Từ trung tâm TP.Cà Mau chạy theo Quốc lộ 63 hơn 20km, chúng tôi đến đền thờ Vua Hùng ở ấp Giao Khẩu. Đền thờ được xây dựng trên khuôn viên hơn 2.000m2, bao gồm: Chính điện đền thờ, nhà khách và khoảng sân rộng để cúng bái trong các ngày lễ hội.
Chính điện thờ tượng Vua Hùng, bên tả, hữu thờ bài vị quan văn, võ. Hai bên có câu đối chữ Hán: “Thập bát đại khai cơ sáng nghiệp - Tứ thiên niên kiến thiết bảo tồn”.
Người đầu tiên chúng tôi gặp là ông Phan Văn Do (SN 1947). Ông Do cho biết mình là người trông coi và hàng ngày hương khói tại đền thờ Vua Hùng nhiều năm nay. Hỏi ông Do về lịch sử hình thành ngôi đền, ngay cả “ông từ” này cũng lắc đầu thú thiệt rằng mình không biết: “Khi tôi lớn đã thấy cha mình ngày ngày trông coi ngôi đền, và đến đời tôi cũng làm công việc này”.
Ông Phan Văn Thông - Phó Ban quản lý đền kể: Lúc còn chiến tranh, để tránh sự phá hoại của giặc, đền có tên là miếu Ông Vua. Sau ngày giải phóng, nhân dân trong vùng góp công, góp của xây dựng lại đền và gọi là đền thờ Vua Hùng cho tới nay.
“Qua hai cuộc chiến tranh, ngôi đền nhiều lần bị bom đạn tàn phá. Có lúc, ngôi đền phải di dời chỗ này, chỗ khác. Khi giặc rút đi, việc đầu tiên mà người dân nghĩ đến là sửa sang lại đền thờ, vì đây là nơi tưởng nhớ cội nguồn, tổ tiên dân tộc, đồng thời giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ ghi nhớ công lao của những bậc tiền hiền” - ông Thông nói.
Theo các bật cao niên trong làng ngôi đền ít nhất cũng có hơn 150 năm tuổi. Tương truyền rằng, vào những năm của thập niên 40 ở thế kỷ trước, ông Hội đồng Giảng là từ miền ngoài vào vùng đất Cà Mau lập nghiệp. Khi vào đây, ông Giảng mang theo nỗi nhớ quê cha đất tổ nên ông đốn tràm, lá dừa nước dựng ngôi miếu nhỏ bên bờ sông Bạch Ngưu để thờ Vua Hùng.
Ngày 5.4.2011, đền thờ Vua Hùng được UBND tỉnh Cà Mau công nhận di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh. Hiện nay, đền thờ Vua Hùng ở Cà Mau là 1 trong 2 ngôi đền thờ Hùng Vương ở ĐBSCL (1 đền ở tỉnh Kiên Giang) và có lịch sử lâu đời nhất.
Ông Hồ Văn Mướt - thành viên Ban quản lý đền tự hào: “Bây giờ ngày Giỗ Tổ được tổ chức trạng nghiêm lắm, có cả lãnh đạo tỉnh, huyện tham gia. Đặc biệt là hàng năm địa phương đón hàng người từ các nơi đổ về nhân ngày Giỗ Tổ. Bà con ai cũng sắm sửa lễ vật dâng lên Vua Hùng”.
Theo lời ông Mướt, những năm chiến tranh, tuy còn nhiều vất vả nhưng đến ngày Giỗ Tổ nhân dân trong vùng vẫn mua sắm heo, gà vịt, gói bánh chưng, bánh giầy dâng lễ. Có những năm mùa màng thất bát, phải chạy giặc… thì lễ vật có phần đơn sơ hơn, có khi là nải chuối, bánh tét, xôi... Tuy nhiên, dù trang trọng hay bình dân, ngày Giỗ Tổ năm nào cũng được tổ chức.
Vài năm trở lại, lễ giỗ được Ban quản lý phối hợp với ngành chức năng các cấp của tỉnh Cà Mau tổ chức rất quy mô và long trọng, với phần lễ và phần hội. Ông Châu Văn Tỷ - Trưởng Ban quản lý đền cho biết, ngoài các trò chơi dân gian diễn ra trong 2 ngày mùng 9 - 10.3, còn có phần rước lễ vật dọc theo Quốc lộ 63 về dâng hương, tiến tửu Vua Hùng.
Theo Dân Việt
Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/den-tho-vua-hung-ben-dong-bach-nguu-a891.html