Đắm say những điệu đờn ca ở Kiên Giang

Kiên Giang là một điểm đến vô cùng thú vị đối với những du khách ưa thích một kỳ nghỉ yên tĩnh. Những hòn đảo ở đây tuyệt đẹp và vẫn giữ được vẻ hoang sơ. Đến Kiên Giang, ngoài cảnh đẹp, ẩm thực phong phú của miền sông nước thì một điều đặc biệt mà du khách không thể bỏ lỡ đó là thưởng thức đờn ca tài tử (ĐCTT). Là một trong những địa bàn phát triển ĐCTT nổi bật ở Nam bộ, đất Kiên Giang luôn làm đắm say lòng du khách bằng những điệu ĐCTT đặc trưng của vùng đất phương Nam.

Nét riêng đờn ca ở Kiên Giang

Trong chuyến du lịch đến huyện đảo Phú Quốc vừa qua, chúng tôi tình cờ được người quen giới thiệu đến Trung tâm Văn hóa huyện Phú Quốc xem ĐCTT. Thấy chúng tôi say mê với những lời ca, tiếng đờn của các nghệ nhân và tài tử, ông Võ Thành Nam, Giám đốc Trung tâm Văn hóa huyện Phú Quốc đã nhiệt tình chia sẻ nhiều chuyện hay về phong trào ĐCTT nơi đây. Ông Nam cho biết, được thành lập từ tháng 6-2011, CLB ĐCTT Trung tâm Văn hóa huyện Phú Quốc như “giải tỏa cơn khát” của người dân đất đảo. Không những thế, ĐCTT còn được yêu cầu phục vụ trong các nhà hàng, resort lớn ở Phú Quốc. Tuy chưa đạt đến độ sắc sảo về âm điệu, nhưng vẫn có những lúc cao, lúc trầm, lúc hứng khởi vui tươi, lúc ưu sầu da diết... người hát vẫn say sưa thả hồn theo từng tiếng nhạc. Người nghe vẫn cảm nhận được sự đam mê của người dân đất đảo từ trong máu thịt để ĐCTT Phú Quốc phát triển và tồn tại đến hôm nay.



Tiết mục biểu diễn trong lễ tổng kết dự án “Sân khấu học đường” tại Kiên Giang

Trở về đất liền tìm gặp anh Đoàn Thế Hạnh, Trưởng phòng Nghiệp vụ Văn hóa Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL), chúng tôi càng hiểu thêm về niềm đam mê ĐCTT và sự tự hào với “dây Rạch Giá” của người dân Kiên Giang. Theo anh Đoàn Thế Hạnh, trong những năm của thế kỷ trước, tại TX.Rạch Giá có ông giáo Tiên, làm nghề dạy học lâu năm rất thích đờn ca hát xướng. Ông có cây đờn octavina (một loại đàn nhỏ, lên dây như cây măng-đô-lin, nhưng hình dáng của nó giống như cây đàn guitare). Trong một buổi giao lưu đờn ca trên bến sông Kiên, trước đông đảo bạn bè nghệ nhân tài tử ở Rạch Giá, ông giáo Tiên đứng lên xin độc tấu bản vọng cổ nhịp tư bằng cây đờn sở trường của mình. Tiếng đờn vừa dứt, những tràng pháo tay tán thưởng vang lên. Khi cây đàn guitare từ Tây Ban Nha du nhập vào Việt Nam, không lâu sau được giũa phím thành cây đàn guitare phím lõm để chơi bản vọng cổ thì nhiều kiểu so dây cũng ra đời như: “dây Bạc Liêu”, “dây Long An”, “dây Sài Gòn”, “dây Ngân Giang” (Bảo Chánh), “dây Xề”, “dây Lai”... hoặc gọi thẳng tên người cải biên ra cách so dây như: “Dây Văn Vĩ”, “Văn Giỏi”, “Hoàng Thành”... Đặc biệt, có một kiểu so dây từ cây đàn octavina được đặt là “dây Rạch Giá”. Về sau, ở Tây Nam bộ, nhiều cuộc liên hoan văn nghệ ở cơ quan trong rừng sâu hoặc ngoài địa phương, người ta vẫn so dây đờn theo kiểu “dây Rạch Giá”. “Ký ức tuổi trẻ của tôi nghe tiếng đàn ấy mùi mẫn thâm trầm. Mỗi chữ đờn nghe chân chất, mộc mạc, dịu hiền như cô gái vùng biển mặn mà”, anh Thế Hạnh nói thêm.

Tích cực quảng bá đờn ca

Hòa cùng nhịp sống sôi động thời kỳ hội nhập, trong những năm qua, phong trào ĐCTT ở Kiên Giang đã và đang có nhiều hoạt động tích cực, góp phần xây dựng và phát huy nền văn hóa dân tộc. Ông Tô Duy Chiêm, Giám đốc Trung tâm Văn hóa tỉnh cho biết, sau khi nghệ thuật ĐCTT được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, Sở VH-TT&DL Kiên Giang đã bắt tay vào việc xây dựng đề án “Bảo vệ và phát huy giá trị văn hóa phi vật thể Nghệ thuật ĐCTT Nam bộ tỉnh Kiên Giang”.

Với mục đích nhằm bảo vệ, quảng bá và phát huy giá trị nghệ thuật ĐCTT trên địa bàn tỉnh Kiên Giang, đề án đã khuyến khích, thúc đẩy phong trào nghệ thuật ĐCTT trong tỉnh phát triển, góp phần tôn vinh những giá trị văn hóa của đất nước, làm phong phú thêm đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân. Năm 2015, dự án “Sân khấu học đường” đã được triển khai tại Kiên Giang, thu hút được đông đảo học sinh trên địa bàn thành phố tham gia học tập. Dự án đã khơi dậy được tình yêu nghệ thuật truyền thống trong giới trẻ và phát hiện ra nhiều những tài năng nghệ thuật sân khấu truyền thống ở Kiên Giang.

Cùng đồng hành với các tỉnh, thành phố khu vực Nam bộ trong việc giữ gìn, bảo vệ và phát huy giá trị của nghệ thuật ĐCTT, hiện nay Kiên Giang có nhiều nghệ nhân lớn tuổi đang tích cực quảng bá ĐCTT đến người dân và khách du lịch, trao truyền những kinh nghiệm, niềm đam mê cho giới trẻ yêu mến nghệ thuật truyền thống với tinh thần giữ gìn và phát triển nghệ thuật di sản. Hòa cùng niềm vui chung của 20 tỉnh, thành phố trong khu vực, trong những ngày này, các nghệ nhân, người mộ điệu nghệ thuật ĐCTT ở Trung tâm Văn hóa tỉnh Kiên Giang đang tập luyện các tiết mục để mang đến Festival ĐCTT lần II - Bình Dương năm 2017.


Minh Hiếu - Thế Hạnh

Nguồn: Báo Bình Dương

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/dam-say-nhung-dieu-don-ca-o-kien-giang-a9174.html