Hậu Giang - Lưu truyền và phát triển

Cũng như nhiều tỉnh, thành Nam bộ khác, đờn ca tài tử (ĐCTT) ở Hậu Giang hình thành và phát triển sớm. Sự tồn tại đó khẳng định bằng việc số lượng người chơi ngày một nhiều, dưới hình thức các câu lạc bộ (CLB). Nhiều người ưa thích bộ môn này còn tập hợp lại với nhau vào những tối rảnh rỗi để cùng hòa đờn, hòa ca, xua tan những mệt nhọc, tiếp thêm sức mạnh bước tiếp trong cuộc sống…



ĐCTT trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của người dân Hậu Giang. Ảnh: Sở VH-TT&DL Hậu Giang cung cấp

Sống mãi theo thời gian

Có tham dự một buổi sinh hoạt ĐCTT mới thấy hết được cái hay, cái đẹp của nó. Tôi may mắn được dự một buổi sinh hoạt ĐCTT do các nghệ nhân của thị xã Ngã Bảy biểu diễn trên thuyền cách đây hơn 5 năm, trong không khí trong lành của buổi chiều, khi chiếc thuyền lênh đênh trên chợ nổi Ngã Bảy, tấp nập ghe xuồng neo đậu sau giờ bán, rao mệt nhoài. Hòa trong không khí ấy, những câu hát ngọt ngào được các nghệ nhân cất lên, hòa cùng tiếng đàn kìm, đàn sến tạo nên một âm thanh tuyệt vời, khiến người nghe như say với vùng đất và con người nơi đây…

Mới đây, tôi lại trở về vùng đất này nhưng không phải nghe ĐCTT trên thuyền, mà tham gia cùng CLB ĐCTT ấp Đông An với những nghệ nhân yêu và tâm huyết với nghề ở ấp Đông An, xã Đại Thành, thị xã Ngã Bảy. Chú Nguyễn Hoàng Nhựt (67 tuổi), Chủ nhiệm CLB ĐCTT tâm sự, nghề đàn là nghề cha truyền con nối. Cha và các chú, bác của chú Nhựt đã chơi đàn từ thời còn chiến tranh, đến những năm tháng hòa bình. Bây giờ, đến lượt chú truyền nghề cho những ai yêu thích ở địa phương. Vào tối 16 âm lịch hàng tháng, gần 20 nghệ nhân trong ấp và các ấp lân cận yêu thích ĐCTT tập hợp tại nhà chú. Bên tách trà nóng, họ cùng hòa đờn, hòa ca, hát như chưa bao giờ được hát và đờn như ngày mai không còn được đờn.

Tôi cũng vừa được sống cùng với các cô chú những người mộ điệu tại một buổi sinh hoạt ĐCTT ở ấp Mỹ Hiệp, xã Tân Tiến, thành phố Vị Thanh. CLB này có 22 người đều lớn tuổi, trẻ nhất cũng 40 tuổi. Người dân ở đây sống bằng nghề nông nên phải chập choạng tối họ mới xong việc và tập hợp tại Nhà Văn hóa - Thể thao ấp để sinh hoạt. Nhà gần thì đi bộ, xa chút chạy xe đạp, xe honda, họ mang theo gói trà, hộp bánh, trái cây, ly uống nước để tự phục vụ. Anh Trần Văn Gô, Chủ nhiệm CLB ấp Mỹ Hiệp chia sẻ: “Mọi người đam mê nên những buổi sinh hoạt luôn đông đúc. Trước đây, họ thường tập hợp tại nhà tôi, hay nhà của một số thành viên khác, khi hát hò xong lại cùng nhau nấu cháo, uống ly rượu đế và chia tay nhau để mỗi người trở về với công việc thường nhật. Trong CLB có nhiều cặp vợ chồng cùng sinh hoạt nên duy trì được số lượng đông”.

Cũng giống như CLB ấp Mỹ Hiệp, các CLB ĐCTT rải rác khắp nơi ở Hậu Giang cũng hình thành và tự nghĩ ra cách sinh hoạt như thế. Không chỉ vậy, ĐCTT còn theo chân những nghệ nhân đến phục vụ đám tiệc ở địa phương, theo chân họ lên sân khấu trong những liên hoan trong và ngoài tỉnh. ĐCTT cũng lan truyền và sống trong lòng người dân với cách như vậy…

