Côn Đảo đẹp, thơ và yên bình đến lạ lùng. Cái thị trấn nhỏ nằm thoai thoải, tựa mình và trải dài theo chân núi Vườn Quốc gia Côn Đảo. Phía trước là bãi biển tuyệt đẹp, gió lộng và sóng vỗ rì rào suốt đêm ngày. Côn Đảo đã thay da đổi thịt với những con đường thảm nhựa, gốc cây cổ thụ (chủ yếu là cây Bàng) và những ngôi nhà cổ kính được xây dựng từ thời Pháp, Mỹ nằm xen kẽ những ngôi nhà với kiến trúc hiện đại. Miên man, trầm mình trong hồi ức về nơi “địa ngục trần gian”, bất chợt những cơn gió thổi mạnh mang theo vị mặn và hơi lạnh ngoài vịnh khiến tôi “nổi da gà” nhưng tạo một cảm giác, niềm phấn khích khôn tả.
Tri ân nơi “Địa ngục trần gian”
Có thể khẳng định, Côn Đảo là bản cáo trạng kết án chế độ thực dân đế quốc xâm lược và bè lũ tay sai bán nước và Côn Đảo là bản anh hùng ca bất diệt về chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam. Côn Đảo có 19 di tích lịch sử trọng điểm, phần lớn đã được phục hồi bảo dưỡng. Tầm vóc của một trong những khu di tích lớn nhất nước này có lẽ vượt ra ngoài khả năng quản lý của chính quyền một huyện đảo.
Bà Phạm Thị Tám, Phó trưởng ban Quản lý Di tích Côn Đảo đưa chúng tôi đi thăm nơi giam giữ, tra tấn hàng vạn chiến sĩ cách mạng. Mặc dù đã phần nào biết đến Côn Đảo qua phim ảnh, sách báo nhưng khi tận mắt chứng kiến cảnh những chiến sĩ cách mạng bị giam cầm, bị tra tấn và lao động khổ sai… được tái hiện qua các mô hình. Chúng tôi khâm phục, ngưỡng vọng tinh thần bất khuất của các chiến sĩ cách mạng và trào dâng niềm căm phẫn xiết bao trước những hình thức tra tấn người tù một cách hết sức tàn bạo, dã man của lũ tay sai thực dân Pháp và Mỹ. Bà Phạm Thị Tám, cho biết trải qua 113 năm (1862 - 1975) dưới sự cai trị của bọn Pháp và Mỹ đã có trên 200.000 lượt người bị giam cầm, trong đó gần 20.000 chiến sĩ cách mạng, người yêu nước vĩnh viễn nằm lại ở vùng đất này. Xây dựng Côn Đảo, nhằm mục đích biến Côn Đảo thành “Địa ngục trần gian” với một hệ thống giam giữ gồm 8 trại tù, 2 khu biệt lập chuồng cọp và 1 khu biệt lập chuồng bò. Thời điểm những năm 1969 đến năm 1972 có trên 12.000 người bị giam cầm tại Côn Đảo và chỉ tính riêng trại tù Phú Sơn, được Pháp xây dựng từ tháng 3 năm 1862, với 10 phòng giam đã giam giữ trên 2.000 tù nhân. Nhưng cũng gần nấy thời gian, Côn Đảo là chiến trường đặc biệt của cuộc đấu tranh sống còn giữa những người yêu nước và cách mạng Việt Nam với kẻ thù, trước hết là thực dân Pháp, đế quốc Mỹ và ngụy quân ngụy quyền. Xà lim Chuồng Cọp hẳn là tầng địa ngục tận cùng trên thế gian. Lại có Hầm Phân Bò, nơi có hệ thống cống ngầm đưa phân từ chuồng nuôi bò sang để ngâm người tù xuống đó mà tra tấn, hành hạ bí mật. Cố G.S sử học Trần Văn Giàu, cũng từng là tù nhân Côn Đảo, nhận xét: “Nói ra thì có lẽ không phải, nhưng cái chết bằng hơi độc, thuốc độc, điện giật, giết một lần hàng vạn sinh linh, cái chết đó người chiến sĩ tù nhân Việt Nam mình có mấy ai sợ đâu? So với cái tàn ác ở nhà tù Côn Đảo dưới chế độ Mỹ ngụy, thì nhà tù Hitler giống như ao cạn so với vực thẳm”.
