17/02/2017 15:11
17/02/2017 15:11
Ngôi đền có nhiều tục lệ kiêng kỵ lạ kỳ
Đền Cao (thuộc thôn Đại, xã An Lạc, thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương) nằm trong quần thể khu di tích đền Cao thờ 5 vị tướng họ Vương đã có công lớn giúp vua Lê Đại Hành giành chiến thắng trong cuộc kháng chiến chống quân Tống xâm lược năm 981. Trải qua hơn 1000 năm, với bao thăng trầm, biến thiên của lịch sử, ngôi đền vẫn “tọa” cùng “tuế nguyệt” và trở thành một địa chỉ tâm linh không chỉ của người dân An Lạc mà còn của bao du khách thập phương.
Tìm hiểu chúng tôi được biết ngôi đền có nhiều phong tục, sự lệ kiêng kỵ lạ kỳ đến khó tin, điều đó vô tình trở thành nét độc đáo, thu hút sự hiếu kỳ của bất cứ du khách thập phương nào.
Khu di tích hơn 1000 năm tuổi
Vào xuân, tiết trời hây hây, cảnh vật cây cối thay áo mới, màu xanh tươi non của mầm cây đang đâm trồi nảy lộc được điểm xuyết bởi những hạt mưa xuân phơi phới bay khiến trong lòng du khách xốn xang, dâng trào bao cảm xúc. Mặc dù lễ hội đền Cao năm nay diễn ra từ ngày 18 – 2 đến 20 – 2 (tức từ ngày 22 tháng Giêng đến 24 tháng Giêng) nhưng ngay từ những ngày mồng 1, mồng 2, mồng 3 Tết Nguyên đán Xuân Đinh Dậu 2017 dòng người đổ về đền Cao đã đông đảo tấp nập rồi. Ai cũng áo quần xênh xang, trên gương mặt ai cũng háo hức, phấn khởi. Mọi người đến Đền Cao để cầu mong một năm mới tốt lành. Còn tôi, ngoài thực hiện việc tín ngưỡng tâm linh, tôi còn muốn tìm hiểu về lịch sử ngôi đền cùng những phong tục, sự lệ và những điều kỳ bí, linh thiêng của ngôi đền hơn 1000 năm tuổi mà tôi đã được nghe kể từ lâu.
Chúng tôi đã gặp và trò chuyện với a Nguyễn Minh Thắng, Thị ủy viên- Trưởng Ban Quản lý Di tích thị xã Chí Linh để tìm hiểu lịch sử, về thần tích ngôi đền và toàn bộ khu di tích này.
Anh Thắng kể: Theo truyền thuyết kể lại: Vào thời Đinh ở trang Thạch Tuyền, huyện Nga Sơn, phủ Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa có một gia đình chồng tên là Vương Tĩnh, vợ là Đào Thanh, mãi không có con. Gia cảnh khó khăn, họ rời quê hương đến Dược Đậu trang (nay là thôn Đại, xã An Lạc) sinh cơ lập nghiệp. Vợ chồng ông Vương Tĩnh chẳng mấy chốc làm ăn tấn tới, khá giả nhưng họ vẫn canh cánh chưa có mụn con. Ông bà thành tâm lập đàn giữa trời, dâng lễ chay cung kính mong trời phù hộ ban phước cho họ có con.
Nửa đêm hôm ấy, bà Thanh nằm mơ, được thần báo mộng: “Gia đình nhà ngươi có phúc dày, trời cao đã biết. Nay trời ban cho một bọc 5 trứng, ba trứng vàng, hai trứng xanh đầu thai vào nhà người làm con quý tử”. Một hôm đang tắm trên dòng Nguyệt Giang, bà thấy sóng nước cuồn cuộn, chợt còn có giao long ngũ sắc nổi lên cuốn chặt lấy bà 5 vòng, bà Thanh vô cùng hoảng sợ. Một lát sau, giao long biến mất, mưa gió tự nhiên tạnh hẳn.
Từ đó, bà Thanh thấy trong người khang khác, rồi bà mang thai. Đủ tháng đủ ngày, bà sinh ra một bọc 5 trứng, sinh 3 con trai, 2 con gái đặt tên là: Vương Đức Minh, Vương Đức Xuân, Vương Đức Hồng, con gái đặt tên Vương Thị Đào, Vương Thị Liễu. Vợ chồng ông bà Vương Tĩnh nuôi con ăn học chu đáo, binh thư chữ nghĩa, văn chương đều tinh thông, thành thục. Ông bà mất trong lần về thăm quê, để lại 5 người con vẫn chưa trưởng thành.
