Thầy, trò và cải lương

Trong khó khăn, nhiều nghệ sĩ cải lương đặt mình vào vị trí làm thầy đã chọn những diễn viên trẻ và xem họ như hậu duệ, khơi dòng chảy chân truyền

Khi sàn diễn cải lương không còn sáng đèn, thế hệ nghệ sĩ đi trước không có nhiều cơ hội truyền nghề cho lớp trẻ trên sân khấu chuyên nghiệp. Nhiều người trong số họ đã chọn “đệ tử” để cùng đồng hành, chia sẻ nhằm tạo sự tiếp nối chân truyền.

Học nghề trong gian khó

Hiếm có gia tộc nào 6 đời theo nghề hát như gia tộc Bầu Thắng, Minh Tơ, Thanh Tòng. Đa phần nghệ sĩ tên tuổi hiện nay đều không có hậu duệ nối nghiệp. Chính vì thế, những nghệ sĩ đặt mình vào vị trí làm thầy đã chọn các diễn viên trẻ, xem họ như hậu duệ để truyền nghề, khơi dòng chảy. Xác định phải sống chết với nghề nên dù khó nhọc đến đâu, thầy và trò của sân khấu cải lương hôm nay vẫn giữ sự chuẩn mực trong ca diễn, để bộ môn nghệ thuật này không mất đi sức hút vốn có.




NSƯT Kim Tử Long (bên phải) và học trò Lê Văn Gàn

Trong muôn vàn khó khăn của việc học nghề bên cánh gà hiện nay, khi các suất hát thưa thớt do không có rạp cải lương chuyên nghiệp, một số nghệ sĩ tài danh đã truyền đạt nghề bằng cách đồng hành với trò trong những sô diễn mình kiếm được.

“Nhiều tháng qua, anh Kim Tử Long tận tụy, hết lòng vì tôi qua nhiều chương trình, vở diễn. Tôi chỉ là một kép ca, chưa có nhiều kinh nghiệm trong ca diễn. Nhờ có anh Kim Tử Long đỡ đần, khuyên bảo, hướng dẫn tận tình nên bây giờ, các sô có anh diễn cùng, tôi thấy mình tự tin, tiến bộ nhanh. Trước đây, tôi được thầy cô của chương trình “Ngân mãi chuông vàng” chỉ dẫn nhưng cũng chỉ là diễn trong không gian nhà hát truyền hình, còn lăn lộn với sàn diễn thực tế thì anh Kim Tử Long mới đúng là thầy, hết lòng với tôi” - nghệ sĩ Lê Văn Gàn tâm sự.

Nghệ sĩ Tâm Tâm được NSND Bạch Tuyết xem là học trò ruột, truyền đạt nhiều kinh nghiệm ca diễn. “Tôi được dạy diễn các vai Thái hậu Dương Vân Nga, Lý Chiêu Hoàng… với sự huấn luyện trực tiếp từ cô Bạch Tuyết. Sau này, nhờ những suất diễn đồng hành cùng cô, tôi lại có thêm nhiều kinh nghiệm quý để rèn giũa nghề nghiệp” - nghệ sĩ Tâm Tâm cảm kích.

NSƯT Vũ Linh nhận kèm cặp cô đào trẻ Thy Trang qua nhiều vai đào chánh. “Tôi biết ơn cậu Năm. Khi ca diễn bên cậu, tôi học được nhiều kinh nghiệm, từ lời ca, vũ đạo cho đến việc đào sâu tâm lý trong diễn xuất. Nhờ vậy hành trang nghề của tôi đã có thêm các vai: Quỳnh Nga (“Bên cầu dệt lụa”), Dương Quý Phi (“Tình sử Dương Quý Phi”), Tây Thi (vở cùng tên), Trưng Trắc (“Tiếng trống Mê Linh”)… Không chỉ truyền nghề, cậu còn nhận sô để giới thiệu tôi cùng diễn” - nghệ sĩ Thy Trang cho biết.