Trong những năm qua, tinh thần và truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, tri ân những người đã khuất trong sự nghiệp đấu tranh, bảo vệ Tổ quốc 19 điểm di tích Nhà tù Côn Đảo không ngừng được bảo tồn, bảo tàng và phát huy giá trị lịch sử cách mạng. Song song với công tác trùng tu, tôn tạo và tái hiện hình ảnh tại các khu di tích lịch sử cách mạng, Nghĩa trang Hàng Dương - Côn Đảo - nơi yên nghỉ của hàng vạn chiến sĩ cách mạng, đồng bào yêu nước Việt Nam cũng được tu bổ, tôn tạo.
“Thay da đổi thịt”
Đó là lời khẳng định của ông Trương Hoàng Phục - Bí thư Huyện ủy Côn Đảo. Và theo ông Phục, ngay sau khi giải phóng (6 - 1975), sự xa xôi cách trở với đất liền là một vấn đề khó khăn, ảnh hưởng rất lớn đến tiến trình phát triển của Côn Đảo. Nhiệm vụ cơ bản được Đảng và Nhà nước giao là bảo vệ, giữ gìn, tổ chức phát huy các giá trị tinh thần của khu di tích lịch sử cách mạng nhà tù Côn Đảo. Từng bước khai thác các tiềm năng nhằm phát triển kinh tế nâng cao đời sống nhân dân, xây dựng Côn Đảo ngày một văn minh, giàu đẹp cũng như củng cố, xây dựng, tăng cường quốc phòng và an ninh, bảo vệ vững chắc chủ quyền trên vùng biển phía Đông Nam của Tổ Quốc.
Một loạt các dự án đã và đang được triển khai nhằm thu hút khách du lịch như Tổng Công ty du lịch Sài Gòn đã đưa Dự án Khách sạn Sài Gòn - Côn Đảo vào hoạt động (vốn đầu tư trên 100 tỉ đồng, 82 phòng đạt tiêu chuẩn 3 sao); dự án Resort Đất Dốc (vốn đầu tư 38 triệu USD)... Trong đó, điểm nhấn xuyên suốt trong quá trình thực hiện là vấn đề phát triển du lịch và du lịch sinh thái. "Đây là một hướng phát triển quan trọng nhằm đánh thức tiềm năng kinh tế du lịch Côn Đảo. Tuy nhiên, để đánh thức quần đảo đầy tiềm năng du lịch này trở thành điểm đến hấp dẫn và thuận tiện cho khách trong, ngoài nước thì nhiều nội dung quan trọng trong đề án phải khẩn trương thực hiện, phải có sự phối hợp, hỗ trợ mạnh mẽ từ sức mạnh của các bộ, ngành liên quan", ông Trương Hoàng Phục nói.
Lần đầu đến Côn Đảo, đi và thấy được nhiều với những cảm nhận ban đầu thì huyện đảo này đang thực sự được chuyển mình - Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Côn Đảo đã thực hiện theo đúng như lời của cố Tổng Bí thư Trung ương Đảng - Lê Duẩn nói: “Côn Đảo là một hòn đảo anh hùng, Côn Đảo là một di tích lịch sử vĩ đại. Côn Đảo là một trường học lớn đối với các thế hệ mai sau. Các đồng chí phải ra sức phấn đấu để xây dựng Côn Đảo chẳng những thành một hòn đảo giàu đẹp về kinh tế, mạnh về quốc phòng mà còn phải gìn giữ những di tích lịch sử, lưu truyền đến nghìn đời con cháu mai sau...”. Và Côn Đảo không chỉ sáng ngời những tấm gương hy sinh cao cả, ý chí bất khuất trước kể thù của những người chiến sĩ yêu nước, chiến sĩ cách mạng mà còn lắng đọng trong mỗi người khi có dịp đến thăm Côn Đảo, đó là tấm lòng nhân ái, thương yêu, đùm bọc lẫn nhau trong khó khăn hoạn nạn, thậm chí ngay cả trước khi chết. Khái quát phẩm chất cao đẹp đó là tượng đài “Chết còn cởi áo cho nhau” ở sân hành lễ tại Trung tâm Nghĩa trang Hàng Dương.
Côn Đảo yên bình đến thế nhưng một thời từng là nỗi đau của những chiến sĩ yêu nước. Với biệt danh “Bàn thờ Tổ Quốc”, Côn Đảo trở thành nơi yên nghỉ của các tù nhân chính trị trong suốt hai cuộc đấu tranh chống Pháp – Mỹ. Côn Đảo còn gắn liền với sự hy sinh anh dũng của nữ anh hùng Võ Thị Sáu. Trên đường ra pháp trường, chị đã nhặt bông hoa sứ cài lên mái tóc xanh, miệng tươi cười, thể hiện tinh thần lạc quan và khí phách Việt Nam hiên ngang.
Lê Hoàng