Lúc bấy giờ giặc Tống xâm lấn bờ cõi nước ta. Vua Lê Đại Hành đem quân đi đánh giặc, qua Dược Đậu trang, 5 anh em họ Vương đến xin ứng thí tài năng với mong muốn góp sức đánh đuổi kẻ thù cứu nước, cứu dân. Nhà vua phong chức tướng quân cho 5 anh em để cầm quân ra đánh giặc và lập nhiều chiến công. Sau khi khải hoàn về kinh đô, nhà vua truyền cho 5 vị tướng họ Vương cùng về triều để được ban thưởng. Tuy nhiên, 5 vị tướng xin ở lại, đến khi mãn tang cha mẹ thì cùng trở về triều bái yết.
Vào đêm 24 tháng Giêng năm Mậu Dần, giông tố nổi lên, sấm chớp chói lòa, 5 vị tướng quân liền hóa về trời. Nhà vua biết tin đã vô cùng đau xót, tiếc thương liền sai quan triều đình về tận nơi làm lễ phúng viếng và ban lệnh truyền bảo nhân dân bản trang lập đề thờ ở các nơi thánh hóa, hương hỏa thờ phụng. Các triều đại phong kiến sắc phong và nhân dân tôn các ngài làm “Thượng đẳng phúc thần”.
Hơn 1000 năm qua, quần thể di tích vẫn trầm mặc soi bóng xuống dòng Nguyệt Giang thơ mộng. Hiện nay, các ngôi đền thờ 5 vị tướng họ Vương đều mang kiến trúc thời Nguyễn.
Đền Cao tọa lạc trên đỉnh núi Thiên Bồng thờ Thiên Bồng Đại Tướng Quân Đại Vương, Vương Đức Minh. Đền dựa lưng vào dãy núi Voi, trước mặt là dòng Nguyệt Giang. Đền Cao là một ngôi đền độc đáo, được xây dựng từ thế kỷ 10 và được trùng tu lại nhiều lần. Hiện nay đền mang kiến trúc thời Nguyễn. Kiến trúc đền kiểu chữ Đinh gồm 3 gian tiền tế, 2 gian trung từ, 1 gian hậu cung, mái ngói rêu phong với những đầu đao cong vút, trên mái là bức phù điêu lưỡng long chầu mặt trời. Trước sân đền có thờ voi đá, ngựa đá rất uy linh. Bên phải đền về phía tây là khu Từ Chỉ, nơi diễn ra các nghi lễ linh thiêng và độc đáo như: Lễ xin Trùm, lễ dâng hương Thập nhị gia tiên, lễ rước truyền thống.
Ngoài ra, trong khu di tích đền Cao còn có Đền Cả thờ phụng đức Thành Hoàng Dương Tôn Linh và 2 vị nữ tướng họ Vương là Đào Hoa Trinh Thuận Công Chúa Vương Thị Đào và Liễu Hoa Linh Ứng Công Chúa Vương Thị Liễu. Đền Bến Tràng thờ Dực Thánh Linh ứng Đại Vương Vương Đức Xuân. Đền Bến Cả thờ Anh Vũ Dũng Lược Đại Vương Vương Đức Hồng và đền vua Lê Đại Hành.
Từ lâu, đền Cao đã được lưu truyền trong dân gian về sự linh thiêng và bí ẩn mà người đời sau chưa thể lý giải.
Kiêng khem đủ thứ
Tìm hiểu thêm, được biết, tại các di tích ở Đền Cao có nhiều phong tục, nghi lễ và những điều kiêng kỵ rất lạ kỳ, khiến chúng tôi không khỏi tò mò.
Cụ Dương Thị Phu, 77 tuổi, ở thôn Đại, có thâm niên 20 năm làm thủ nhang ở Đền Cao nên mọi phong tục, nghi lễ ở đây cụ đều thuộc rành rẽ. Cụ bảo: “Ở khu di tích này có nhiều phong tục mang dấu ấn riêng, khác biệt so với các khu di tích khác. Chẳng hạn, tại di tích đền Cao, đền Cả, đền Bến Tràng, đền Bến Cả có tục thắp hương đen. Ở đền Cao, đền Cả thắp 9 nén hương đen, còn đền Bến Tràng, đền Bến Cả chỉ thắp 5 nén hương đen. Khi đốt hương phải đốt bằng tay phải, còn khi thắp hương phải thắp bằng tay trái. Còn các di tích khác trong khu di tích thắp bằng loại hương thông thường.
Khi thấy tôi thắc mắc tại sao lại thắp hương đen ở 4 di tích đền thờ 5 vị tướng họ Vương? Cụ Phu giải thích: “Thắp hương đen vì hương có tàn tro màu trắng tinh khiết thể hiện sự tinh bạch của 5 Ngài khi hóa về trời vẫn tinh bạch không giống với người phàm trần”.
