07/03/2017 11:31
07/03/2017 11:31
Nhà thơ Ngô Thế Trường: Kẻ 'Bạo' chữ
Nhà thơ Ngô Thế Trường đã được ghi nhận bằng các giải thưởng lớn: Giải B cuộc thi bút ký 1982 của Đài Tiếng nói Việt Nam, Giải nhì cuộc thi thơ “Nhịp sống mới trong thơ” Báo Người Hà Nội 2013...
Trước khi đột ngột qua đời vào ngày 28 tháng 7 năm 1987, nhà văn tài danh Nguyễn Tuân có đến xem một triển lãm tranh của họa sĩ Bửu Chỉ (người Huế) ở Hà Nội. Ông cho rằng: "Cái tài, sự khác lạ của họa sĩ này là đã biến khố tải thành toan và tranh của Bửu chỉ đã đạt đến trình độ của “nghệ thuật tranh khố tải”".
Những sợi đay nâu, thô, xen bài ba sợi trắng nhờ và tự dưng, dù khác thế, lại gợi nhớ thế giới tranh Đông Hồ. Bửu Chỉ đã nhấn vào cái nền dân tộc một thời ấy bao nhiêu đam mê và táo bạo.
Còn trong thơ, nhà thơ Phạm Tiến Duật lại nói theo cách khác. Sinh thời, thi sĩ của Trường Sơn từng nói: “Nếu ví người làm thơ như một người chơi đồ chơi thì có hai dạng: Chơi đồ tinh và chơi đồ thô. Người chơi đồ tinh thường ưa những gì thuộc về cân đối, phẳng phiu, bóng bẩy… trong khi ấy thì chơi đồ thô thường ưa những gì thuộc về gồ ghề, góc cạnh, ấn tượng…Trong hai dạng này, chơi đồ thô khó hơn và cần “cao tay ấn” hơn".
Rồi ông đọc những câu thơ của Nadim Hítmét ra làm dẫn chứng:
Bà nội trợ đứng ở ban công phơi bầy bộ ngực
Anh có nỗi say mê để cắn vào thịt em;
Anh ra tù ba tháng/ Vợ anh liền có chửa…Riêng 2 câu thơ cuối, ông bình: “Đấy là lời tố cáo sự hà khắc giam cầm sự sinh sôi của nhà tù phát xít đấy chứ. Mượn chữ “tù” và hai chữ “có chửa”, tuy “tục” mà vẫn “thanh”, mà vẫn thơ, để chứa một ẩn ý như thế, hỏi đã có mấy ai làm được như nhà thơ nổi tiếng người Thổ Nhĩ Kỳ này”.
Sau nhiều năm, tôi cũng có cảm giác không khác thi sĩ của Trường Sơn mấy mỗi khi đọc tập thơ mới xuất bản gần đây của nhà thơ Ngô Thế Trường mang tên “Những lỗ vuông”.
Có thể nói: Chữ trong “Những lỗ vuông” của Ngô Thế Trường bao giờ cũng “gắt” và “chói”, “động”, “mạnh”. Đó là nhựa máu trong Cây biết khổ đau/ Tự lành vết thương bằng nhựa máu (“Cây biết lặng im”); thời gian sứt sẹo trong Màu gạch úa thời gian sứt sẹo (“Những lỗ vuông); khô mặn trong Tiếng chim hót khô mặn (“Hoa cúc vàng trên cát”); nước mắt đen trong Nốt ruồi như nước mắt đen (“Thím”); bê tông lở loét trong Cầu tầu còn nguyên bóng thợ/ Mấy hoa thị bê tông lở loét (“Những cầu tầu Tam Bạc”)…Và có vẻ như đầy đủ hơn, nặng đồng cân hơn là câu: Ưỡn mùa tung tẩy xanh (“Nhai lại cỏ”).
Rồi những chữ ấy đứng bên nhau, xâu chuỗi lại, kết hợp lại mà thành câu. Rồi câu hình thành ý, lập ý hoặc tải ý. Rồi ý được hệ thống, được hình thức hóa mà thành tứ. Không thể có một tinh thần khỏe mạnh trong một cơ thể yếu đuối và ngược lại – tôi đã nghĩ như thế khi đọc “Những lỗ vuông”.
Đấy là “không gian lạ” – “không gian ma – người”: Trăng sáng Bạch Đằng Giang/ Thắp nén hương thương người dưới sóng/ Con cá nhỏ, bát cơm quả trứng/ Chài mời ma lên nhậu đón xuân (“Thắp hương người”).
Đấy là “không gian lạ” – “không gian yêu đương”: Chúng ta yêu cuồn cuộn bão từ/ Va chạm mở thiên hà sinh nở (“Va chạm”).
Đấy là không gian của sự không phân biệt (tâm không phân biệt) theo quan niệm và tinh thần nhà Phật: "Trong bóng tối/ Người cao và người thấp đều như nhau (“Màu đêm”); Thắp hương người không thắp hương ma (“Thắp hương người”)".
