Gia đình ba đời làm bài tới
Chúng tôi đến nhà bà Ngô Thị Tuyết, làng Địa Linh, xã Hương Vinh, thị xã Hương Trà , tỉnh TT Huế, trong lúc bà đang phơi dở những con bài đầu tiên được làm trong ngày. Nhẹ nhàng đặt những quân bài trước nắng, bà nói: “Tính đến đời của tôi, thì gia đình đã có ba đời làm nghề bài tới các chú à!”.
Theo bà Nguyệt, nghề làm bài tới trước đây rất phổ biến ở làng Địa Linh. Nhưng qua biến động của thời gian, hiện tại chỉ có duy nhất gia đình của bà tiếp tục gắn bó với nghề này. Bà Nguyệt cho biết, thời gian trước có ba anh chị của bà theo nghề nhưng không ai làm nữa do không có lời bao nhiêu.
“Thực ra làm bài tới không có lời bao nhiêu cả. Vì thế mà ai cũng bỏ nghề. Với tôi, thì được ông nội truyền nghề lại nên không bỏ được”, bà Tuyết chia sẻ.
Mộc bản để in bài
Làm bài tới là công việc hoàn toàn được làm thủ công, phải trải qua nhiều công đoạn. Trước tiên, giấy phải được cắt nhỏ sao cho vừa khích với khuôn hình bằng gỗ, sau đó dùng mực xạ đỗ lên bản in rồi cho giấy vào. Đợi khoảng 1 phút, đem giấy in ra phơi ngoài nắng để hình in có thể hiện lên trên tờ giấy. Sau khi phơi giấy khô, giấy sẽ được cắt nhỏ ra thành từng con bài một, và được trang trí bằng một lớp giấy đỏ phía sau lưng mỗi con bài.
Hiện nay, do cách làm truyền thống chậm, bài làm ra ít nên không đáp ứng được nhu cầu, nên bà Nguyệt đã chuyển sang cách làm khác. Thay vì in trên mộc bản, bà Nguyệt cho in trên phim dựa trên những ký tự có sẵn trên bản gỗ, chỉ cần đặt giấy lên bản phim rồi quẹt mực vào là có ngay một quân bài. Nhờ có cách làm mới, nên mỗi ngày bà Nguyệt có thể làm được 100 bộ (mỗi bộ bài tới có 60 con).
Chị Nga, con của bà Nguyệt vừa in bài vừa nói: “Thực ra, nghề làm bài tới không cực gì cả, nhưng do ngồi cả ngày nên rất đau lưng. Giá bán chỉ 3 nghìn một bộ nên chẳng ai muốn theo nghề nữa”.
Tuy không thu được lợi nhuận lớn từ nghề làm bài tới, nhưng gia đình bà Nguyệt lại không muốn bỏ nghề. Nỗi lo lớn nhất của bà bây giờ đó là không biết sau bà liệu còn ai theo nghề hay không.
Con bài tới sau khi hoàn thành
Nặng lòng với con bài tới
Mỗi dịp xuân về tết đến, hay khi Huế có Festival, bài tới và hình thức chơi bài chòi lại có cơ hội để “khoe mình”. Nhưng những tháng khác trong năm, ít ai quan tâm và chơi loại bài này.
61 tuổi, gắn bó với con bài tới từ năm mới lên 14, gần 50 năm gắn liền với con bài tới, điều làm bà Nguyệt lo nhất đó là một ngày nào đó con bài tới sẽ mất đi.
“50 năm gắn bó với con bài tới, điều làm tôi lo nhất là ngày nào đó không còn ai theo nghề này nữa. Con tôi thì nó vẫn làm, nhưng sợ rằng chúng nó đang là thanh niên nên không gắn bó lâu với nghề như tôi được”, bà Nguyệt tâm sự.
Bà Nguyệt có ba người con, cả ba người điều phụ giúp bà, nhưng theo bà Nguyệt thì “cả ngày chúng nó đi làm cả rồi, tối về làm được ngang mô đó thì thì làm, cũng không biết là làm tới được khi mô”.
Bà Nguyệt đang cắt con bài tới
Anh Tịnh, con trai của bà Nguyệt cho biết: “Ba anh em tôi sẽ cố gắng theo nghề gia truyền của gia đình, có khó cũng cố. Đời mẹ tôi đã là đời thứ ba, chúng tôi sẽ cố gắng để có thêm đời thứ tư, đời thứ năm sau này”.
Anh Tịnh cũng cho biết thêm, nếu bây giờ không làm bài nữa thì sợ rằng tục chơi bài chòi cũng vì thế mà mai một theo con bài.
Trong thời gian sắp tới, gia đình sẽ thay đổi cách làm con bài tới. In trên bản mộc sẽ thay thể bằng in trên phim, giấy gió truyền thống sẽ thay bằng in trên giấy lụa.
Với những sự nỗ lực của gia đình bà Nguyệt, hy vọng rằng con bài tới, một loại bài truyền thống của người Việt sẽ tiếp tục phát triển và trở thành một di sản của dân tộc.
Trương Duy