Duyên nợ với cải lương từ thời niên thiếu
Huỳnh Hải Long (NS Hải Long) có tuổi thơ với nhiều kỷ niệm đẹp, gắn với dòng sông quê hương Chợ Mới - An Giang. Năm lên 8 tuổi, Hải Long đoạt giải A cuộc thi Tiếng hát hoa phượng đỏ huyện Chợ Mới, 15 tuổi đoạt giải A cuộc thi ca nhạc - thời trang của Trường THPT Chợ Mới, 16 tuổi đoạt giải A với bài vọng cổ Chợ Mới (cuộc thi Văn nghệ quần chúng huyện Chợ Mới),...
Năm 18 tuổi, dù được cha khuyến khích thi đại học kinh tế nhưng Hải Long chọn thi vào Trường Sân khấu Điện ảnh. Nhờ có làn hơi dài, khỏe, chất giọng thiên phú ngọt ngào, thêm vào đó là dáng vóc đẹp, gương mặt sáng sân khấu nên Hải Long được sự chú ý của thầy cô từ những năm tháng dưới giảng đường.
Con đường chuyên nghiệp
Trong thời gian học tại trường, Hải Long là sinh viên năng động, tích cực trong học tập và tham gia các phong trào. Tính chuyên nghiệp ca diễn của Long từng bước vững vàng qua những vai diễn lúc còn ở trường, như Hạng Võ trong Hạng Võ biệt Ngu Cơ, tướng cướp Thi Đằng trong Tiếng hạc trong trăng, Võ Minh Luân trong Đời cô Lựu, Hạnh Què trong Ánh sáng phù du, Trần Hùng trong Tìm lại cuộc đời,... Qua đó, Hải Long khẳng định sở trường là thủ diễn các vai kép mùi hoặc độc mùi. Bởi làn hơi, chất giọng vốn ngọt ngào, mùi mẫn; lối diễn đằm thắm và sâu lắng là tiền đề của các vai "mùi".
Sau khi tốt nghiệp, Hải Long được nhận thực tập ở Đoàn Cải lương Dạ Lý Hương. Thời gian thực tập (1995-1996), Hải Long chỉ có một vai Tam Thái tử trong vở Nàng Út ống tre. Thời gian 2000-2003, Hải Long quyết định về lại Trường Cao đẳng Sân khấu Điện ảnh để tu nghiệp. Khi tốt nghiệp hệ cao đẳng diễn viên cải lương, anh được trường giữ lại làm trợ giảng. Sau đó, NS Hải Long là giảng viên chính thức của trường cho đến bây giờ (nay là Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh, TP.HCM). Ngoài công tác giảng dạy, NS Hải Long có nhiều hoạt động nghệ thuật hơn như cộng tác cho một số đài phát thanh và truyền hình, nhóm Thắp sáng niềm tin của Nhà hát Trần Hữu Trang, Câu lạc bộ Cải lương Tinh Hoa, biểu diễn nhiều chương trình từ thiện khác,...
Trong vòng 11 năm (1996-2007), Hải Long có một “gia tài” kha khá: 4 huy chương vàng (HCV), 2 huy chương bạc, 1 bằng khen. Có thể thấy khả năng của Hải Long từ cuộc thi đầu tiên khi trở thành diễn viên cải lương chuyên nghiệp, vai Cao Văn Lầu trong trích đoạn cải lương Hương sắc phù sa đoạt HCV tại Hội diễn Sân khấu chuyên nghiệp khu vực Đồng bằng sông Cửu Long - 1996; thành công tiếp những thành công, bài vọng cổ Dòng sông quê em tại cuộc thi Giọng ca cải lương đoạt HCV - 1997 do Hội NS sân khấu Việt Nam - Đồng bằng sông Cửu Long tổ chức 2 năm/lần; HCV cuộc thi Tiếng hát Truyền hình Long An (1999-2000), Huy chương Bạc giải Bông lúa vàng Đài Tiếng nói nhân dân TP. HCM-2000,...
Tấm lòng nhân ái
NS Hải Long “bén duyên” với công việc thiện nguyện từ năm 2002. Anh chính là cầu nối giữa mạnh thường quân với những người có hoàn cảnh khó khăn. Anh từng đứng ra tổ chức chương trình, mời các NS tài danh, ngôi sao của nền cải lương về hát gây quỹ ủng hộ học sinh nghèo hiếu học. Hải Long còn vận động người thân, đồng nghiệp, mạnh thường quân quyên góp, ủng hộ tập, viết, cặp cho học sinh vùng sâu, vùng xa. Ngoài ra, Hải Long còn tích cực trong những chuyến từ thiện do một số chùa tổ chức.
Anh tâm niệm, làm công tác giảng dạy phải có cái tâm với nghề; làm công tác từ thiện xã hội với cái tâm thiện, là NS cần có cái tâm trong sáng, hết lòng vì nghiệp Tổ mới là NS chân chính và anh nghĩ, có lẽ công tác giảng dạy, biểu diễn nghệ thuật và tham gia công việc từ thiện từ đây về sau sẽ đồng hành với anh./.
Đỗ Dũng