Giá trị kho Mộc bản chùa Bổ Đà

Chùa Bổ Đà lưu giữ kho Mộc bản kinh Phật có giá trị to lớn và ý nghĩa về văn hóa, đặc biệt là văn hóa Phật giáo có nguồn gốc Tiểu thừa (Ấn Độ) và Đại thừa (Trung Hoa) từ khi du nhập vào xã hội Việt Nam.

Chùa Bổ Đà được biết đến là một trong những ngôi chùa cổ kính nhất vùng Kinh Bắc. Theo văn tự ghi lại thì chùa có nguồn gốc từ thời nhà Lý khoảng thế kỷ thứ XI, đến thời nhà Lê chùa trở thành trung tâm phật giáo lớn của cả nước. Đây là lý do ngôi chùa còn lưu giữ kho Mộc bản kinh phật có giá trị này.

Nguồn gốc ngôi chùa cổ

Theo ghi chép, vào thế kỷ thứ XI, dưới chân núi Bổ có một gia đình tiều phu tuy nghèo nhưng rất tốt bụng, chăm chỉ hiền lành, dân trong làng ai cũng quý mến. Hiềm một nỗi đã ngoài 40 tuổi mà họ vẫn chưa có con. Ngày tháng qua đi, họ chỉ còn biết cầu khấn “Quán Thế Âm Bồ Tát” và lời cầu của họ đã ứng nghiệm. Một hôm, người chồng vào rừng gặp một cây thông già trên núi, ông giơ rìu định chặt về nhưng khi bổ nhát đầu tiên bỗng dưng từ thân cây bật ra 32 đồng tiền (Đó là 32 phép ứng hiện của “Quán Thế Âm Bồ Tát”). Người tiều phu sung sướng chạy về khoe với dân làng, ai cũng vui cho họ. Ít lâu sau vợ ông sinh được một cậu con trai khôi ngô, tuấn tú, ông đặt tên là Minh. Để tỏ lòng thành và tạ ơn “Quán Thế Âm Bồ Tát”, ông dựng chùa ngay gốc cây thông già. Đó chính là chùa “Quán Âm”, dân gian thường gọi là “chùa Bổ - núi Bổ Đà”. Sau gọi là “chùa Thượng” vì chùa ở cao trên sườn núi. Đến đời Lê Bảo Thái (1720 - 1729), nhà sư Phạm Kim hưng, trụ trì chùa đã trùng tu lần thứ nhất. Đến đời vua Hiển Tông (1740 - 1786), sư tổ Ngô Tuệ Không khai phá sơn thạch dựng “chùa Tứ Ân và am Tam Đức (lúc này am mới có 3 tháp sư tổ). Đến đời vua Tự Đức (1847 - 1883) xây dựng thêm “tiền đường”. Đến đây toàn bộ quần thể chùa Bổ Đà đã hoàn thành có tới 100 gian, sử dụng làm nơi tu tập, giảng kinh của sư tăng cả nước.

Độc đáo kho mộc bản

Nếu so với kho Mộc bản chùa Vĩnh nghiêm thì kho Mộc bản chùa Bổ Đà có khiêm tốn hơn về số lượng, nội dung cũng không phong phú bằng nhưng lại có nhiều bản có niên đại sớm hơn. Kho Mộc bản chùa Bổ Đà có hơn 2.000 bản khắc gỗ có niên đại vào khoảng thế kỷ XVIII, đời vua Lê Cảnh Hưng và một số muộn hơn. Chủ yếu các bản khắc nhằm mục đích in sao kinh thư mang tư tưởng của hai dòng phật giáo Đại thừa và Tiểu thừa như: Lăng Nghiêm Chính Mạch, Yết Ma Hội Bản, Nam Hải Ký Quy… Theo tài liệu ghi chép thì bộ kinh tại chùa Bổ Đà được hình thành từ ý tưởng của các vị tổ sư tại chùa muốn khắc kinh phật trên gỗ nhằm lưu truyền cho đời sau, đồng thời làm phương tiện truyền dạy phật pháp cho các môn đồ. Điều này không lạ bởi chùa Bổ Đà vào thời điểm đó là một trong những trung tâm phật giáo lớn của cả nước, là trung tâm nghiên cứu, học tập về phật pháp của tăng lữ, phật tử miền Bắc.



