Và chúng tôi, những người làm báo đã sát cánh đồng hành cùng vợ chồng ông bà suốt gần một năm trong chuỗi sự kiện con tàu ĐNa 90152 lịch sử.
Con tàu mới đã sẵn sàng ra khơi bám biển
Thẫn thờ lặng nhìn con tàu đắm kéo vào bờ
Buổi trưa hôm ấy, đó là một buổi trưa hè đầu tháng 6 nắng như lửa đổ, bầu trời cao xanh vòi vọi, tôi từ TP Huế chạy vào Đà Nẵng mà quay cuồng vì cái nắng oi ả đến khét lẹt.
Xe vừa đổ xuống hết đèo Hải Vân, chuông điện thoại kêu lên, đầu dây bên kia anh bạn đồng nghiệp gọi “chạy nhanh xuống bến thuyền Thọ Quang, tàu ĐNa 90152 bị tàu Trung Quốc đâm chìm trên biển Hoàng Sa, sáng nay được vớt lên sắp đưa vào rồi!”. Chưa kịp ghé phòng thả đống đồ đoàn lỉnh kỉnh sau chuyến đi Tây Bắc dài ngày trở về, tôi ghé thẳng xuống Âu thuyền Thọ Quang (phường Thọ Quang, quận Sơn Trà) nơi cậu bạn đồng nghiệp đang có mặt ở đó cùng “khổ chủ”.
Có mặt ở đó, hàng chục ngư dân lái bạn cũng đang đăm đăm dõi theo hướng mắt ra biển đợi khoảnh khắc con tàu dịch vụ kéo con tàu đắm ĐNa 90152 vào bờ. Ông Trần Văn Vốn, chồng bà Hoa, chủ nhân con tàu ĐNa 0152 ngồi bệt xuống đất nhìn ra khoảng trời xanh leo lẽo phía trước thẩn thờ như người vô hồn, dường như trong giây phút ấy ông chẳng thể thốt nên lời nào được nữa.
Đến chiều, khi mặt trời bắt đầu ngả bóng, con tàu đắm đã được vớt lên bờ trong tình trạng mạn tàu trái bị đâm thủng, máy móc thiết bị bên trong thì tan nát tanh bành, chẳng còn thứ gì lành lặn. Thuyền trưởng Trần Văn Nhân, một trong mười thuyền viên của đoàn may mắn sống sót sau cú húc mạnh kinh hoàng từ con tàu sắt khổng lồ 1209 của Trung Quốc cố gắng leo lên con tàu chui vào các khoang lái, ca bin… mong tìm chút đồ đạc còn sót lại, thế nhưng cái mong ước nhỏ nhoi ấy sớm vụt tắt. Mọi thứ đã hư hỏng hết cả!
Những ngư dân và thợ sửa chữa đóng tàu HTX Bắc Mỹ An tại âu thuyền Thọ Quang tập trung rất đông chứng kiến cảnh trục vớt con tàu lên, họ nhìn rồi tính toán áng chừng lực cú húc của con “thuỷ quái” ấy vào con thuyền cá ĐNa 90152 bằng gổ nhỏ bé phải lên đến cả ngàn tấn, một cú tông mạnh có thể giết chết cả 10 thuyền viên trên tàu cá khi ấy!
Ông Vốn, với sự dày dặn của một ngư phủ mấy chục năm sương gió biển khơi vẫn im lặng, ông cố kìm nén cảm xúc trước thứ “tai nạn” kinh hoàng vừa ập xuống con tàu của gia đình. Bà Hoa, vợ ông đứng gần tôi khóc nức nở, tôi đứng sát bên cố an ủi, nhưng dường như như thế lại càng khiến bà không thể kìm nén được lòng mình hơn: “Con tàu là kỹ vật của gia đình, bao nhiêu năm qua nó đã có mặt trên biển Hoàng Sa, đi qua bao nhiêu mưa bão trên biển từ Chanchu cho đến Xangshane… nhờ có nó mà gia đình mới có của ăn của để như hôm nay. Nhìn tàu bị đâm hư hết, ruột gan chị đau đớn lắm, đau như đứt từng khúc ruột của mình…”
Những tốp phóng viên trong và ngoài nước lần lượt đến rồi đi, họ phỏng vấn, ghi hình cố gắng “bắt lại” nhưng suy nghĩ, trạng thái, cảm xúc chân thực nhất của 2 con người dường như đang “chết” từng khúc ruột. Lãnh đạo chính quyền địa phương, thành uỷ thành phố, cơ quan chức năng và bà con ngư dân ở bến thuyền… ghé đến động viên an ủi.
