Kiến trúc uy nghi bên dòng sông cổ
Đền Đồng Bằng là một bảo tàng mỹ thuật điêu khắc gỗ tuyệt đẹp, một điểm du lịch hấp dẫn của vùng quê lúa Thái Bình. Xuôi đường 10 đi Hải Phòng, dừng chân bên cầu Vật, du khách sẽ bị cuốn hút trước công trình kiến trúc uy nghi, lộng lẫy đứng khiêm nhường bên dòng sông Cổ đầy ắp huyền thoại.
Ảnh minh họa (nguồn internet)
Làng Đồng Bằng xưa là trang Đào Động - Một trong những phòng tuyến quân sự của nhà Trần thế kỷ 13. Nơi đây còn âm vang khí thế hào hùng oanh liệt của quốc gia đại Việt chống giặc Nguyên Mông.
Tướng quân diện súy Phạm Ngũ Lão đã bái yết cửa đền trước khi xuất trận và lưu bút đền thờ nơi "Tứ cố cảnh Lý Triềư' này. Tục truyền, đền được khởi dựng khá sớm, trải qua các triều đại, thiên nhiên, giặc giã hoành triệt, đền được tu tạo nhiều lần.
Công trình kiến trúc hiện nay có niên đại Khải Định năm thứ 10 (1926).Toạ lạc trên một diện tích gần 6000 m2, toàn bộ công trình được xây dựng của đền Đồng Bằng gồm có 13 toà, 66 gian, kết cấu theo kiểu tiền nhị hậu đỉnh liên hoàn khép kín, rất nguy nga bề thế.
Các mảng kiến trúc của công trình rất mềm mại, hài hoà với các nét chạm trổ tinh vi, hàng trăm câu đối, đại tự, cuốn thư sơn son thếp vàng với các chủ đề về tứ quý, tứ linh, hiện thực thiên nhiên vừa thần thoại vừa huyền ảo nhưng cũng rất sống động và đời thường.
Có thể nói, đền Đồng Bằng mang đậm phong cách kiến trúc truyền thống trong văn hoá làng xã Bắc Bộ nhưng lại ảnh hưởng bởi kiến trúc Huế những năm đầu thế kỷ. Đó là nghệ thuật ghép gốm và mái tứ diện chồng diêm, âu cũng là sự giao thoa văn hoá và cũng từ đó càng làm gia tăng vẻ đẹp mê hồn của ngôi đền độc nhất vô nhi trên vùng đất này.
Linh thiêng lễ hội Đồng Bằng
Theo tục lệ hàng năm, lễ hội đền Đồng Bằng được tổ chức kéo dài khoảng một tuần từ ngày 20/8 đến ngày 26/8 âm lịch, lễ hội thu hút đông đảo con nhang đệ tử, nhân dân và du khách gần xa.
Đây là lễ hội truyền thống quy tụ nhiều ông Đồng, bà Cốt khắp mọi miền - Ảnh: Báo Dân Trí
Lễ hội bao gồm phần lễ là các nghi lễ tế thần, lễ rước, dâng hương, diễn lại tích xưa vua cha đi đánh giặc, được cử hành long trọng, uy nghi và tôn kính; bên cạnh đó phần hội cũng diễn ra khá sôi động với những trò chơi mang đậm tính dân gian như hát văn hầu bóng, kéo co, chọi gà, cờ tướng, đấu vật..., trong đó đáng chú ý nhất là tục đua thuyền.
Lễ hội đền Đồng Bằng lưu giữ những nét đẹp văn hóa truyền thống, giá trị nhân văn cao đẹp, là dịp để thể hiện lòng biết ơn, truyền thống “uống nước nhớ nguồn” và sự ngưỡng vọng, tôn kính của nhân dân đối với Đức Vua cha Bát Hải Động Đình và tưởng nhớ ngày mất của Quốc Công Tiết chế Hưng Đạo Đại Vương. Lễ hội được coi như là nhịp cầu nối quá khứ với hiện tại, là một trong những môi trường giáo dục truyền thống văn hóa cho thế hệ trẻ. Đồng thời lễ hội đền Đồng Bằng cũng là nơi đáp ứng nhu cầu về đời sống văn hóa tâm linh của nhân dân, nơi đây được coi là một trong những trung tâm tín ngưỡng Tứ phủ lớn của nước ta. Hàng năm, nhân dân và du khách bốn phương đến đây mang theo ước vọng và những lời nguyện cầu cho một cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Và dường như lễ hội đã in sâu vào tiềm thức của nhân dân cùng với câu ca dao:
Dù ai buôn xa bán xa
22 tháng 8 giỗ Cha thì về
Dù ai buôn bán trăm nghề
22 tháng 8 nhớ về Đào Thôn
Bởi những huyền tích, giá trị lịch sử, nghệ thuật mà đền Đồng Bằng được biết đến là ngôi đền linh ứng và bốn mùa hương khói. Đặc biệt, năm 1986 đền Đồng Bằng đã được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch công nhận là Di tích Lịch sử Văn hóa cấp quốc gia, trở thành một điểm nhấn trong du lịch Thái Bình.
Linh Linh (Tổng hợp)