Phát huy giá trị văn hóa - du lịch Di tích Quốc gia đặc biệt chùa Bổ Đà

Cuối năm 2016, chùa Bổ Đà (xã Tiên Sơn, Việt Yên, Bắc Giang) được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định xếp hạng là Di tích quốc gia đặc biệt. Trước đó, Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia cũng đã thông qua đề xuất với 100% phiếu đồng thuận.

Nhân sự kiện này, ông Nguyễn Đại Lượng, Phó Chủ tịch UBND huyện Việt Yên đã chia sẻ cùng Tạp chí Làng Việt những nội dung xoay quanh việc phát huy giá trị văn hóa - du lịch của ngôi chùa cổ kính này.

Pv: Thưa ông Nguyễn Đại Lượng, có lẽ ông không bất ngờ khi Thủ tướng Chính phủ quyết định xếp hạng chùa Bổ Đà và các di tích liên quan trong quần thể Bổ Đà sơn môn là Di tích quốc gia đặc biệt?

Ông Nguyễn Đại Lượng: Đúng là không bất ngờ bởi hồ sơ đề nghị công nhận xếp hạng chùa Bổ Đà đã được huyện Việt Yên trình lên nhiều cấp; cũng đã có nhiều đoàn, nhiều chuyên gia về di tích, di sản cấp quốc gia về thăm, nghiên cứu và đều nhận xét, đánh giá tốt, đủ tiêu chuẩn được xếp hạng di tích quốc gia cấp cao nhất. Tuy nhiên, là một người con Việt Yên, cá nhân tôi vô cùng vinh dự, tự hào khi đón nhận quyết định của Thủ tướng chính phủ xếp hạng chùa Bổ Đà là Di tích quốc gia đặc biệt.




Ông Nguyễn Đại Lượng, Phó Chủ tịch UBND huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang. Ảnh: Quang Minh

Pv: Như vậy huyện Việt Yên đã chuẩn bị những gì để “nâng tầm” di tích Bổ Đà, thưa ông?

Ông Nguyễn Đại Lượng: Trước hết, phải nói thêm rằng ngoài chùa Bổ Đà thì Việt Yên cũng đã có một ngôi đình được xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt. Đó là ngôi đình Đông, thuộc thị trấn Bích Động, là một trong những địa điểm của Di tích quốc gia đặc biệt Khởi nghĩa Yên Thế. Đối với di tích chùa Bổ Đà, chúng tôi xác định trách nhiệm về bảo tồn đối với Di tích được xếp hạng quốc gia đặc biệt càng nặng nề hơn. Ngoài ra, việc phát huy những giá trị văn hóa - lịch sử - mỹ thuật - kỹ thuật - tôn giáo… gắn với phát triển du lịch, nghiên cứu về ngôi chùa và các di tích liên quan trong quần thể sơn môn cũng được chúng tôi đặc biệt chú trọng.

Trước mắt, huyện tăng cường công tác tuyên truyền để khơi dậy niềm tự hào, nâng cao ý thức, trách nhiệm của chính quyền các cấp và cộng đồng trong việc bảo tồn, gìn giữ di sản quý báu của cha ông. Đồng thời đẩy mạnh quảng bá sâu rộng hình ảnh của Di tích trên các phương tiện thông tin, truyền thông. Làm thế nào để vừa phát huy giá trị của di tích vừa góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của địa phương là vấn đề cần quan tâm.

Pv: Kế hoạch cụ thể như thế nào, thưa ông?

Ông Nguyễn Đại Lượng: Để có hồ sơ đề nghị công nhận xếp hạng Di tích, UBND huyện Việt Yên đã có sự chuẩn bị hết sức chu đáo. chúng tôi đã xây dựng kế hoạch phát triển du lịch giai đoạn 2016 - 2020 và những năm tiếp theo, trọng tâm là phát triển du lịch văn hóa, tâm linh gắn với làng nghề truyền thống, trong đó chùa Bổ Đà là điểm nhấn quan trọng.