Bà cụ cho biết thêm: Trong đền lễ nghi chỉ được dâng và thờ lễ chay. Vì lễ chay thể hiện sự thanh khiết. Tục truyền rằng, khi xưa Vương phụ, Vương mẫu khi lập đàn cầu đảo để cầu tự cũng chỉ thắp hương đen, cúng lễ chay. Khi cha mẹ mất, 5 người con để tang cha mẹ cũng chỉ thắp hương đen và cúng lễ chay. Vì vậy phong tục thắp hương đen và thờ lễ chay là nét độc đáo còn truyền cho tới ngày nay.
Cụ Phu cũng nói với chúng tôi những điều kiêng kỵ đối với người dân địa phương và du khách thập phương khi về thắp hương chiêm bái tại ngôi đền này: “Đối với người địa phương và du khách khi đến di tích đền Cao thì không được ăn thịt chó. Người có tang không đi lễ đền. Người đi đám tang nhất thiết phải kiêng hết tháng mới được vào đền. Phụ nữ không phải ngày sạch sẽ không được vào trong đền. Đàn bà con gái không được bước vào cửa cung cấm. Người có tang, người đi đám tang, người ăn thịt chó không được tham gia vào việc rước Thánh. Đối với tên Thánh Phụ, Thánh Mẫu khi đọc văn tế không phát âm thành tiếng”.
Cụ kể ở đền Cao có luật của cung cấm: “Biết không nói, không biết không hỏi”. “Biết không nói” nghĩa là người đã làm quan đám đặt chân vào cung cấm, không được tiết lộ cho người khác biết về những gì trong cung cấm sau cánh cửa gỗ và các bức tường để giữ gìn một pho huyền sử thiêng liêng và kỳ bí của dân tộc, của quê hương. Còn “không biết không hỏi” nghĩa là: Không tò mò soi mói, cố tìm hiểu những gì được cất giữ bí mật trong cung cấm rồi sinh lòng tà đạo, tham lam, muốn chiếm làm của riêng.
Du khách đến khu di tích đền Cao vào những ngày rằm, mồng 1 hàng tháng và những ngày có sự lệ, thường bắt gặp 5 cụ già mặc trang phục màu đỏ, đầu quấn một vành khăn đỏ, ngồi trên sập bọc nỉ đỏ, khâm trực trong đền. Đó chính là 5 ông Quan đám đội lệnh 5 vị thánh và một cụ Trùm để cùng đại diện cho dân làng phụng sự nhà Thánh, lo việc lễ nghi, sự lễ của đền. Tuy nhiên, việc lựa chọn được những người ra làm Quan đám và ông Trùm cũng rất kỳ công, đòi hỏi những quan đám rất khắt khe, kiêng kỵ đủ thứ.
Ông Nguyễn Công Văn, 67 tuổi, thôn Bờ Chùa, nguyên trưởng ban khánh tiết đền Cao. Ông cũng đã từng trải qua công việc của một Quan đám và đã lên “Lềnh”. Khi nói về chuyện này, ông cười bảo: Quy định khắt khe lắm. Để lựa chọn được một Quan đám hay ông Trùm khó vô cùng. Ngày xưa, lệ làng bắt đàn ông ngoài 20 tuổi đã phải ra làm quan đám rồi. Hết một năm làm quan đám, sẽ lên “Lềnh”. Vì vậy, các thôn trong xã (trừ thôn An Bài) hằng năm, phải có người tham gia làm quan đám. Người được chọn làm quan đám, đó là sự phân công bắt buộc. Ai không chấp hành sẽ bị phạt. Còn ngày nay, người tham gia quan đám cũng phải cứng tuổi hơn. Lúc đó, họ mới rỗi rãi thời gian và có thể kiêng được, chứ tuổi trẻ khó kiêng lắm.
Nói rồi ông Văn kể cho tôi nghe một loạt các quy định nghiêm ngặt, khắt khe trong việc chọn quan đám và những quy định, kiêng khem mà quan đám phải chấp hành. Theo đó, quan đám được làng chọn cử theo các tiêu chuẩn sau: Trước hết quan đám phải là người không tật nguyền, nhất tâm với việc Thánh, có gia đình thuận hòa, song toàn, có con nối dõi. Trong gia đình không vướng “bụi” (việc tang), có hiểu biết sâu sắc về các sự lệ trong năm và phong tục tập quán địa phương. Quy định của quan đám là khi được làng chọn làm quan đám, tức là trở thành người phụng sự Đức Thánh thì mọi sinh hoạt phải nhất nhất tuân theo quy định đã có từ ngàn đời. Quan đám sinh hoạt riêng, không ăn cùng mâm, cùng bát, không uống cùng chén, không nằm ngồi cùng giường với mọi người trong nhà.
