Chào anh Triệu Trung Kiên, được biết, anh là một trong những nghệ sĩ giành rất nhiều tâm huyết cho sân khấu nói chung, nghệ thuật cải lương nói riêng. Trong khi các bạn của anh chọn hướng nghệ thuật khác, theo số đông thị hiếu khán giả hiện đại, còn anh lại theo nghệ thuật cải lương kén người xem. Vậy, điều gì khiến anh có tâm và đau đáu với cải lương như vậy?
Đó là định mệnh. Nói chi tiết hơn, bố mẹ tôi là học trò của các nghệ nhân Tám Danh, Ba Du… những nghệ sỹ cải lương tài danh tập kết ra Bắc những năm 50, 60 của thế kỷ trước. Tôi lớn lên mà quanh mình là âm hưởng của những làn điệu cải lương. Lúc mới 7 tuổi, tôi đã lên sân khấu với vai diễn đầu tiên Trần Quốc Toản. Sau này không nên duyên với kiến trúc, tôi đã là người của cải lương. Tôi nghĩ là mình sẽ đi đến cùng vì tin rằng, cải lương vô cùng tuyệt diệu và tôi nhận thấy giá trị cũng như cả hạnh phúc của mình ở trong đó.
Đạo diễn, NSƯT Triệu Trung Kiên giữa đời thường.
Hiểu rất rõ những khó khăn mà cải lương đang gặp phải. Vậy, anh có kế hoạch gì để công chúng yêu và thích xem loại hình nghệ thuật này hơn?
Đây cũng là câu hỏi làm tôi trăn trở bấy lâu nay. Với việc này, trước hết phải phân tích tình hình, tìm hiểu nguyên nhân,… Theo tôi có một nguyên nhân căn bản là nếu nhìn nhận dưới góc độ nghệ thuật là món ăn tinh thần, thì món ăn “cải lương” hôm nay đã không còn hợp khẩu vị. Nguyên nhân dẫn đến sự không hợp khẩu vi là do “người nấu” chứ không phải do “nguyên liệu”. Vậy, hãy học cách để trở thành người đầu bếp giỏi. Bởi, khi món ăn ngon, bổ, rẻ, hợp khẩu vị sẽ có nhiều thực khách tìm đến thưởng thức thôi.
Để làm mới sân khấu cải lương, các đề tài anh khai thác thường như thế nào? Với đề tài, cách dàn dựng sân khấu cho đến lối diễn, anh có chú trọng để cách tân loại hình nghệ thuật này phù hợp hơn với thị hiếu khán giả hiện đại?
Bạn dùng từ “làm mới”, “cách tân” là hoàn toàn chính xác. Bản chất của nghệ thuật cải lương là đổi mới và cách tân. Điều đó đã được khẳng định suốt chiều dài lịch sử hình thành và phát triển của cải lương.
Không đổi mới là cải lương đã phủ định chính mình, còn yếu tố đề tài chỉ là thứ yếu. Nhưng đổi mới thế nào là cả vấn đề cần nhìn nhận thấu đáo. Tựu chung là một mặt bảo tồn những giá trị bất biến, trong đó, điều cốt lõi là hệ thống âm nhạc tài tử Nam bộ. Mặt khác, tiếp tục tiếp thu những tinh hoa của văn hóa nghệ thuật thế giới, để cải lương thực sự là một nghệ thuật dân tộc nhưng đương đại, thỏa mãn nhu cầu thẩm mỹ của người xem hiện đại.
Ở đây, tôi xin nhấn mạnh là người xem hiện đại, những người xem thực sự là lực lượng đồng sáng tạo có chất lượng và trách nhiệm của nghệ thuật sân khấu hôm nay.
Một cảnh trong "Chuyện tình Khau Vai" được khán giả rất yêu thích.
Được biết, trước đây, anh có đem một vài vở diễn của mình như Chuyện tình Khau Vai, Mê Cung, Mai Hắc Đế,… vào TP.HCM để phục vụ khán giả miền Nam và đã thành công. Vậy, anh có nhận xét gì về sự khác nhau giữa khán giả miền Bắc và miền Nam? Với khán giả mỗi miền, anh có chú trọng đến phần nào để làm điểm nhấn không?
Sự khác nhau của mỗi miền Nam, Bắc là ở tập quán, thói quen và thị hiếu mà khán giả. Với khán giả miền Nam, cải lương Bắc vẫn có phần xa lạ, vẫn tồn tại định kiến. Mặc dù vậy, những tác phẩm của chúng tôi như “Dấu ấn giao thời”, “Mê cung”, “Chuyện tình Khau Vai”, “Mai Hắc Đế”, “Hừng đông”, “Cung phi Điểm Bích”, “Vua Thánh triều Lê”,… khi biểu diễn phục vụ khán giả miền Nam đã được thừa nhận.