Ảnh: Quang Minh

Bộ kinh văn được khắc nổi trên mặt gỗ bằng chữ hán, nét khắc tinh xảo, hầu hết đến nay vẫn còn rất rõ nét. Thông thường mỗi tấm mộc bản dài khoảng 50 cm, rộng 25 cm, một số bản đặc biệt có chiều dài 150 cm và rộng 30 - 40 cm. Loại gỗ được sử dụng để khắc mộc bản là gỗ thị - loại gỗ dễ kiếm lại ít chịu tác động của mối mọt, thời tiết. gỗ thị không chỉ bền mà còn nhẹ, điều này cũng khiến cho việc cất giữ bảo quản hàng nghìn tấm gỗ đỡ vất vả hơn. Tính từ khi mới được hình thành đến nay đã gần 3 thế kỷ, vậy nhưng kho Mộc bản chùa Bổ Đà vẫn còn khá nguyên vẹn cả về số lượng cũng như hình hài. Những hoa văn, chữ nổi trên mặt gỗ đa số còn sắc nét và chưa bị mối mọt.

Nội dung chủ yếu của bộ kinh được khắc trên gỗ tại chùa Bổ Đà đề cập đến nét đặc trưng của phật giáo Trung Quốc khi truyền vào Việt Nam kết hợp với văn hóa bản địa đã có những sự thay đổi để thích nghi. Trọng tâm của bộ kinh nói đến nỗi khổ của con người và sự giải thoát. Phần nội dung trong kinh Tứ Diệu Đế có nêu rõ 4 chân lý kỳ diệu của đạo phật gồm: Khổ đế, Nhân đế, Diết đế và Đạo đế… Trên các mộc bản không chỉ có văn tự mà còn có nhiều hình ảnh chạm khắc rất tinh xảo như hình ảnh Đức Phật Thích Ca tọa trên đài sen, Quán Thế Âm Bồ Tát, các vị La hán…



 
Theo nghiên cứu của các học giả, bộ mộc bản mang giá trị, ý nghĩa lớn về tôn giáo (đạo phật) cũng như cho thấy tầm ảnh hưởng của văn hóa phật giáo đối với xã hội thời kỳ đó. Chúng ta cũng có thể phần nào hiểu rõ ý thức hệ, quan điểm của giai cấp phong kiến và thái độ tín ngưỡng của người dân khi bộ kinh văn đồ sộ được lưu truyền, phổ biến thông qua hình thức in nhân bản chứ không phải là chép tay như trước. Theo Đại đức Tự Tục Vinh, trụ trì chùa Bổ Đà cho biết: “Khác với bộ Mộc bản chùa Vĩnh nghiêm dùng để in kinh sách thuộc phái Đại thừa và một số bản mang tư tưởng của thiền phái Trúc Lâm Yên Tử thì bộ kinh khắc ở chùa Bổ Đà chủ yếu nói về Đức Phật Quán Thế Âm Bồ Tát và các giới. Ngoài ra, những tấm gỗ khổ lớn trong kho kinh chùa Bổ Đà còn in khắc các sớ điệp dùng vào việc tiến hành các nghi lễ trong chùa hoặc để in áo cho các vị thiền sư”.

Mặc dù mang giá trị và ý nghĩa to lớn về văn hóa nhưng đáng tiếc là hiện nay kho Mộc bản chùa Bổ Đà đang bảo quản một cách thủ công, chưa có những giải pháp bảo quản hữu hiệu.

Tất cả hơn 2.000 bản khắc gỗ được xếp chồng lên nhau trên các kệ gỗ. Một số tấm đã mờ chữ và có dấu hiệu hư hỏng do không được lưu giữ, bảo quản đúng cách.

Ngoài ra, việc cất giữ kho mộc bản trong phòng kín, du khách đến chùa hầu như không được tham quan, chiêm ngưỡng cũng làm giảm giá trị của kho di sản đặc biệt này.


Việt Dũng

Nguồn: langvietonline.vn

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/gia-tri-kho-moc-ban-chua-bo-da-a9126.html