28/01/2015 15:15
28/01/2015 15:15
Trà Vinh: Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa phi vật thể của đồng bào Khmer
Trong những năm qua, tỉnh Trà Vinh đã sử dụng có hiệu quả nguồn vốn của nhà nước và xã hội để thực hiện các chính sách trong việc bảo tồn và phát triển văn hóa phi vật thể của đồng bào Khmer.
Với hơn 300 nghìn người, chiếm hơn 30% dân số, người Khmer sinh sống tại 599 ấp khóm trên địa bàn tám huyện, thành phố trong tỉnh Trà Vinh. Do những tác động của sự giao lưu, tiếp biến văn hóa, trong bối cảnh hội nhập quốc tế, nền kinh tế nhiều thành phần theo cơ chế thị trường, tốc độ đô thị hóa ngày một nhanh, văn hóa phi vật thể dân tộc Khmer đang bị ảnh hưởng và mai một. Theo thời gian, có những loại hình đã mất, nhiều loại hình có sự giản lược bớt, một số loại hình nguy cơ sẽ mất trong thời gian không xa…
Dân tộc Khmer. Ảnh: Internet
Bởi thế, cùng với việc bảo tồn, các cơ quan chức năng tỉnh Trà Vinh cũng đầu tư vào việc phát huy di sản, đưa di sản đến với công chúng. Cụ thể, Bảo tàng tổng hợp Trà Vinh cũng đã tiến hành công tác sưu tầm để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa "Nghệ thuật mão, mặt nạ của đồng bào Khmer Trà Vinh. Năm 2014, tổ chức lớp truyền dạy kỹ thuật chế tác mão, mặt nạ cho những thanh niên có đam mê với nghề. (Mão, mặt nạ là hai dụng cụ không thể thiếu trong các nghệ thuật Rô băm hay nghệ thuật sân khấu Dù kê của đồng bào Khmer).
Bên cạnh đó, nghệ thuật Chầm riêng Chà pây và lễ hội Ok om Bok của đồng bào Khmer Trà Vinh được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.
Tỉnh Trà Vinh cũng đã phối hợp tốt với các tỉnh có đông đồng bào Khmer làm hồ sơ để UNESCO công nhận Nghệ thuật Dù kê của đồng bào Khmer Nam Bộ là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
Các cấp, các ngành nhất là ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch và đồng bào Khmer trong tỉnh Trà Vinh đã và đang tiếp tục giữ gìn và phát huy giá trị của di sản; triển khai các hoạt động bảo tồn, tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân, đề ra các giải pháp bảo tồn, khai thác có hiệu quả, phục vụ công tác giáo dục truyền thống văn hóa, gắn với quảng bá du lịch… góp phần thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà.
Có thể thấy, giá trị các di sản văn hóa phi vật thể Khmer ở tỉnh Trà Vinh vô cùng tinh túy đặc sắc, là nguồn tài nguyên nhân văn quý báu cần được trân trọng giữ gìn, bảo tồn và phát huy giá trị. Nếu biết cách phát huy thì các di sản văn hóa phi vật thể Khmer không những tiếp tục được sứ mạng cao đẹp của mình trong việc bảo tồn nền văn hóa nghệ thuật cổ truyền, mà còn góp phần vào việc xây dựng nền văn hóa mới, thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
TH
Theo Dân Tộc Việt
Link nội dung:
https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/tra-vinh-bao-ton-va-phat-huy-gia-tri-van-hoa-phi-vat-the-cua-dong-bao-khmer-a872.html