Bóng chiều tàn, hai vợ chồng lầm lũi chở nhau về trên con xe máy cũ. Nhìn bóng họ lầm lũi trở về, tôi đoán trong bữa cơm chiều nay họ chẳng thể nào nuối nổi! Làm sao nuốt nổi khi số tài sản hơn 5 tỷ đồng mồ hôi công sức họ tích cóp được trong bao năm phút chóc trôi theo dòng nước bạc. Trong đêm hôm ấy, hai vợ chồng ông bà đã nhận được rất nhiều những điện thoại của người dân khắp nơi… gọi đến động viên, chia sẽ an ủi. Họ đã thức, và sáng hôm sau, đôi mắt của 2 vợ chồng thâm quầng.
Ngày hôm sau, chúng tôi đến tại tư gia gia đình ông bà, tại đây đoàn phóng viên Nhật Bản đã có mặt tự sớm đưa tin ghi hình, phỏng vấn riếng bà Hoa. Trong câu chuyện chia sẻ với các phóng viên Nhật Bản, bà Hoa đã bình tĩnh hơn khi đã trả lời suôn sẻ các câu hỏi, tuy vậy nhiều lúc không cầm được lòng, bà lại khóc. Đoàn phóng viên Nhật Bản rời đi, ông Đặng Công Ngữ, nguyên Chủ tịch UBND huyện đảo Hoàng Sa cùng ông Võ Công Chánh, tân Chủ tịch UBND Hoàng Sa đến, chúng tôi nhường ghế lại cho đoàn cán bộ lãnh đạo chính quyền huyện đảo vào làm việc. Tuy nhiên, qua thông tin trước đó, chúng tôi đã biết nội dung cuộc gặp gỡ này có liên quan đến việc thoả thuận giữa 2 bên gia đình và chính quyền nhằm đưa con tàu ĐNa 90152 vào bảo tàng, để nó trở thành “chứng nhân lịch sử” cho tội ác mà tàu Trung Quốc đã gây ra đối với ngư dân Việt Nam.
Sau buổi làm việc đó, chúng tôi có cuộc phỏng vấn riêng với ông Trần Văn Vốn.
Vẫn giữ được sự bình tĩnh của một ngư phủ bao nhiêu năm sóng gió trên biển, ông Vốn cho biết, thiệt hại trong vụ tàu cá của ông bà bị đâm chìm không chỉ ngang con số 3 tỷ đồng như các báo đưa tin ban đầu mà lên đến hơn 5 tỷ, chưa kể các máy móc ngư cụ… đều đã hư hỏng không thể sử dụng lại được.
Gạt qua những đau đớn trước mắt, một điều làm ông Vốn còn trăn trở lo lắng hơn khi viễn cảnh tương lai mờ mịt “treo” trên đầu 10 anh em thuyền viên tàu ĐNa 90152 vốn bao nhiêu năm chung vai sát cánh cùng gia đình. Họ sẽ đi về đâu khi con tàu đã vỡ? trong khi đó họ vốn chỉ là những ngư phủ suốt đời bám biển chẳng biết làm nghề gì khác. “Các anh em thuyền viên họ đều là lao động chính trong gia đình cả, anh em gắn bó với tui hơn chục năm nay. Năm vừa qua tàu cá ĐNa 90152 lỗ hơn 60 triệu đồng, không thu về được gì cả nhưng năm nay các thuyền viên quyết tâm bám biển ra khơi. Hiện giờ tàu bị Trung Quốc đâm hỏng rồi, anh em đều rơi vào cảnh thất nghiệp cả, nhiều người phải tạm thời đi làm thợ nề thợ hồ để nuôi sống gia đình”, ông Vốn trăn trở.
