Trống trận Quang Trung: Cần có sự nghiên cứu thêm!

Thời đại Tây Sơn trong lịch sử dân tộc tuy ngắn ngủi nhưng đã để lại những dấu son chói lọi mà đỉnh cao là chiến thắng quân xâm lược nhà Thanh mùa xuân năm 1789 với thiên tài quân sự của Hoàng đế Quang Trung-Nguyễn Huệ. Nhiều di sản quý báu, kể cả di sản vật thể và phi vật thể của thời đại Tây Sơn còn để lại cho đến ngày nay đang được nhân dân bảo tồn và gìn giữ, nhất là ở Bình Định-vùng đất sinh thành và khởi nghiệp của ba anh em nhà Tây Sơn, trong đó có môn trống võ và nhạc võ.

Trong sách “Võ nhân Bình Định” của Quách Tấn - Quách Giao xuất bản năm 2001 có ghi: “Cổ là môn võ trống, một bộ môn võ thuật đặc biệt của thời Tây Sơn… Trống võ dùng để luyện tập võ và điều binh khiển trận”.


Nghệ nhân Nguyễn Thị Thuận biểu diễn trống trận Tây Sơn - Ảnh: Internet

Đã nhiều lần tôi đến thăm Bảo tàng Quang Trung và Đoàn tuồng Đào Tấn, được tận mắt chiêm ngưỡng nghệ thuật biểu diễn trống trận, trong đó có nghệ nhân Nguyễn Thị Thuận, được cho là cháu 9 đời của dòng họ Nguyễn Tây Sơn, đánh dàn trống 12 chiếc khá điêu luyện, đẹp mắt mà xưa nay người ta cho đó là trống trận Quang Trung. Trong tôi, từ trước đến nay vẫn tin rằng dàn trống 12 chiếc ấy có xuất xứ từ môn võ trống mà nhà Tây Sơn sáng tạo ra để điều binh khiển tướng xông pha trận mạc. Từ xa xưa, trong thuật luyện binh và dùng binh, người ta hay sử dụng các hiệu lệnh bằng cờ, phèng la, kèn hoặc trống để chỉ huy, điều khiển ba quân. Nhưng điều đặc biệt, ở thời kỳ Tây Sơn, ông cha ta đã sáng chế ra môn trống võ và nhạc võ khá kỳ công để khi luyện quân, xung trận, người lính không lạc thế, chiêu thức, tinh thần được cổ vũ, nâng cao sức chiến đấu, đồng thời còn là chiến thuật tâm công đánh vào tâm lý hoang mang của kẻ địch. Mới đây, trên Báo Nhân Dân điện tử có bài “Bản hùng ca trống trận Quang Trung” của Phương Lan, có đề cập đến võ sư Đinh Văn Tuấn-nguyên Phó Chủ tịch Liên đoàn Võ cổ truyền Việt Nam kể lại môn võ trống ở Tây Sơn-Bình Định đã bị thất truyền. Võ sư Đinh Văn Tuấn còn nhớ khi theo các thầy luyện võ ngày xưa, có cho tập môn võ trống rất đặc biệt và vi diệu. Khi tập, các võ sinh phải làm mô hình hàng chục trống treo ở góc vườn được xem là đối thủ và bằng các thủ pháp, thân pháp linh hoạt để đánh vào dàn trống ấy. Thầy dạy võ chỉ cần nhắm mắt nghe tiếng trống của môn sinh mà đánh giá được sự tinh luyện và công lực của từng người. Như vậy, đích thực là tại quê hương Tây Sơn Tam kiệt đã từng tồn tại môn võ trống-một môn võ khá lợi hại vốn bị thất truyền. Điều đó cho thấy, tại nơi phát tích môn võ này không có nhiều người am hiểu và luyện thành công về nó. Còn từ môn võ trống này về sau người ta chế tác thành kiểu trống trận Quang Trung, như cách biểu diễn còn tồn tại đến ngày nay chưa được ai tìm hiểu sâu và mối liên hệ của nó như thế nào thì chưa được giải thích cặn kẽ.

