Chùa Đại Tuệ: Một không gian tâm linh thiêng liêng

Chùa Đại Tuệ tọa lạc trên khuôn viên khoảng 600m2, ở độ cao hơn 450m so với mực nước biển trong một không gian tĩnh lặng,cảnh vật thơ mộng, hữu tình. Đứng từ đây, có thể chiêm ngưỡng cả một vùng di tích danh thắng bao quanh. Nơi đây trời đất linh thiêng.



Ảnh minh họa (nguồn internet)

Ngôi chùa nằm trên đỉnh cao nhất của dãy núi Đại Huệ, thuộc xã Nam Anh, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Đại Tuệ còn có tên là Phong Vân Sơn. Đại Tuệ chính là ngọn núi thiêng bậc nhất Xứ Nghệ.

Ở thế kỷ VII sau Công nguyên, Mai Hắc Đế đã dựa vào thế núi để lập căn cứ dựng cờ khởi nghĩa. Đầu thế kỷ XV, Quốc tổ Chương Hoàng đế Hồ Quý Ly từng xây dựng thành trấn Nghệ An châu, chống lại quân Minh xâm lược. Để làm nên Đại thắng mùa Xuân Kỷ Dậu (1789), hoàng đế Quang Trung đã hành quân qua đây và dừng lại mấy ngày để chiêu mộ, luyện tập binh sỹ trước khi tiến ra Bắc đánh tan 29 vạn quân Thanh. Đại Huệ cũng là nơi thân mẫu vua Mai và thân mẫu Bác Hồ yên nghỉ... Đến dốc Thăng Thiên, chùa Đại Tuệ hiện ra với khu nhà tăng ni xá. Đây là khu mới được xây dựng. Còn Tổ đình chùa cũ và chùa mới thì phải đi thêm lên cao nữa. Tại nhà cư xá, chúng tôi đã gặp hòa thượng Thích Minh Quang, phụ trách công việc xây dựng chùa hiện nay.

Nhà sư kể: Tương truyền, chùa Đại Tuệ được xây dựng từ thời vua Mai, nhưng lịch sử chỉ ghi nhận sự ra đời của ngôi chùa dưới thời vua Hồ Quý Ly. Chùa được xây cất để thờ Phật Bà Đại Tuệ, bởi Phật Bà đã hiển linh giúp vua xây thành chống giặc. Đây là ngôi chùa duy nhất ở Việt Nam thờ Phật Bà Đại Tuệ ( đại diện cho trí tuệ của Đức Phật với Tuệ Giác, Tuệ Kiếm, Tuệ Lực, Tuệ Tâm, Tuệ Mục, Tuệ Nhãn). Vị trụ trì đầu tiên của chùa, chăm lo, hương khói phụng thờ chính là công chúa Thái Dương, con gái vua Hồ Quý Ly.

Kế tục đã có rất nhiều bậc chân tu lên đây tu hành, một trong số đó đã hiến kế sách cho vua Quang Trung hành quân theo thượng đạo Nộn Băng vừa tránh được tai mắt kẻ địch, rút ngắn được đường ra Thăng Long.Sau lưng chùa Đại Tuệ là đỉnh động Thăng Thiên có bàn cờ Tiên bằng đá. Cách chùa một trăm mét về phía Tây có tảng đá lớn khoảng năm khối, dùng đá gõ vào phát âm thanh như tiếng mõ (nhân dân gọi là Đá Mõ).

Trên đỉnh núi, cạnh chùa Đại Tuệ có ao sen nở sớm và tàn rất muộn, có giếng ngọc nước trong xanh quanh năm.

Theo sách Đại Nam nhất thống chí thì nguồn nước trên đỉnh núi Đại Huệ là một trong sáu nguồn nước thiêng mà rất nhiều triều đại các bậc vua chúa đều dừng nước giếng ngọc để dâng lên tế trời đất trong những lễ cầu quốc thái dân an.

Trước chùa Đại Tuệ còn có phiến đá rất to tựa như ngai vàng. Tương truyền các bậc đế vương như Vua Mai Hắc, Hồ Quý Ly, Nguyễn Huệ đã ngồi lên ngai đá thắp hương dâng lễ Phật cầu nguyện có sức mạnh khối đoàn kết triều đình và nhân dân để đánh tan quân xâm lược, nguyện cho quốc thái dân an. Trước chùa khoảng bốn trăm mét có hai trụ đá lớn dựng đứng như cổng chùa thiên tạo.

Trên núi Đại Huệ gần chùa Đại Tuệ có một ngôi mộ xây bằng đá. Người dân địa phương cho biết: Khi bị nhà Nguyễn truy sát, Hoàng đế Cảnh Thịnh (Vua Quang Toàn – con trai của Quang Trung) đã chạy lên núi Đại Huệ, xuống tóc tu tại chùa Đại Tuệ. Sau khi viên tịch, mộ vua Cảnh Thịnh đã được chôn cất tại đây.

Cùng với một số di tích và những câu chuyện lan truyền trong dân gian, chùa Đại Tuệ còn lưu giữ pho tượng Phật Tam thế, 5 bộ sách kinh Phật, bia đá, một số bát hương, bát gốm cổ.


Linh Linh (Tổng hợp)

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/chua-dai-tue-mot-khong-gian-tam-linh-thieng-lieng-a8747.html