24/02/2017 12:57
24/02/2017 12:57
Lối rẽ mới của Trần Lực
Trần Lực là diễn viên điện ảnh, nhiều người đã biết. Trần Lực làm đạo diễn phim truyền hình, làm chủ Hãng phim Đông A, nhiều người đã thấy. Trần Lực tham gia “Bố ơi! Mình đi đâu thế”, nhiều người đã xem. Trần Lực viết sách thiếu nhi, nhiều người đã đọc. Nhưng có lẽ, nhiều người sẽ bất ngờ khi thấy Trần Lực ngoặt rẽ một lối đi mới: làm đạo diễn sân khấu!
Mới đây, vở kịch đầu tay do NSƯT Trần Lực làm đạo diễn đã chính thức công diễn tại Nhà hát Tuổi Trẻ (11-Ngô Thì Nhậm, Hà Nội). Và ngày 25-2, vở kịch này tiếp tục sáng đèn trên sân khấu này. Trước đó, Trần Lực đã mang “Quẫn” đi tham dự Liên hoan Sân khấu Thủ đô 2016 và giành giải Đạo diễn xuất sắc nhất, ngoài ra còn giành 1 giải Vàng, 2 giải Bạc cho các diễn viên. Vở diễn cũng đoạt giải Bạc tại Liên hoan.
NSƯT Trần Lực.
NSƯT Trần Lực kể, dù nổi tiếng với phim ảnh, nhưng từ lâu sân khấu vẫn là mơ ước của anh. Vì thế, suốt thời gian qua, làm phim có bận cỡ nào nhưng khi thấy sân khấu xuất hiện vở mới, anh cũng “len lén” đi xem. Mà sân khấu, cũng là mong mỏi của cha mẹ Trần Lực muốn con nối nghiệp. Cha anh- GS.NSND Trần Bảng-đạo diễn, soạn giả, nhà nghiên cứu chèo; còn mẹ anh là cố nghệ sĩ chèo Trần Thị Xuân. Hơn nữa, Trần Lực từng đi học đạo diễn sân khấu nhiều năm ở Bulgaria. Vì thế, khi cơ hội đến, là anh rẽ lối, một cách đầy tự tin, quyết đoán. Vở đầu tay, Trần Lực chọn “Quẫn”-kịch bản nổi bật của tác giả Lộng Chương vang danh nửa thế kỷ trước. Vở kịch ấy từng gắn chặt với NSND Trần Hoạt với bản dựng cho Nhà hát Kịch Việt Nam. Trần Lực kể, anh thích “Quẫn” bởi từ hồi bé đã hâm mộ vở kịch ấy. Vì quá mê một kịch bản, một câu chuyện hay mà anh muốn dựng lại cho khán giả hôm nay được thưởng thức.
Cụ thể hơn, đạo diễn Trần Lực chia sẻ, kịch bản “Quẫn” nói về một giai đoạn lịch sử có thật. Đó là chuyện về gia đình ông bà Đại Cát, một gia đình tư sản lâu đời trước chính sách công tư hợp doanh của Nhà nước. Lo sợ khối tài sản lớn tích cóp bị mất trắng, ông bà Đại Cát tìm mọi cách để cất giấu và tẩu tán. Từ đó, bao nhiêu chuyện cười ra nước mắt của gia đình ông bà Đại Cát đều được phơi bày... Trần Lực chọn cách dựng kịch hiện thực ước lệ (tả ý). Theo Trần Lực, ở ta, sân khấu làm theo hướng này không nhiều. Ước lệ về không gian, thời gian, động tác của diễn viên…Vì thế, xem “Quẫn”, sẽ thấy sân khấu mở ra tối giản hết mức. Có khi trên sân khấu trống rỗng đạo cụ, có lúc chỉ là một chiếc hòm ở trung tâm. Trần Lực đưa được con mắt của điện ảnh vào sân khấu nên phần "nhìn" rất đẹp, có chiều sâu. Hướng này yêu cầu diễn viên thể hiện có kỹ thuật biểu diễn phải tốt. Ngoài việc nắm bắt tâm lý nhân vật, nội tâm nhân vật, diễn viên còn phải có kỹ thuật thể hiện suy nghĩ, tâm trạng nhân vật ra bên ngoài. Nên đòi hỏi diễn viên phải giỏi.
Các diễn viên trong vở “Quẫn” đều là sinh viên năm thứ 4.
Chắc sẽ có người thắc mắc, kịch bản nổi tiếng ấy vì sao đến bây giờ mới “lọt vào tay” Trần Lực. Dân làm nghề tiết lộ rằng, thực ra, đã có nhiều đơn vị định dựng lại kịch bản này, nhưng không có đạo diễn nào nhận đứng ra dàn dựng. Chính lý do ấy khiến cho khi Trần Lực quyết tâm dựng “Quẫn”, nhiều người thấy anh đang rẽ vào một lối đi có phần mạo hiểm. Mạo hiểm hơn, khi anh lại quyết định không mời bất cứ một diễn viên chuyên nghiệp, một ngôi sao sân khấu nào tham gia “Quẫn”. Hóa thân vào vai ông Đại Cát đến bà mẹ Đại Lợi và em gái Đại Hưng…tất cả đều là những sinh viên đang học năm thứ 4 ĐH Sân khấu Điện ảnh Hà Nội–nơi bấy lâu nay Trần Lực tham gia với vai trò là giảng viên.
Thừa nhận ban đầu cũng hết sức lo lắng, lo vì dàn diễn viên trẻ không ngôi sao và vở kịch được anh dựng với phong cách bi hài chứ không chỉ thuần hài nhưng Trần Lực luôn tin vào lớp trẻ, tin vào sự tràn đầy nhiệt huyết của tuổi trẻ. “Các bạn sinh viên đang tràn đầy sự hào hứng, sáng tạo, cho nên tôi rất tự tin”, Trần Lực nói, và chia sẻ thêm: “Chúng tôi xuất hiện không phải với một tinh thần thi thố nhưng không ngờ, nó thành công. Thành công đó nằm ngoài sự mong chờ của thầy trò chúng tôi. Trước đó, thú thực, tôi không nghĩ dân trong nghề và khán giả lại đón nhận phong cách dựng của tôi, tác phẩm của mình làm cho mọi người thấy thích thú. Thông qua tác phẩm này, tôi muốn tạo ra một “mảnh đất” để các bạn sinh viên năm thứ 4 được trải nghiệm, và tôi, cũng được trải nghiệm…”.
Những buổi “Quẫn” sáng đèn vừa qua trong Liên hoan Sân khấu Thủ đô 2016 khán phòng thường chật kín khán giả, kết thúc rất lâu mà người xem vẫn nán lại, điều đó là động lực lớn tiếp sức cho Trần Lực. “Với những thành công vừa qua tôi cũng thấy mình thật may mắn là duyên đến muộn nhưng vở diễn lại được công nhận, ghi nhận bởi đồng nghiệp và khán giả. Tôi dựng kịch này không phải mục đích là đi dự liên hoan. Nhưng khi vở kịch được đón nhận, tôi vui vì các bạn diễn viên - sinh viên của tôi lần đầu tiên được lên một sân khấu lớn. Tất cả đều là lần đầu tiên nên hết sức đặc biệt”, Trần Lực chia sẻ.
Mai Hoàng
Nguồn: Cadn.com.vn
Link nội dung:
https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/loi-re-moi-cua-tran-luc-a8899.html