Nha tho Ngo The Truong: Ke 'Bao' chu
Nhà thơ Ngô Thế Trường.
Và đi kèm với mấy câu thơ trên là lời giải thích bằng thơ, lúc đầu là một câu nghi vấn: Và bao nhiêu thời nữa/ Loài người pha được màu đích thực của đêm? Tiếp theo là một câu khẳng định: Thắp nén hương thương người dưới sóng.
Rõ ràng, ở câu sau, Ngô Thế Trường coi ma cũng là người nhưng là “người dưới sóng”. Sự không phân biệt này hoặc cái tâm không phân biệt này ở Ngô Thế Trường còn tiếp biến ở “Tế ma trên sóng Bạch Đằng” khi thương cả ma, ở “Những con cóc vàng” khi thương cả những đôi tình cóc, ở “Đôi bạn tình ở Mỹ” mang thương hiệu Mỹ khi mà Chú chó Zeus đã sủa khản đặc tiếng tìm kiếm người giúp đỡ cô chó Athena bị mắc chân khi nhảy qua hàng rào sắt ở ngoại ô thành phố Fulton bang Georgia…
Đó là không gian của những phát hiện. Nếu như nữ sĩ Bungari Blaga Đimitrôva nhìn người phụ nữ Việt Nam có bầu như đang mang một quả đất trong người, thì Ngô Thế Trường lại nhìn bào thai là Một đại dương bé nhỏ hơn cái thúng/ Dưỡng sinh chín tháng mười ngày (“Đại dương”).
Không chỉ có thế, trong “Những hạt sương cánh đồng”, Ngô Thế Trường còn thấy Cánh đồng như người đàn bà nằm im hứng chịu. Trong “Nợ một đêm trăng”, cái cảm giác “chia mà không xa” như là bi kịch của những cặp tình nhân được Ngô Thế Trường tái hiện thật khác lạ trong một hoàn cảnh cụ thể: Em nợ ta đêm trăng nữa nhé/ Trăng Lý Sơn méo mó chân đồi/ Anh đâu biết ngày mai xa đảo/ Em cũng lấy chồng xa Lý Sơn. Sát sàn sạt hơn, trong “Màu đêm”, Ngô Thế Trường còn thấy nguy cơ tàn phá tiềm ẩn trong những thói quen diễn ra hàng ngày trong thời buổi hiện nay: Thời chúng ta, phong bì gấp lại chứa một màu đêm/ Thành bộc phá không lường hết được.
Trong “Những lỗ vuông”, “Sống” như là “chỉ dấu” của nhân tính. Bài thơ được diễn giải như một câu chuyện kể. Một quán cà phê đẫm máu, ngổn ngang người tử nạn vì mìn. Một người y tá phát hiện có một người bị thương cần được cấp cứu. Rồi mọi người ra trợ giúp người ấy. Chẳng ngờ người ấy chính là thủ phạm…Chất nhân tính được bộc lộ hết cỡ trong mấy câu kết: Chuyện đó rồi tính sau/ Tiếp tục…/ Người y tá đánh thức trái tim cho nó sống. Đây là tứ thơ thành công nhờ “thượng ý” chứ không “thượng từ”.
Trong “Những lỗ vuông” còn có “Những lỗ vuông”. Hẳn phải thích bài thơ này, Ngô Thế Trường mới lấy tên bài thơ thành tên tập thơ. Cả bài thơ chỉ tập trung vào những lỗ vuông (sản phẩm dư thừa của một thời thiếu nhà vệ sinh công cộng) như là kỷ niệm không muốn có, nhưng lại nhớ lâu và gây ấn tượng mạnh. Người đọc lờ mờ nhận ra từ một câu thơ viết thật khéo: Mùi bẩn bay dài phố.
Theo tôi, thơ của Ngô Thế Trường là thứ thơ được sinh ra từ sự “bạo” chữ, từ đó là “hạt nhân” góp phần tạo ra sự “bạo” ý và “bạo” tứ. Thơ Ngô Thế Trường cũng có thể gói tròn trong một chữ “bạo”. Đó cũng là thuộc tính và phong cách thơ Ngô Thế Trường.
Tôi gặp Ngô Thế Trường vào cuối năm 2011, khi anh vừa sinh hạ đứa con tinh thần mang tên “Xà Xía không xa xôi”. Đây là tập bút ký đầu tiên, được in thành sách của một “nhà tư vấn, quy hoạch, xây dựng” có đến trên một chục năm lăn lộn với các tỉnh đồng bằng Tây Nam Bộ.
Anh bảo: “Đây là kết quả “phái sinh” của những ngày mình lăn lộn ở Tây Nam Bộ nói chung và huyện mới Kiên Hải nói riêng. Huyện mới này cũng đặc biệt lắm, bị cách ly với đất liền, có khoảng 108 hòn đảo nhỏ, giáp vùng biển của Thái Lan – quốc gia láng giềng, còn tôi là người được Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang lúc đó là anh Lâm Kiên Trì trao cho trọng trách “chọn vị trí trung tâm Kiên Hải”.
