 8 lần tổ chức, nơi đây đã phát hiện những tài năng tài tử đờn, tài tử ca để từ đó tập luyện so tài tại liên hoan ĐCTT Nam bộ.
Ông Đặng Phước Thọ, Giám đốc Trung tâm Văn hóa tỉnh, cho biết tham gia liên hoan, từng CLB có ưu thế riêng, từng cá nhân mỗi người một vẻ đã tạo nên một cục diện chung hấp dẫn, thu hút đông đảo người xem. Điều đáng ghi nhận là từng CLB đều có đầu tư dàn dựng công phu, chương trình biểu đạt đủ các thể loại - hơi điệu gọn đẹp, súc tích, nội dung với nhiều tiết mục tự biên phong phú: Ca ngợi Đảng, Bác Hồ, truyền thống cách mạng, quê hương đổi mới… Tuy là một cuộc chơi tao nhã nhưng cũng khá quy củ, với phong cách chững chạc, trang phục sang đẹp.
Liên hoan đã nổi lên một số giọng ca hay, mượt mà nhưng không kém phần sâu lắng, đậm chất sông nước miền Tây Nam bộ; giọng điệu chuẩn xác, phong cách và hơi điệu nhạc tài tử; tấu nhạc cụ có những ngón đờn điêu luyện, tuy phóng túng nhưng vẫn giữ được căn cơ; từng loại nhạc cụ thể hiện vai trò và phong cách rõ nét để hòa quyện cùng dàn nhạc và có những ngón đờn khá lả lướt đến lãng mạn, duyên dáng…
Sinh hoạt nhóm ĐCTT ấp Xóm Chòi, xã Tập Nghĩa, huyện Tiểu Cầm (Ảnh: Trung tâm Văn hóa tỉnh Trà Vinh cung cấp)
Hiệu quả qua các lần liên hoan, ông Thọ khẳng định: “Đây sẽ luôn là sân chơi vui, bổ ích cho những ai đam mê ĐCTT. Để phát triển loại hình nghệ thuật ĐCTT, mỗi năm Ban tổ chức đều khuyến khích các CLB đưa người mới đến thi thố để họ cảm nhận được không khí vui tươi, làm chủ bản thân trên một sân khấu lớn. Từ đó học hỏi nhiều điều hay cho bản thân, cũng như góp phần làm gia tăng số lượng những người đờn hay, hát tốt của loại hình nghệ thuật này” .
Phát triển gắn với du lịch
ĐCTT Trà Vinh còn đi vào lòng người, nhất là du khách thập phương thông qua việc phục vụ du khách tại các điểm du lịch. Ông Hồ Quốc Truyền, Trưởng phòng Nghiệp vụ văn hóa (Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch) tâm sự, Trà Vinh có nhiều dân tộc thiểu số sinh sống như: Khmer, Hoa, Chăm… tạo nên những phong tục tập quán rất phong phú và đa dạng. Đó là nguồn tài nguyên quan trọng để tỉnh Trà Vinh phát triển du lịch văn hóa. Đến với Trà Vinh, du khách sẽ được thưởng thức các món ăn, xem các loại hình nghệ thuật, trong đó có ĐCTT, múa Lân - Sư - Rồng của người Hoa. Đáng chú ý là các loại hình nghệ thuật của dân tộc Khmer như điêu khắc, hội họa, trang trí mỹ thuật và kiến trúc trong các ngôi chùa Khmer rất đặc sắc.
Có dịp ghé thăm bà con huyện Cầu Kè, đâu đâu cũng có những nhóm đờn, ca tại quán ăn, quán cà phê, đám tiệc hoặc nhà dân… Có thể nói, loại hình nghệ thuật này đã ăn sâu vào tiềm thức của người dân, thậm chí trong sự phát triển xô bồ của các loại hình giải trí hiện đại, ĐCTT ở Cầu Kè vẫn có chỗ đứng và mang những nét độc đáo riêng. Phần lớn những người thích loại hình nghệ thuật này đều là nông dân chân lấm tay bùn. Họ không thành lập ban bệ mà chỉ tập hợp những người có cùng sở thích rồi cùng ngâm nga vài câu sau những giờ làm việc mệt nhọc. Ai có nhã hứng cứ việc hát, không cần chắc câu, đúng nhịp. Có khi họ hát đến tận đêm khuya mà vẫn không chán.
