Tục ‘ăn tết lại’ của người dân miền biển

Hàng năm, cứ ngày mùng một tháng 2, tức là cách Tết Nguyên đán 1 tháng, nhiều làng quê miền biển ở xứ Thanh lại tổ chức ăn tết lại. Đây là nét văn hóa lâu đời, là dịp để con cháu ôn lại truyền thống và hiểu rõ hơn về tập tục độc đáo cũng như những câu chuyện xa xưa được truyền lại của quê hương mình.

Tục “ăn tết lại” của làng Đồn Điền, xã Quảng Thái (Quảng Xương)

Một tháng sau tết, tức là vào ngày mùng một tháng 2 âm lịch hàng năm, người dân làng Đồn Điền, xã Quảng Thái tổ chức ăn tết lại và ngày này người dân còn ăn tết to hơn so với những ngày tết cổ truyền. Theo sử sách ghi lại, làng Đồn Điền xưa kia là vùng đất hoang vu, chỉ có cát nóng, cây dại, ruộng đồng hoang sơ. Dưới thời vua Lê Thánh Tông, chánh sứ Tô Chính Đạo và Uông Ngọc Châu được nhà vua cử về đây trấn giữ vùng đất này và thành lập nên sở Đồn Điền với mục đích “ngụ binh ư nông” có nghĩa vừa phát triển quân lính vừa sản xuất lấy lương thực. Trong một lần sắp Tết Nguyên đán, ông được vua ra lệnh dẫn quân đi đánh giặc Chiêm Thành. Sau khi chiến thắng trở về, lúc này đã qua Tết cổ truyền từ lâu. Nhưng để mừng thắng trận, hai vị tướng đã mở hội khao quân và cho người dân ăn tết lại vào ngày mồng một tháng 2 âm lịch. Từ đó, tục ăn tết lại của người dân làng Đồn Điền, xã Quảng Thái được duy trì cho đến tận ngày nay.

 
“Ăn tết lại” của làng Đồn Điền cũng đầy đủ bánh chưng, xôi, gà, giò, chả, canh măng... như Tết Nguyên đán, thậm chí còn to hơn. Vào ngày “ăn tết lại”, người dân sẽ mang đồ lễ ra đền làng để tế. Đồ lễ gồm xôi, gà hoặc thủ lợn, vàng hương, hoa quả. Hộ nào nghèo nhất cũng phải có một đĩa trầu cau, một be rượu và một thẻ vàng hương. Sau khi tế ở đền, gia chủ mang đồ lễ về nhà để thụ lộc và làm cỗ mời khách. Điểm độc đáo nhất của tục “ăn tết lại” là người dân trong làng chỉ mời khách ngoài làng và các xã lân cận là người thân quen của gia đình, thậm chí rất tình cờ gặp khách lạ mà thấy quý mến, gia chủ cũng có thể mời nhập tiệc luôn. Cụ Uông Ngọc Minh, thôn 2 làng Đồn Điền cho biết: “Tục ăn tết lại của làng chúng tôi đã lưu truyền từ nhiều thế hệ, đến nay cũng đã ngót mấy trăm năm và chúng tôi không thể quên được ngày này. Chỉ mong sao con cháu hiểu rõ và cố gắng giữ gìn truyền thống của quê hương”.

Ăn tết lại” của làng Thiều Xá, xã Cầu Lộc (Hậu Lộc)

Tương truyền rằng, ở thời nhà Lê, có một vị tướng tài ba tên là Lê Phúc Đồng, ông vốn là một người con của làng Thiều Xá, có tài thao lược quân sự, ông được triều đình cử đi dẹp giặc Ân xâm lược bờ cõi nước Nam, ở cửa biển Thần Phù. Khi đoàn quân của ông vượt qua sông Mã, đến đoạn sông Lèn (một nhánh đổ ra biển của sông Mã) thì thuyền của tướng quân bị mắc cạn.Tướng quân Lê Phúc Đồng đã cho quân lính nghỉ chân ngay dưới bến của làng và lên bờ dạo chơi. Tình cờ, ông gặp một cái miếu nhỏ nằm dưới chân núi Thiều, nên tướng quân liền thắp nhang cầu khấn, xin cho đoàn quân được thuận buồm xuôi gió, để đánh thắng giặc Ân. Sau khi ông trở lại bến thuyền, thì bất ngờ thấy thuyền đang mắc cạn bỗng xuôi dòng tiến thẳng về phía quân giặc. Trận đánh ấy, đội quân của Tướng quân Lê Phúc Đồng đã đại thắng. Lúc trở về, Tướng quân Lê Phúc Đồng đã cho quân ghé vào làng Thiều làm lễ tạ ơn và mở hội cho dân làng ăn mừng chiến công. Đến ngày mùng một tháng 2 (âm lịch), Tướng quân Lê Phúc Đồng xin dân làng được tổ chức ăn tết lại, để tạ ơn dân làng Thiều rồi mới trở về triều.

Chính vì thế ngày “ăn tết lại” của người dân làng Thiều lúc nào cũng được tổ chức linh đình, nhưng khác với tết cổ truyền gói bánh chưng, thì họ lại làm bánh dày. Khoảng giữa trưa là thời điểm các hoạt động tế lễ ở đình làng đã được hoàn tất và mọi người ai về nhà nấy cúng cỗ và ăn cơm trưa trong gia đình, buổi chiều là phần chơi hội.




Lễ hội ăn tết lại của người dân làng Thiều Xá (Hậu Lộc)
.

Hy vọng, tục ăn tết lại của các địa phương nói trên sẽ được duy trì bởi đây là nét đẹp văn hóa truyền thống rất đặc trưng mà không phải làng quê nào cũng có được.

Trần Thương

Nguồn: vanhoadoisong.vn

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/tuc-an-tet-lai-cua-nguoi-dan-mien-bien-a9050.html