Những phong tục cưới hỏi độc đáo ở Việt Nam

Các chàng trai người Mông (Hà Giang) tỏ tình bằng cách vỗ vào mông đối phương, còn với người Mường, con trai được phép "ngủ thăm" trước khi cưới.

Cưới hỏi là việc trọng đại của cả cô dâu và chú rể, với những nghi thức, nghi lễ quan trọng. Ở nhiều dân tộc thiểu số tại Việt Nam hiện nay vẫn duy trì phong tục cưới hỏi truyền thống mang bản sắc riêng.

Vỗ mông chọn vợ ở Hà Giang

Người Mông ở Mèo Vạc (Hà Giang) ngoài tục chặn đường cướp dâu còn có tục vỗ mông để chọn bạn đời. Đầu năm, trai gái Mông háo hức sắm sửa quần áo đẹp đi chơi xuân. Trên các bãi đất trống, trai gái thi nhau thổi khèn, ném còn giao duyên.



Các chàng trai vỗ vào mông người con gái mình thích như một cách tỏ tình. (Ảnh: Internet)
 
Thích cô gái nào đó, chàng trai vỗ vào mông thiếu nữ coi như tỏ tình. Nếu ưng cái bụng thì cô gái vỗ đáp lại. Hai người vừa đi vừa vỗ đến khi đủ 9 cặp thì thôi, sau đó họ tìm chỗ ngồi tâm sự riêng. Người Mông quan niệm mỗi bên phải vỗ mông đủ 9 lần thì lời tỏ tình mới được công nhận. Sau đó, chàng trai tìm người mai mối và họ chính thức nên duyên vợ chồng.

Thực ra, không phải vô tình mà trai gái Mông tìm được nhau và thực hiện tục lệ trên. Những người tham gia tục lệ này thường có sự tìm hiểu từ trước và ưng thuận nhau. Vỗ mông chỉ là cái cớ để hai người gặp lại, chàng trai có dịp thể hiện tình cảm lẫn bản lĩnh của mình trước mặt cô gái và những người xung quanh.

Đàn ông Mông thường chọn người vợ biết thêu thùa, khâu vá. Ngoài ra, cô gái phải có dáng to khỏe, bắp chân săn vồng, mông to nhún nhảy trong làn váy theo mỗi bước đi vì những người đó khéo làm lụng và chăm con.

Mùa bắt chồng của thiếu nữ Chu Ru ở Lâm Đồng

Tháng ba Tây Nguyên, mùa con ong đi lấy mật cũng là lúc thiếu nữ Chu Ru rộn ràng vào mùa bắt chồng. Người Chu Ru sống theo chế độ mẫu hệ, muốn có chồng thì cô gái phải đi bắt vào ban đêm. Khi thích chàng trai nào đó, thiếu nữ thông báo cho cả gia đình và dòng họ biết. Gia đình cô gái đến nhà chàng trai hỏi dạm và bà mối đeo chuỗi cườm, nhẫn đính hôn vào tay chàng trai.

Người con trai nhận đeo nhẫn nghĩa là chấp thuận làm chồng cô gái. Trường hợp không thích, chàng trai có thể tháo trả nhẫn nhưng 7 ngày sau cô gái lại chọn đêm đẹp trời để tới, cho đến khi chàng trai đồng ý và đám cưới được tiến hành.




Chế độ mẫu hệ cho phép những người phụ nữ được toàn quyền chọn chồng. (Ảnh: Internet)

Trước ngày cưới của đôi trẻ, buôn làng tổ chức đêm hội bắt chồng rất tưng bừng. Trong đêm hội, trai gái phải đọc những luật tục riêng, như "Tìm vợ, tìm chồng phải hỏi mẹ cha, ăn ruộng ăn rẫy phải hỏi tai con trâu con bò, làm rẫy phải hỏi thần núi, về với vợ như về với nước...".

Với người Chu Ru, đôi nhẫn cưới mang một sức mạnh huyền bí, được gọi là Srí. Nó làm nhiệm vụ kết nối và trở thành lời thề hạnh phúc gia đình khi người con gái hoàn thành thủ tục bắt chồng.

Để đúc nhẫn, người nghệ nhân nấu chảy sáp ong, trộn phân trâu rồi dùng que gỗ tròn bằng ngón tay nhúng vào, chờ sáp khô là rút que gỗ ra. Sáp và phân quánh thành ống tròn, được cắt làm khuôn đúc nhẫn. Sau đó, họ đổ bạc đun nóng vào khuôn, đúc thành đôi nhẫn trống mái. Nhờ sức nóng của bạc, sáp và phân bết chặt tạo thành lớp men ngoài nhẫn, tượng trưng cho vợ chồng gắn kết thủy chung.

Lấy nhau về, vợ hoặc chồng ngoại tình sẽ phải đền ba con trâu đực cho người kia và số trâu tăng theo số lần ngoại tình. Con trâu là tài sản lớn trong nhà nên đây được coi là tập tục gắn kết tình chung thủy trong đời sống vợ chồng. Đôi nhẫn sau này trở thành tín vật giữa hai nhà.

Tục lệ “ngủ thăm” của trai Mường

Đây là phong tục lâu đời của người Mường. Theo đó, những chàng trai đến tuổi trưởng thành được phép tới “ngủ thăm” nhà cô gái mà họ ưng. Các cô gái tối đến thường đốt một ngọn đèn, coi như “tín hiệu” để các chàng trai tìm đến “ngủ thăm”. Nếu đèn trong buồng cô gái còn sáng, nghĩa là chưa có ai đến “ngủ thăm”, chàng trai phải tự cạy cửa để vào nhà.

Sau 5 lần tới “ngủ thăm”, nếu cả 2 đều ưng nhau thì chàng trai sẽ cùng gia đình tới nhà gái để xin đám cưới. Trong những lần “ngủ thăm” này, hai người chỉ được phép trò chuyện, tâm sự mà không được động chạm vào người nhau. Phong tục này cho đến nay vẫn được duy trì ở một số nơi.

Người Thái ở rể 3 năm mới được cưới

Với những chàng trai dân tộc Thái, để cưới được vợ, họ phải trải qua một quá trình thử thách rất dài. Khi ưng cô gái nào, chàng trai sẽ thưa với cha mẹ để lo chuyện hôn nhân. Sau đó, chàng trai ấy phải đến ở nhà gái trong 3 tháng, sống trong gian dành cho khách và chỉ được phép mang một con dao để làm việc.

Hết thời gian đó, nếu được bố mẹ cô gái đồng ý, chàng trai sẽ trở về báo cho cha mẹ mình biết. Lúc này, chàng trai mới được mang hành lý tư trang đến nhà gái và ở đó suốt 3 năm. Sau 3 năm ở rể, lễ thành hôn mới chính thức được tiến hành.

Trường hợp cô gái không đồng ý cuộc hôn nhân sẽ tự cắt tóc mình. Sau lễ cưới, chú rể tiếp tục ở nhà gái từ 1 đến 10 năm và chỉ được phép đưa vợ về nhà mình sau một nghi lễ đưa dâu long trọng./.


CTV Nguyễn Trang

Nguồn: VOV.VN

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/nhung-phong-tuc-cuoi-hoi-doc-dao-o-viet-nam-a8865.html