Tác giả Trần Thị Huyền Trang, trong cuốn “Võ Bình Định-Nhìn từ tâm thức dân gian” xuất bản cuối năm 2016, có giải thích rằng: Từ lâu, môn trống trận như Quách Tấn, Quách Giao mô tả không còn thấy xuất hiện ở Bình Định nữa. Đầu thế kỷ XX, người ta còn biết đến môn trống võ qua võ sư Đoàn Phong-người có biệt tài đánh dàn trống 45 chiếc bằng roi trống kết hợp với thủ pháp nhuần nhuyễn. Phương pháp đánh trống võ theo trận pháp bát quái, ngũ hành, sử dụng bộ pháp tứ hành thủ âm. Khi đánh võ sĩ sử dụng linh hoạt cả hai tay kết hợp với thủ pháp, bộ pháp chính xác. Có hai người may mắn được thừa truyền từ võ sư Đoàn Phong môn trống võ này là: Võ sư Hồ Bửu-Giám đốc Võ đường Tây Sơn-Bình Định tại Virginia-Mỹ và võ sư Đinh Văn Tuấn-người từng biểu diễn với dàn trống 45 chiếc (5 trống chầu, 24 trống chiến, 16 trống lỡ) trước hàng trăm khán giả. Riêng võ sư Hồ Bửu được hướng dẫn đánh nhạc võ Tây Sơn theo cách của con nhà võ, tức bằng tay, chân và các thế võ. Ông đã từng về nước dự Liên hoan Quốc tế Võ cổ truyền Việt Nam và lưu lại Bình Định cả tháng trời để nghiên cứu với ý định “xuất khẩu nhạc võ Tây Sơn sang Mỹ”.

Trong vòng 30 năm trở lại đây, dàn nhạc võ Tây Sơn tại Bảo tàng Quang Trung và các lễ hội tại Bình Định chỉ còn 12 trống, tượng trưng cho thập nhị địa chi (12 con giáp), gồm đủ trống chiến, kèn bóp, chiêng, phèng la, xếp thành 3 bậc trên giá đỡ, ứng với triết lý tam tài (thiên-địa-nhân). Nhiều người nhầm tưởng rằng đây là “trống trận” Tây Sơn, dẫn đến những tranh cãi đáng tiếc… Cũng theo tác giả Trần Thị Huyền Trang thì nhạc võ Tây Sơn không phải là trống trận mà là nhạc lễ, có thể do Nhà Tây Sơn hay dân gian vùng Tây Sơn sáng tác để tôn vinh và ca ngợi chiến thắng Đống Đa, nay nó trở thành một di sản văn hóa độc đáo, một nghi thức truyền thống không thể thiếu trong các kỳ tế lễ.

Tôi nghĩ rằng, mọi sự vật, hiện tượng đều có nguồn gốc của nó. Dàn trống 12 chiếc hiện nay được biểu diễn tại các lễ, hội ở Bình Định là một di sản quý hiếm và còn lại rất ít nghệ nhân biểu diễn thành thục. Chúng ta trân trọng và bảo tồn di sản ấy gắn liền với các lễ hội đặc sắc ở quê hương Tây Sơn Tam kiệt. Còn việc nghiên cứu sâu hơn về môn trống võ và nhạc võ cũng cần được xúc tiến một cách khoa học, nghiêm túc. Vì hiện nay có thuận lợi là các nhân vật mang trong mình bí kíp của môn võ đặc biệt này đang còn sống và có ý thức khôi phục, phát triển nó, như võ sư Hồ Bửu ở Mỹ hay võ sư Đinh Văn Tuấn ở Việt Nam… Nếu nghiên cứu tỉ mỉ thì mới chỉ ra được mối liên hệ giữa môn trống võ 45 chiếc ngày xưa và dàn nhạc gọi là trống trận Quang Trung 12 chiếc hiện nay được kế thừa như thế nào, đồng thời chỉ ra đâu là võ, đâu là nhạc để các thế hệ sau thừa kế và phát triển tinh hoa của cha ông ta.


 Bùi Quang Vinh

Nguồn: Báo Gia Lai

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/trong-tran-quang-trung-can-co-su-nghien-cuu-them-a8824.html