Và ngay trong buổi phỏng vấn hôm đó, ông Vốn đã thông tin cho chúng tôi biết sự việc gia đình ông đã bàn bạc và thống nhất đi đến quyết định khởi kiện tàu cá Trung Quốc ra toà án quốc tế. “Gia đình bằng mọi giá sẽ giữ lại con tàu lại làm chứng tích cho nhân dân Đà Nẵng, nhân dân cả nước thấy được tội ác của Trung Quốc gây ra với ngư dân ta hôm nay. Và sẽ khởi kiện đến cùng để thế giới thấy được tội ác của họ”.
Và đến ngày 5/6, vợ chồng ông Vốn, bà Hoa đã chính thức uỷ quyền cho Hội nghề cá TP Đà Nẵng và luật sư Đỗ Pháp (Đoàn luật sư TP Đà Nẵng) thực hiện các thủ tục pháp lý chuẩn bị hồ sơ khởi kiện.
Chúng tôi đã theo sát sự kiện “giàn khoan HD 981” và tiến trình khởi kiện của gia đình bà Hoa ông Vốn, cũng như quá trình đóng mới con tàu gỗ - một con tàu mang theo bao nhiêu niềm tin của hàng triệu đồng bào và rất nhiều nhà hảo tâm dành cho ông bà. Trong thời gian ấy, dù phải trải mình ra trên nhiều sự kiện “nóng”, nhưng thi thoảng chúng tôi vẫn ghé đến thăm ông bà, và càng tin tưởng hơn vào ý chí kiên cường của đôi vợ chồng họ khi lần nào gặp gỡ họ đều khẳng định một điều: “Dù thế nào thì vẫn sẽ tiếp tục ra khơi. Hoàng Sa, Trường Sa là biển của mình, ông cha mình mình muôn đời nay đã bám vào đó để sinh cơ lập nghiệp, giờ không bám biển nữa thì làm gì chứ! Mình có chính nghĩa, việc gì phải sợ!”.
Con tàu mới mang bao khát vọng
…Một năm nữa lại trôi qua, tôi do hoàn cảnh nên đã chuyển công tác sang cơ quan mới thế nhưng vẫn theo sát những diễn tiến sự kiện cùng gia đình ông bà. Và sau khoảng thời gian chờ đợi, con tàu “anh em” với con tàu nhân chứng lịch sử ĐNa 90152 cũng đã đi vào hoàn thiện những khâu cuối cùng để chuẩn bị hạ thuỷ.
Do con tàu cũ vẫn được giữ lại nguyên trạng để tiến tới đưa vào bảo tàng nên theo theo quy đinh, con tàu mới thay thế phải mang một số hiệu khác, và nó có số hiệu ĐNa 90657. Hôm gặp tôi, bà Hoa cười tươi khoe: “Đây là dãy số tiến em ạ, theo quan niệm của người đi biển là rất đẹp đấy!”. Con tàu mới thay thế này có công suốt 960 CV, tức là gần gấp đôi con tàu cũ ĐNa 90152; tàu có 2 máy, 2 chân vịt ; dài 21,5m; rộng 6,5m; cao 3,5m; 4 khoang chứa có thể chứa hơn 50 tấn cá, và khoang chứa có thể bảo quản cá trong thời gian hơn 1 tháng. Tàu có thể chịu được bão cấp 11. Con tàu mới được thiết kế theo mẫu mã Thái Lan, một mẫu tàu cá đang được ngư dân ở phía Nam ưa chuộng, đặc biệt, thân con tàu mới này được làm bằng gỗ sến, rất chắc chắn, có thể chịu được va đập mức độ lớn hơn rất nhiều so với con tàu cũ. Tổng giá trị con tàu lên đến 7,5 tỷ đồng, và số tiền này được hỗ trợ một phần bởi các “mạnh thường quân” và tiền gia đình bà Hoa ông Vốn gom góp, vay mượn được.