Gìn giữ bằng truyền nghề

Với sức sống mãnh liệt của ĐCTT Nam bộ để loại hình nghệ thuật này phát triển mạnh mẽ, Hậu Giang đã xác định đây là nhiệm vụ của mình trong việc xây dựng các sân chơi thu hút đông người tìm đến với nghệ thuật tài tử. Ông Phan Phương Đào, Trưởng phòng Nghiệp vụ văn hóa (Sở VH-TT&DL) Hậu Giang nói, mọi cái muốn phát triển đều cần phải có kế thừa mới phát huy được, do đó việc đào tạo, hướng dẫn lớp trẻ hát, đờn là việc mà Hậu Giang đã và đang làm. Cụ thể, hàng năm mỗi huyện, thị, thành phố và các xã, phường, thị trấn phải tổ chức các lớp truyền, dạy ĐCTT tại các thiết chế văn hóa; các trường THPT, THCS, cao đẳng, đại học và trung cấp chuyên nghiệp đều có đưa nội dung ĐCTT vào chương trình giảng dạy cho học sinh, sinh viên. Song song đó, tỉnh đưa chương trình ĐCTT vào mục tiêu trọng điểm của công tác văn hóa, thể thao và du lịch hàng năm, đưa chỉ tiêu về ĐCTT bổ sung vào chương trình phát triển nông thôn mới, chương trình sinh hoạt văn hóa ở cộng đồng khu dân cư, từng bước làm cho nghệ thuật ĐCTT thấm sâu vào nét sinh hoạt hàng ngày của người dân Nam bộ nói chung và Hậu Giang nói riêng.

Nhờ đó, Hậu Giang đã có đội ngũ “hậu duệ” xuất sắc, gặt hái thành tích trong các cuộc thi, liên hoan ĐCTT trong và ngoài tỉnh. Các em càng khẳng định niềm đam mê loại hình nghệ thuật này khi giới thiệu, biểu diễn để lan truyền niềm thích thú hát ca cho các bạn đồng trang lứa. Hiểu hơn về đội ngũ kế thừa, chúng tôi gặp em Nguyễn Ngọc Khanh. Mặc dù mới 12 tuổi nhưng em đã hát rất chuẩn các bản cổ. Khanh cũng giúp nhiều bạn thích ca, biết ca và cùng nhau đưa bài bản tài tử vào hội thi văn nghệ của trường và biểu diễn mỗi khi nhà trường có tổ chức văn nghệ. Hay em Lê Văn Sang mới được 13 tuổi nhưng hàng đêm vẫn theo ba mẹ đi ca để rồi trở thành giọng ca nổi tiếng trong các đám tiệc, liên hoan, biểu diễn văn nghệ trong huyện Long Mỹ. Em đã trở thành niềm tự hào của gia đình, địa phương khi góp sức bảo tồn loại hình nghệ thuật dân tộc. Sang tâm sự: “Lúc nhỏ được nghe mẹ hát ru em nên hát theo. Đến khi em biết đọc, biết viết, mẹ mua sách có lời bài hát cho em học. Học thuộc lời và được ba mẹ dạy hát nên em đã hát tốt và được các cô chú khen. Em còn đi hát đám cưới và được các cô chú cho tiền để dành đi học”.

Hiện tại Hậu Giang có 80 CLB ĐCTT, với 836 thành viên. Theo đánh giá của Sở VH-TT&DL Hậu Giang, phong trào ĐCTT ở đây ngày càng phát triển nhanh về số lượng, chất lượng, thu hút đông đảo mọi người tham gia. Để lớp trẻ có dịp thưởng thức ĐCTT do các nghệ nhân “lão làng” các địa phương khác biểu diễn, Festival lần II này, Hậu Giang sẽ đưa một số em đến tham dự không gian ĐCTT. Hiện nay, các em đang được tập luyện để đưa giọng hát ngọt ngào đậm chất Nam bộ đến với festival.

“Đây là lần 2 Hậu Giang tham dự Festival ĐCTT quốc gia, những người yêu ĐCTT trong tỉnh rất háo hức, chờ đợi. Ai cũng xác định đến với festival không chỉ giới thiệu nét đặc sắc của địa phương qua lời ca, tiếng đờn, đặc sản… mà còn phải hát thật hay, biểu diễn thật giỏi để góp phần giới thiệu ĐCTT đến với bạn bè trong nước, quốc tế. Từ đó, càng đưa ĐCTT bay cao, bay xa xứng danh là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại”. Ông Phan Phương Đào, Trưởng phòng Nghiệp vụ văn hóa, Sở Văn hóa, Thể thao và Du Lịch Hậu Giang.


Vĩnh Trà - Thiên Lý

Nguồn: Báo Bình Dương

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/hau-giang-luu-truyen-va-phat-trien-a9073.html