06/03/2017 14:30
06/03/2017 14:30
Gặp những nhạc công truyền thống Huế ở Hội An
Có dịp ghé thăm Hội An dịp đầu xuân, ấn tượng với tôi nhất là những buổi diễn âm nhạc truyền thống, mà ở đó phần lớn nhạc công đều đến từ Huế.
Nhạc công đàn bầu Võ Hải Minh (ở giữa) trong một buổi biểu diễn âm nhạc truyền thống tại phố cổ Hội An
Tôi quen Võ Hải Minh, nhạc công đàn bầu ở Huế cũng khá lâu. Tình cờ gặp lại người bạn nơi đất khách (anh đang chơi nhạc truyền thống ở phố cổ Hội An), hóa ra anh đã đến đây lập nghiệp cũng đã mấy năm nay rồi. Gặp nhau trong niềm vui vỡ òa, anh bảo, tối nay sau khi làm việc xong đến đưa tôi làm mấy ly để hàn huyên tâm sự… Ra bờ sông Hoài yên tĩnh và thơ mộng, Hải Minh kéo thêm mấy người bạn cùng làm nghề đến chơi. Tưởng là người bản địa Hội An, hóa ra những người bạn đều là người Huế mình cả; có người học ở Nhạc viện Âm nhạc Huế, có người học ở Trường trung cấp Văn hóa Nghệ thuật của tỉnh, ra trường kéo nhau vào đây lập nghiệp.
Võ Hải Minh vào Hội An cũng đã gần sáu năm rồi. Hiện nay, nhạc công truyền thống ở Huế đang chơi nhạc ở Hội An được 13 người trên tổng số 40 người thuộc biên chế của Trung tâm Văn hóa - Thể thao Hội An. Người làm lâu nhất trên 10 năm và người mới nhất là nghệ sĩ thổi sáo Văn Tùng mới được 1 năm. Điều phấn khởi nhất, họ được trọng dụng và trả công xứng đáng. Mỗi nhạc công, mỗi ngày biểu diễn 3 suất (sáng, chiều, tối), mỗi suất 45 phút, cũng đã có thù lao 300.000đ/người/3 suất (chưa kể tiền lương chính thức hàng tháng, tiền thưởng thêm của cơ quan và của khách), nên thu nhập hàng tháng của nhạc công truyền thống ở đây đều trên mức 10 triệu đồng.
Nhạc công đàn nguyệt và trống Nguyễn Văn Việt chia sẻ: “Có lẽ mình là người lâu năm nhất trong số anh em người Huế vào đây lập nghiệp, hơn 10 năm. Trong thời gian qua, nhờ có thu nhập cao, mình đã tích cóp và mua đất làm nhà ở trung tâm thành phố. Phải công nhận anh em ở Huế vào đây lập nghiệp đa số đều thành công, bởi người dân Hội An rất mến khách, trọng nhân tài và người ta biết chia sẻ lợi ích thu được từ việc kinh doanh dịch vụ công bằng, nên đã thu hút rất nhiều người tài về đây làm việc, giúp Hội An ngày một phát triển hơn”.
Nguyễn Tuấn, nhạc công đàn nhị, người cũng vào đây lập nghiệp gần 10 năm, nói rằng: “Ở đây mọi cái đều công khai. Năm 2016, tổng thu của cơ quan (Trung tâm Văn hóa - Thể thao Hội An) thông qua việc bán vé tham quan phố cổ, biểu diễn âm nhạc truyền thống cũng đã đem về cho thành phố 172 tỷ đồng, sau khi nộp thuế cho nhà nước khoảng 140 tỷ đồng, số tiền còn lại cơ quan trả lương, trả thưởng cho anh em cơ quan. Có những người cuối năm vừa qua, thưởng tết, thưởng công làm việc… lên đến hàng chục triệu đồng”.
Chia tay các nhạc công người Huế đang sinh sống và làm việc ở Hội An trong niềm vui bởi sự thành công của họ nơi đất khách. Họ nói với tôi rằng, về nhạc công truyền thống – Huế là nơi đào tạo và cung cấp rất nhiều nhân tài cho cả nước, chứ không riêng gì cho Hội An. Hy vọng, sẽ còn đón tiếp nhiều nhạc công, nghệ sĩ truyền thống Huế vào đây lập nghiệp, khi mà Hội An vẫn đang còn thiếu nguồn nhân lực do lượng khách đến đây ngày một đông hơn.
Trọng Hoàng
Nguồn:: Thừa Thiên Huế Online
Link nội dung:
https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/gap-nhung-nhac-cong-truyen-thong-hue-o-hoi-an-a9071.html