Sát ngày con tàu mới được hạ thuỷ, tôi và anh bạn đồng nghiệp lại ghé đến HTX đóng thuyền Bắc Mỹ An (Âu thuyền Thọ Quang) - nơi con tàu đang được các công nhân đóng sửa tàu thực hiện những công đoạn cuối cùng. Tại đây, chúng tôi gặp lại anh Hồ Ngọc Pháp (phường Xuân Hà, quận Thanh Khê, Đà Nẵng), là thợ máy tàu ĐNa 90152 và cũng là một trong 10 ngư dân có mặt trên chiếc tàu này tại thời điểm bị tàu Trung Quốc đâm chìm. Anh Pháp tâm sự: “Con tàu mới thay thế sắp được hạ thuỷ, đáng lẽ là anh em bọn tui cố gắng để con tàu đóng xong sớm có thể xuống nước ra khơi ngay trong năm cũ, nhưng mà mãi đến giờ mới xong được. Nói chung là anh em đã chuẩn bị hết cả rồi, rất tự tin vào công việc, không có gì phải sợ hay phải lo lắng chi cả. Biển mình cha ông để lại thì mình phải ra khơi mà giữ gìn thôi”.
Và rồi cái ngày hạ thuỷ con tàu mới cũng đã đến, vào lúc 10h5 phút ngày 21/1, con tàu ĐNa 90657 chính thức xuống nước để chuẩn bị cho một chặng đường mới ra khơi bám biển.
Tại buổi lễ hạ thuỷ có mặt đông đảo đại diện lãnh đạo chính quyền địa phương, và Hội nghề cá TP Đà Nẵng. Trong ngày trọng đại, bà Hoa dường như không dấu được cảm xúc hạnh phúc. Đã lâu lắm rồi chúng tôi mới thấy được nụ cười tươi đến vậy từ bà, người mà cánh báo chí chúng tôi đùa vui gọi là “hot girls” Đà Thành (vị được lên báo rất nhiều). Ngồi sát cạnh tôi nhìn con tàu mới sắp sửa xuống nước, bà khoe: “Chị đi coi thầy, họ nói năm ni, ngày ni là hợp với tuổi của chị lắm. Thế nên chị cũng mong sao cho con tàu này ra khơi sẽ đạt kết quả tốt, suôn sẻ, đi đến nơi về đến chốn, đánh bắt thật nhiều cá. Gia đình chị giờ là rất quyết tâm để con tàu sớm được vươn ra khơi bám biển đánh bắt hải sản và gìn giữ vùng biển của mình. Thực sự gia đình không có sợ điều gì cả, nếu sợ thì đã không đóng mới con tàu này đâu”.
Vẫn giọng nói quả quyết chắc nịch như bao lâu nay, bà nói tiếp: “Biển của cha ông mình để lại, mình phải ra khơi để mà khẳng định chủ quyền của mình nữa chứ! Trong thời gian sắp tới, mà cụ thể là sau khi ăn tết xong thì con tàu mới này sẽ ra khơi đánh bắt ở tất cả các ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa, những nơi thuộc chủ quyền của mình. Nói thật đến giờ phút này chị mới thực sự tin tất cả khó khăn qua cả rồi, giờ cảm xúc của chị là rất vui và phấn khởi lắm”.
Trong giây phút mong đợi của cả hàng chục người có mặt tại buổi lễ hạ thuỷ, và hàng vạn đồng bào khắp cả nước trong năm qua đã hướng về gia đình bà Hoa - ông Vốn, con tàu mới từ từ trượt khỏi thanh ray để lao mình xuống nước, chính thức một hành trình mới, nối tiếp hành trình của con tàu ĐNa 90152 lịch sử. Phía trước âu thuyền, mặt trời cũng bắt đầu vươn mình vượt qua khỏi dãy núi Bàn Cờ, chiếu rọi ánh nắng rực rỡ cho toàn TP Đà Nẵng.
Uông Ngọc Tân