Huyện đã quy hoạch đất tại khu vực di tích, chuyển đổi mục đích sử dụng từ rừng sản xuất sang rừng phòng hộ để bảo vệ cảnh quan. Các tuyến giao thông dẫn đến di tích đang được tỉnh, huyện tập trung nâng cấp, đầu tư nhằm liên kết di tích với các điểm du lịch trong tỉnh. Rất mừng là vừa qua Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã công nhận Lễ hội chùa Bổ Đà là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Ngoài ra, Liên hoan hát quan họ cấp tỉnh được tổ chức đều đặn hàng năm cũng là một phần của lễ hội này.

Bên cạnh đó, huyện cũng đang phối hợp, chỉ đạo cơ quan chuyên môn xây dựng kế hoạch sản xuất, phát hành các tài liệu tuyên truyền như tờ rơi, tờ gấp, sách, ảnh và một số sản phẩm lưu niệm đặc trưng, đồng thời xây dựng Website phục vụ cho hoạt động quảng bá, tuyên truyền di tích...




Cây Vối ở chùa Bổ Đà được công nhận Cây Di sản Việt Nam.

Trước mắt, ngay trong dịp lễ hội mùa xuân đầu năm 2017, huyện sẽ phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tham mưu cho UBND tỉnh tổ chức thành công lễ đón nhận các danh hiệu của chùa Bổ Đà. Tăng cường phòng gian bảo mật, bảo quản tốt kho mộc bản và các di vật, cổ vật tại chùa; tích cực phối hợp tuyên truyền, quảng bá ý nghĩa của di tích tới đông đảo người dân. Huyện đang chuẩn bị xây dựng khu nhà bảo vệ, rà soát lại quy chế bảo vệ di tích, phân công cán bộ, thuyết minh viên phục vụ tiếp đón du khách. Huyện cũng đề xuất tỉnh cho phép thành lập Ban Quản lý di tích. Chuyển đổi từ diện tích rừng phòng hộ sang rừng đặc dụng là để bảo vệ tốt hơn cảnh quan, môi trường di tích…

Tuy vậy, một số vấn đề hiện nay mà chúng tôi cần được sự hỗ trợ của tỉnh và các cơ quan Trung ương liên quan là nguồn kinh phí để xây dựng, nâng cấp hạ tầng giao thông dẫn đến Di tích; xây dựng nhà lưu giữ, trưng bày mộc bản; nghiên cứu, đánh giá giá trị kho mộc bản và đề nghị UNESCO công nhận là di sản tư liệu thế giới...

Pv: Xin cảm ơn ông.

Chùa Bổ Đà hội tụ đầy đủ những giá trị nổi bật về lịch sử, tôn giáo, kiến trúc và văn hóa. Đây là trung tâm Phật giáo lớn của miền Bắc và được xem là chốn tổ của Thiền phái Lâm Tế. Kiến trúc trải qua nhiều thế kỷ, nhiều lần trùng tu, song được bảo tồn khá nguyên vẹn.

Kiến trúc chùa khác biệt so với các ngôi chùa truyền thống ở miền Bắc. Đó là lối kiến trúc “nội thông ngoại bế” tạo vẻ u tịch, thanh bình, linh thiêng. Hệ thống tường gạch cổ và tường bao trình bằng đất đặc trưng hiếm nơi nào có được. Vị trí chùa tọa lạc ở trang Tiên Lát (xưa) thuộc phòng tuyến sông như nguyệt gắn với lịch sử hàng ngàn năm chống giặc ngoại xâm của dân tộc.

Đặc biệt, chùa còn lưu giữ kho mộc bản kinh Phật với khoảng 2.000 bản khắc ngược bằng chữ Hán - Nôm và chữ Phạn trên gỗ thị với kỹ, mỹ thuật tinh xảo. Hiện các bộ mộc bản khá nguyên vẹn và đã được xác lập kỷ lục việt nam là bộ mộc bản của Thiền phái Lâm Tế khắc trên gỗ thị cổ nhất Việt Nam. Ngoài ra, chùa có vườn tháp cổ, nơi tàng lưu xá lị, tro cốt các vị tăng ni, với 97 ngôi tháp, là vườn tháp đã được xác lập kỷ lục lớn nhất Việt Nam.


Vũ Hải

Nguồn: langvietonline.vn

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/phat-huy-gia-tri-van-hoa-du-lich-di-tich-quoc-gia-dac-biet-chua-bo-da-a9113.html