Quan đám phải kiêng nhiều loại đồ ăn thức uống như: Cá chép, các loại cá không vảy; tỏi, mắm tôm, thịt trâu, bò, thịt chó; rau mồng tơi, rau húng chó. Các quan đám không được ăn, uống chung với những người có tang trở hoặc không sạch sẽ. Quan đám bắt buộc phải có 2 bộ quần áo riêng, một bộ sử dụng trong những ngày ăn chay, một bộ sử dụng trong những ngày ăn mặn. Bát đũa, cốc chén cũng phải sử dụng 2 bộ.
Người làm quan đám không được đến đám tang, kể cả những đám tang đã đưa đi. Quan đám còn phải ăn chay 6 ngày trong một tháng vào các ngày 13, 14, 15 và 28, 29, 30 hằng tháng. Trước khi vào hậu cung, quan đám phải ăn chay 2 ngày để giữ thân thể thanh sạch. Việc ăn chay kéo dài cho tới khi hành lễ xong. Sau khi ăn chay ngày thứ nhất, ngày thứ 2 quan đám phải tắm gội sạch sẽ, quần áo chỉnh tề để trước ngày mồng 1 hôm rằm đi thay nước, đặt trầu tại các đền.
Chỉ quan đám mới được vào hậu cung. Khi vào, quan đám phải mũ áo nghiêm chỉnh, bên trong áo choàng bằng vải bóng màu đỏ, bên ngoài áo choàng dài đen, đội mũ như mũ tế và phải bao hàm che miệng bằng một khăn vải đỏ để trần khí không xông lên Thánh cung. Vào hậu cung, quan đám bước chân phải, khi ra bước chân trái và phải bước giật lùi chứ không được quay lưng vào bên trong. Trong thời gian làm quan đám, không được hành lễ ở bất cứ nơi nào khác mà chỉ được hành lễ tại khu di tích đền Cao. Vì khi đã làm quan đám tức là đang đội lệnh của nhà Thánh ngự ở đền Cao thì không được hành lễ nơi khác. Trong thời gian làm quan đám mà trong gia đình có việc tang thì lập tức xin nghỉ để làng chọn cử người khác. Khi trả mũ áo phải có lễ tạ.
Còn việc chọn người làm Trùm không phải do dân làng chọn cử như các quan đám mà ông Trùm là người phải được Đức Thánh ưng thuận qua việc làm lễ xin Trùm. Ông Trùm là người chịu trách nhiệm chỉ huy, hướng dẫn các quan đám trong việc thực hiện các nghi lễ hầu thánh. Khi chọn ông Trùm, sẽ lựa chọn từ các ông “Lềnh” (tức là những người đã trải qua quan đám) và vẫn theo đúng tiêu chuẩn như khi chọn quan đám. Chọn được người xong mới làm lễ xin Trùm, lễ khất keo. Việc xin Trùm cũng rất long trọng, trang nghiêm. Sau khi xin Trùm được Đức Thánh đồng ý, lúc đó mới được làm ông Trùm. Lễ xin Trùm được tổ chức vào rằm tháng 3 hoặc rằm tháng 10 nhưng không thường xuyên, chỉ khi nào chưa có ông Trùm.
Ông Văn bảo: “Ai được làm ông Trùm thì rất vinh dự và làm trọn đời. Nhưng nhiều người rất ngại làm ông Trùm, thứ nhất phải kiêng khem rất khắt khe, thứ hai khi làm lễ khất keo xin trùm mà không được thì không chỉ bản thân người xin trùm đó áy náy mà cả gia đình, dòng họ cũng áy náy theo. Còn nếu xin trùm không được phải đợi đến đợt khác. Lúc đó mọi việc chỉ huy việc lễ nghi sẽ do một quan đám đảm nhiệm thay.
Ở khu di tích đền Cao còn có nhiều nét văn hóa đặc sắc khác mà không ở đâu có. Đó là khu di tích này có 24 sự lệ diễn ra trong một năm. Đây là các hoạt động lễ nghi văn hóa rất độc đáo. Ông Nguyễn Minh Thắng-Trưởng Ban Quản lý Di tích thị xã Chí Linh cho biết: “Hiện chúng tôi đang làm hồ sơ đề nghị công nhận Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia cho 24 sự lệ ở khu di tích đền Cao”./.
Kim Xuyến
Nguồn: baodulich.net.vn
Link nội dung:
https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/ngoi-den-co-nhieu-tuc-le-kieng-ky-la-ky-a8769.html