Cũng chính vì đam mê ĐCTT mà người dân có thể cất giọng hát bất cứ lúc nào. Đã hát là họ hát say sưa, thả hồn vào từng tiếng nhạc lời tơ. Đặc biệt, những người biết đờn ở đây sẵn sàng truyền lại tất cả tuyệt chiêu cho những ai muốn học. Do đó, khi du khách ghé ngang đều phải dừng chân để cùng “đắm” mình trong những lời ca ngọt ngào, hay tập cho mình một vài câu hát.
Xác định con đường phát triển ĐCTT gắn với du lịch là đúng đắn, hiện nay, tại các điểm du lịch Trà Vinh đang rộ lên những nhóm đờn, ca. Họ hát không chỉ vì mưu sinh mà bằng cả trái tim những con người yêu ĐCTT.
ĐCTT sẽ sống mãi
Từ xưa đến nay, ĐCTT đã được người dân Trà Vinh lưu giữ, bảo tồn và phát triển. Tuy nhiên, do tự phát nên chỉ là những nhóm nhỏ những người đam mê tập hợp lại ca hát, chưa thành lập các CLB với những quy định riêng. Nhưng hiện nay, những nhóm tự phát đã có cái tên riêng là CLB, hay nhóm ĐCTT ấp, xã, huyện... Từ đó, công tác quản lý và định hướng phát triển loại hình nghệ thuật này dễ dàng hơn.
Ông Hồ Quốc Truyền cho biết nghệ thuật ĐCTT ở Trà Vinh trong những năm gần đây phát triển mạnh với số lượng trên 95 CLB, hơn 1.300 nghệ nhân; lực lượng sáng tác có khoảng 12 người, chủ yếu sáng tác bài vọng cổ; số lượng tác phẩm nằm trong hệ thống 20 bài Bản tổ còn rất hạn chế; hoạt động của các CLB được duy trì sinh hoạt mỗi tháng từ 1-2 lần; số lượng người đến tham gia trong mỗi đêm sinh hoạt có trên 100 người. Đây chính là sân chơi bổ ích cho người dân sau những ngày lao động mệt mỏi; tạo môi trường văn hóa lành mạnh, phát huy sức sáng tạo trong hoạt động văn hóa, văn nghệ ở địa phương.
Để loại hình này tiếp tục phát triển, UBND tỉnh cũng đã phê duyệt Đề án “Bảo vệ và phát huy di sản văn hóa phi vật thể Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ tỉnh Trà Vinh giai đoạn 2014-2020”. Theo đó, Trà Vinh đặt ra mục tiêu đến năm 2020, bảo tồn nghệ thuật ĐCTT trong quần chúng nhân dân, nâng cao chất lượng hoạt động của các CLB hiện có, phát triển từ 5 - 10 CLB mỗi năm, có trên 15.000 nghệ nhân tham gia CLB; biên soạn, sáng tác lời mới 20 bài Bản tổ của loại hình nghệ thuật ĐCTT Nam bộ; thông qua các lớp tập huấn, giảng dạy trao truyền, phát triển số lượng nghệ nhân sử dụng các nhạc khí chủ yếu như đàn cò… bảo đảm đến năm 2020, các CLB có đủ nghệ nhân tham gia diễn tấu các nhạc cụ. Tỉnh cũng sẽ vinh danh nghệ nhân, cấp giấy chứng nhận đủ tiêu chuẩn hoạt động CLB, nghệ nhân, đến năm 2020 có trên 70% được công nhận.
Với nhiệm vụ đó, Trà Vinh đã và đang nỗ lực hết mình trong việc xây dựng các CLB, tổ chức sân chơi để những người mộ điệu găp nhau, truyền thụ cái hay cho lớp trẻ để ĐCTT sống mãi với thời gian.
Tham gia Festival ĐCTT lần thứ 2 - Bình Dương 2017, Trà Vinh đang tập luyện 1 bài hòa tấu cổ bản, 4 bài vọng cổ nhịp 16, 1 bài liên Nam. Tham gia Festival lần này, Trà Vinh không đặt mục tiêu dành thứ hạng cao mà là cơ hội để những nghệ nhân, nghệ sĩ địa phương có thể học hỏi kinh nghiệm từ đơn vị bạn. Sau ngày hội lớn đó, họ sẽ đúc kết truyền trao kinh nghiệm cho lớp trẻ.
Thiên Lý - Nhi Phạm
Nguồn: Báo Bình Dương
Link nội dung:
https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/tra-vinh-vang-mai-loi-ca-tieng-don-a9199.html