Thời điểm đang có Chiến tranh biên giới này, tôi là cán bộ của Bộ Xây dựng được biệt phái vào Kiên Giang. Sau những chuyến đi ấy, ngoài thu hoạch về chuyên môn, tôi còn có : “Trên biển Kiên Hải” – một bút ký từng được trao Giải B cuộc thi bút ký của Đài Tiếng nói Việt Nam cùng với những nhà văn, nhà thơ có tiếng như Nguyễn Trí Huân, Trung Trung Đỉnh, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Trinh Đường, Nguyễn Văn Đệ…”
Từ 2011 đến 2016, Ngô Thế Trường đã cho ra mắt bạn đọc liên tiếp 1 tập văn xuôi và 5 tập thơ. Như thế cũng có nghĩa, sau nhiều tháng năm dồn nén, Ngô Thế Trường đã tìm đến và giải thoát bằng văn chương.
Từ 1982 đến 2013, cái nghiệp văn chương của Ngô Thế Trường cũng đã được ghi nhận bằng các giải thưởng và được đánh dấu bằng: Giải B cuộc thi bút ký 1982 của Đài Tiếng nói Việt Nam, Giải nhì (không có Giải nhất) cuộc thi thơ “Nhịp sống mới trong thơ” Báo Người Hà Nội 2013, Giải nhì Văn học công nhân và công đoàn của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam giai đoạn 2010 – 2014.
Năm có chân trong Ban sơ khảo cuộc thi thơ “Nhịp sống mới trong thơ” do Báo Người Hà Nội tổ chức, tôi có nghe nhà thơ Nguyễn Bình Phương nhận xét: “Thơ Ngô Thế Trường là thứ thơ vạm vỡ. Nếu Người Hà Nội trao được một giải riêng về đề tài biển đảo thì nên trao cho Ngô Thế Trường. Anh rất xứng đáng được trao một giải như vậy.”
Chỉ cần đọc Núi như người tình lớn/ Đè nghiêng chiều Quy Nhơn đã thấy ngay chất vạm vỡ trong thơ Ngô Thế Trường. Rồi đằng sau chất vạm vỡ ấy luôn ẩn chứa sự ngẫm nghĩ, suy tưởng có bề dày của công cuộc “mở cõi” dài lâu và bền bỉ mà câu thơ trích dẫn dưới đây được coi là tiêu biểu: Những bước chân lầy lội đến tự do.
Cũng có người thấy Ngô Thế Trường viết nhiều, viết khỏe thì cho rằng anh là một hiện tượng mới nổi. Thật ra đấy là bản chất, không phải hiện tượng.
Ngay từ những năm 1960 của thế kỷ trước, khi còn đang tuổi thiếu nhi, Ngô Thế Trường đã mê thơ. Hồi ấy, anh đã từng tò mò và háo hức nghe hoặc đọc những bài thơ tươi mới của Vũ Châu Phối (Giải ba cuộc thi thơ của Tuần báo Văn nghệ 1969). Anh bảo: “Ngay từ hồi ấy, chính nhà thơ Vũ Châu Phối đã gieo mầm thơ vào tôi và có ảnh hưởng lớn đến tôi”.
Khoảng năm 1966 – 1967, Ngô Thế Trường mê thơ đến mức đã có lần gần như cướp tập thơ “Hương cây – Bếp lửa” của Lưu Quang Vũ và Bằng Việt ở Hiệu sách Nhân dân Núi Đèo (trung tâm huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng).
Anh kể: “Hồi ấy, sách văn học hiếm lắm. Bản thân tôi cũng mê sách và mê thơ lắm. Và bao giờ, ở hiệu sách nào, chủ hiệu sách cũng để lại một vài cuốn để “bầy mẫu không bán”. Tôi biết, nếu hỏi mua, chắc hẳn người ta không bán.
Tôi bèn nghĩ ra một cách: Chuẩn bị sẵn tiền đúng theo giá bìa, xin được coi sách và sau đó, bỏ tiền lại, cầm ngay cuốn sách rồi phi xe đạp…chạy. Vậy là ngay từ khi ấy, tôi đã là “tên kẻ cướp tử tế” rồi đấy”.
Đến năm 1974, Ngô Thế Trường đã có hẳn một chùm thơ đăng trên “Sáng tác Hà Nội” (tiền thân của Tạp chí Người Hà Nội, Báo Người Hà Nội) cùng với các đấng bậc như Chế Lan Viên, Xuân Diệu…do nhà thơ kỹ tính và đặc biệt say thơ Tô Hà chọn. Thời điểm ấy, Ngô Thế Trường 22 tuổi. Với những cây bút trẻ thời ấy, được “trình làng” cỡ ấy, cũng là may mắn và danh giá lắm rồi.
Mới đấy mà đã 42 năm!
Đặng Huy Giang
Nguồn: phununews.vn
Link nội dung:
https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/nha-tho-ngo-the-truong-ke-39bao39-chu-a9098.html