Với nghệ sĩ Diễm Thanh, sự hỗ trợ đắc lực của NSƯT Thoại Miêu là động lực để thầy trò làm nên những suất diễn phục vụ khán giả. “Các vở kinh điển như: “Hàn Mạc Tử”, “Tô Ánh Nguyệt”, “Hoa đồng cỏ nội”… được cô Thoại Miêu yểm trợ, tôi như có thêm nhiều động lực làm tốt vai diễn. Cô là người thầy ân cần, chỉ dạy tôi trong ca diễn. Chúng tôi cần lắm những người thầy đồng hành trong giai đoạn này để không buông nghề và luôn ý thức rèn giũa nghề” - nghệ sĩ Diễm Thanh tâm sự.

NSƯT Trọng Phúc có 2 “đệ tử” là Minh Hoàng và Ngọc Trắng, đi diễn bất cứ nơi nào anh cũng kèm theo họ. “Sang Bỉ, Hà Lan, Phần Lan lưu diễn, tôi cũng đưa Minh Hoàng sang để em tiếp cận khán giả kiều bào. Sắp tới sẽ là Ngọc Trắng. Còn các suất diễn trong nước, tôi luôn nhường vai chánh để đẩy 2 em lên, nhanh chóng tạo vị trí qua những vai khó” - NSƯT Trọng Phúc kể.

Nhiều tên tuổi thành danh

Giữa nhiều học trò yêu nghề, đến với sân khấu bằng niềm đam mê, người thầy có sự chọn lựa để huấn luyện, chỉ bảo, định hướng họ trên con đường nghệ thuật. Những “học trò ruột” của thế hệ nghệ sĩ tiền bối đều thành đạt, tỏa sáng trong lòng công chúng, như: NSND Bạch Tuyết (học trò của NSND Phùng Há, Năm Châu), NSND Ngọc Giàu, NSƯT Diệu Hiền (học trò NSND - soạn giả Viễn Châu), NSND Lệ Thủy (học trò soạn giả Ngọc Văn), NSƯT Ngọc Hương, Thanh Sang, Phương Quang (học trò NSND Út Trà Ôn), NSƯT Minh Vương, Thanh Tuấn (học trò danh cầm Bảy Trạch)…

“Chúng tôi được giáo huấn rất kỹ, được thầy cô xem như con cháu trong nhà. “Ruột” ở đây còn được hiểu là tình thương. Hễ thương thì cho roi, cho vọt, la rầy, thậm chí đánh đòn, để chúng tôi thành tài” - NSND Lệ Thủy kể.

Việc học nghề đối với thế hệ nghệ sĩ lớn lên bên cánh gà tuy không tập trung, không được đào tạo bài bản, có tính hệ thống nhưng đây là một không gian kích thích sự sáng tạo rất hữu hiệu. “Tôi trưởng thành bên cánh gà và tự hào về điều đó, bởi phương pháp truyền nghề mang lại cho chúng tôi hiệu ứng nhìn, nghe và thực hành ngay tại chỗ. Tuy nhiên, nó là con dao 2 lưỡi nếu mình cứ mãi bắt chước, đồ lại cách ca diễn của thầy cô. Muốn tiếp nối rất khó, còn muốn làm bản sao thì quá dễ. Xác định rõ mình là đệ tử ruột, học trò cưng thì phải sáng tạo đột phá” - NSƯT Phương Quang phân tích.

Học nghề trong gian khó là điều kiện nung nấu ý chí vươn lên. Từng vai diễn có được sức sống bền bỉ chính là nhờ người thầy hết lòng uốn nắn và người trò luôn biết tiếp thu, xác định bản lĩnh làm nghề để biến những gì được truyền thụ thành cái sáng tạo của riêng mình.

Cải lương sẽ khởi sắc

NSND Ngọc Giàu lạc quan: “Sàn diễn cải lương sẽ khởi sắc vì nó nằm trong chu kỳ phát triển của xã hội. Tôi tự tin như vậy vì dòng nhạc boléro đang rộ lên, mà dòng nhạc này gần với âm nhạc ngũ cung, cho nên rất dễ tìm được sự đồng cảm nếu biết nắm bắt cơ hội, để sàn diễn cải lương quay trở lại với diện mạo mới. Chính thế hệ thầy và trò hôm nay sẽ ươm mầm cho sự khởi sắc này”.


Thanh Hiệp

Nguồn: nld.com.vn

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/thay-tro-va-cai-luong-a8889.html