Nhiều ý kiến của những đồng nghiệp miền Nam có uy tín đã ủng hộ phong cách nghệ thuật cũng như tâm huyết của chúng tôi. Tuy nhiên, chúng tôi ý thức được mình vẫn còn nhiều yếu điểm cần khắc phục trước khi có thể chiếm được cảm tình tuyệt đối từ khán giả miền Nam.
Chúng tôi nghĩ lúc này tìm hướng đổi mới và phát triển để vừa hội nhập giữa xu hướng nhất thể hóa, vừa bảo tồn được vốn cổ sẽ hợp lý hơn là hoài niệm, tiếc nuối những giá trị đã qua. Chúng tôi hy vọng sẽ có được sự đồng tình của khán giả hiện đại, để cải lương có thể hiện hữu với một dung mạo mới, đúng với bản chất luôn vận động của mình sau một thế kỷ xuất hiện.
Hiện nay, các bạn trẻ có đưa cải lương vào một số tiết mục biểu diễn trong chương trình truyền hình thực tế như Gương mặt thân quen, hay Chuông vàng vọng cổ,... Vậy, theo anh đây có phải là một tín hiệu vui cho nghệ thuật cải lương đến gần hơn với khán giả? Hay nó sẽ bị cách tân, biến tướng đi theo hướng xấu. Ví dụ như tiểu phẩm Tô Nguyệt Ánh remix được nghệ sĩ hài Trấn Thành diễn lại theo lối hiện đại nhưng gây phản cảm khiến dư luận bức xúc?
“Chuông Vàng Vọng cổ” là một chương trình truyền hình mang nhiều yếu tố chính thống, chuyên về cải lương. Tôi hết sức khâm phục và ủng hộ ê kíp thực hiện chương trình này. Còn các gameshow khác có mặt được, có mặt chưa được, cần phân định rạch ròi. Riêng với tiết mục được gọi là “Tô Ánh Nguyệt Remix”, tôi cho rằng nó không mang tính nghề nghiệp mà mang tính cá nhân.
Nghệ sĩ Trấn Thành là một tài năng, nhưng tránh chủ quan và cần nhìn nhận thấu đáo sự được mất từ việc mình làm. Nếu có ý kiến nào cho rằng đây là sự “làm mới cải lương” thì điều đó là ngộ nhận. Tuy nhiên, những hiện tượng này cũng góp phần làm sáng tỏ những giá trị thật cần có cho cải lương hiện đại.
Vậy, là thế hệ đi trước, anh có những lời khuyên nào để giúp giới trẻ hiểu đúng và thấy được cái hay, cái đẹp trong loại hình nghệ thuật cải lương cũng như có định hướng như thế nào với “hậu bối”?
Nói đến “hậu bối” cần phải nhắc đến “tiền bối”. Người có công đầu xứng đáng được tôn làm “hậu tổ” của nghệ thuật cải lương Việt Nam là nhạc quan triều đình Huế Nguyễn Quang Đại (Ba Đợi). Do hoàn cảnh lịch sử giai đoạn mất nước, với tâm huyết lưu giữ và phục hưng di sản âm nhạc cung đình Huế không thành (âm nhạc cung đình Huế có nguồn gốc sâu xa là âm nhạc cung đình đàng ngoài-PV), ông đã gửi gắm di sản vô giá ấy vào trong dân và cùng nhân dân nuôi dưỡng.
Sau một quá trình lưu truyền và sáng tạo, như một “duyên may”, nhân dân ta đã có được nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ - “Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại” được Unesco công nhận. Cải lương được hình thành từ mầm mống ban đầu là nền âm nhạc cung đình mang tính bác học và sẽ mãi mãi là một nghệ thuật bác học. Lớp bụi thời gian do thăng trầm lịch sử có, dầy bao nhiêu cũng không thể khiến “ngọc” hóa “than bùn”,…”
Vậy nên, nếu các bạn trẻ thấy mình đủ tâm huyết, tình yêu và lòng dũng cảm, hãy phấn đấu trở thành những “hậu bối” xứng tầm để lưu truyền mãi mãi một di sản vô giá được kết tinh từ hàng nghìn năm lịch sử của cha ông. Lời có vẻ to tát, nhưng là lời tâm huyết thực lòng. Xin gửi đến thế hệ trẻ.
Cảm ơn nhưng chia sẻ của anh!
Dương Hạnh